Vợ chồng ông Đinh La Thăng chỉ còn 1 căn chung cư trong khi phải nộp 600 tỷ

Bảo Bình |

Cục trưởng Thi hành án Hà Nội cho biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn đang gặp khó khăn do số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà tài sản lại ít.

Số việc và tiền thụ lý cao nhất từ trước đến nay

Ngày 15/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019.

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS), hành chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết: Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS.

Về việc, tổng số thụ lý là 927.249 việc. Số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng). Các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng.

Vợ chồng ông Đinh La Thăng chỉ còn 1 căn chung cư trong khi phải nộp 600 tỷ  - Ảnh 1.

Ông Mai Lương Khôi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Ảnh: Lao động

Bên cạnh đó, Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự như: Đối với những vụ đại án tham nhũng, kinh tế, công tác thi hành án đang gặp rất nhiều khó khăn do trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa kịp thời kê biên, ngăn chặn tài sản do phạm tội mà có.

Vẫn còn tâm lý "e ngại" của người mua tài sản kê biên, phải cưỡng chế giao tài sản sau khi trúng đấu giá. 

Mặt khác, còn một số trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, đặc biệt trong quá trình cưỡng chế kê biên tài sản. Nhiều trường hợp đương sự khiếu nại nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Một điều gây khó khăn, vướng mắc khác trong công tác thi hành án dân sự đó là còn 20 đơn vị chưa có trụ sở làm việc và 504 đơn vị chưa có kho vật chứng, báo Lao động đưa tin.

Chỉ thu được một phần căn hộ của ông Đinh La Thăng

Tại hội nghị, ông Lê Xuân Hồng (Cục trưởng Thi hành án Hà Nội) cho rằng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn đang gặp khó khăn do số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà tài sản lại ít.

Ví dụ như, trong vụ án ông Đinh La Thăng cố ý làm trái khi đầu tư 800 tỷ đồng vào OceanBank, số tiền cần thu hồi theo bản án là trên 800 tỷ đồng, riêng ông Thăng là 600 tỷ đồng. 

Tuy nhiên tài sản để thu hồi của ông này, theo thông báo Cục trưởng Hồng "chỉ còn một căn hộ chung cư và là sở hữu chung của vợ chồng". 

Việc thi hành án lại phải xác định phân chia như thế nào và chỉ thu được một phần của căn hộ chứ không phải tất cả.

Tương tự, tại vụ án liên quan Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank), cơ quan thi hành án phải thu trên 300 triệu cổ phiếu của bị cáo này. Thế nhưng, việc xác định bán cổ phiếu theo phương thức nào thì chưa được thống nhất nên phải mất thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết, báo VnExpress ghi nhận phát biểu của ông Hồng.

Vì vậy, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội kiến nghị khi điều tra các vụ án lớn, cơ quan chức năng cần phong tỏa tài sản để ngăn chặn việc tẩu tán.

Vào tháng 6 vừa qua, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch PVN) 18 năm tù. Cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù.

Bên cạnh đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại