Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Bài toán khó với bệnh viện công lập

Hà Minh |

Ngày 22/8, trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đã gửi Bộ Y tế bản tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, 2 bệnh viện tuyến trung ương là Bạch Mai và K đều xin thay đổi mô hình tự chủ.

Chưa được tự chủ đúng nghĩa

Theo nhận định của các lãnh đạo bệnh viện, khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá nên khó lấy thu bù chi. GS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay việc tự chủ toàn diện bệnh viện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cùng những rào cản về pháp lí khác.

TS Lê Văn Quảng thông tin, đối với ngành Y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền. "Do vậy, bệnh viện sẽ khó khăn trong việc chủ động đầu tư máy móc, thiết bị này. Và trong hai năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào. Hiện nay, một trong những thách thức để thực hiện tự chủ bệnh viện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đúng, ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn", Giám đốc Bệnh viện K nói.

Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Bài toán khó với bệnh viện công lập - Ảnh 1.

Người dân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (khi còn tự chủ). Ảnh: Như Ý

Đến tháng 9 này, Bệnh viện K đã đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. "Bệnh viện đã họp và phân tích những ưu nhược điểm của việc tự chủ toàn diện và mong muốn được tự chủ theo Nghị định 60 tương tự như ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai", TS Quảng cho hay.

Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm 2 về chi thường xuyên. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết gặp muôn vàn khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính toàn diện. Ngoài khó khăn do dịch COVID-19, bệnh viện còn vướng về viện phí, bảo hiểm y tế đã lỗi thời, cách đây 4-5 năm, quy định giá quá thấp, chưa tính đúng, tính đủ khiến bệnh viện thu không đủ chi.

Cơ chế quản lí còn chưa rõ

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, quy định bệnh viện tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng vẫn phải trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá. Nhiều vấn đề khác với tự chủ ở bệnh viện tư được theo cơ chế quản lí doanh nghiệp….

"Để bệnh viện tự chủ trong điều kiện thu không đủ chi thì không thể được. Hậu quả không chỉ Bạch Mai mà các bệnh viện công đang tự chủ tài chính cũng không bảo đảm lấy thu bù đủ chi", ông Cơ nói. Đồng thời cho biết, trước khi tự chủ, phần lớn dự án tại bệnh viện là liên doanh, liên kết, tổng tài chính thu được dồi dào. Đến nay, không liên doanh, liên kết nữa, không còn thiết bị, máy y tế xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ bây giờ thu giá của bảo hiểm y tế, mà nguồn chi rất lớn, dẫn tới nguồn cán bộ chất lượng cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương cao hơn nhiều lần.

Cần đánh giá lại cơ chế tự chủ

Đề cập vấn đề khúc mắc hiện nay của ngành Y tế là tự chủ bệnh viện, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ. Như vừa rồi, Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình. Dù họ đã rất cố gắng nhưng làm gì cũng vướng. Do đó, cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện.

Ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. "Vậy, việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế", lãnh đạo Bộ Tài chính đặt vấn đề. Ông cũng cho rằng, cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ban hành ngày 21/6/2021. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ. Nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60. Nếu không làm được thì dừng lại.

Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Bài toán khó với bệnh viện công lập - Ảnh 3.

Người dân có mất đi cơ hội được khám chữa bệnh tốt nhất khi bệnh viện tự chủ sẽ không còn? (trong ảnh: bệnh nhân đến khám tại BV Bạch Mai). Ảnh: Như ý

"Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện xương sống của hệ thống bệnh viện công, của ngành Y tế, nếu để các bác sĩ đi sang khu vực tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại. Trong khi đó, một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại