Người đứng đầu phải dành thời gian đọc đơn thư của dân
Thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 tại Quốc hội vào sáng nay 14/1, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng để làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo phải tăng trách nhiệm của người đứng đầu.
"Người đứng đầu dù nhiều việc tới đâu cũng phải có thói quen chịu khó dành thời gian đọc đơn thư của dân. Chỉ có đọc, nắm bản chất câu chuyện thì mới có những chỉ đạo đúng cho cấp dưới thi hành", ông Việt nói.
Đại biểu Ninh Thuận kiến nghị quy định ngay trong Luật Xây dựng về việc thiết kế phòng tiếp công dân tại các cơ quan Nhà nước theo hướng giản dị, gần gũi, không quá hào nhoáng, tráng lệ để người dân không bị choáng, e sợ khi bước vào trình bày vấn đề của mình.
"Cán bộ tiếp dân cũng phải có thái độ nhã nhặn, khiêm tốn. Phải ưu tiên quan điểm áp dụng những quy định nào có lợi nhất cho dân, cái gì mà có lợi nhất cho dân thì kiên quyết làm và ngược lại, nếu nhận thấy bất lợi thì phải tìm cách gỡ", báo Tuổi trẻ ghi lại một số ý kiến phát biểu của đại biểu Việt.
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện cho biết qua đơn thư của công dân gửi đến ông thì công tác tiếp công dân ở các địa phương có nhiều hạn chế, bất cập, hình thức, gây bức xúc cho người dân.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Nhưỡng đưa ra dẫn chứng tỷ lệ tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh thấp, có tình trạng né tiếp công dân, làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Cụ thể, theo ông Nhưỡng, số liệu báo cáo thì có 3,35% khiếu nại sai, 11,9% là đúng và 14,75% vừa đúng vừa sai. Như vậy, nếu cộng 2 con số sau lại thì 26,65% là cả đúng lẫn sai.
"Có người dân gửi đơn cho tôi trình bày, chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp họ 9 phút, cho trình bày cách thức xong kết thúc buổi làm việc mà không trả lời, hay giải quyết khiếu nại của dân, sau đó đi nhậu.
Người dân phải ra tận quán nhậu để tìm ông chủ tịch. Nếu hình ảnh này mà được chụp lại đưa lên Trung ương thì không biết sẽ như thế nào", báo Zing.vn dẫn lời đại biểu Nhưỡng.
"Cứ né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng để làm gì?
Bên hành lang Quốc hội, báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi tới đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) liên quan đến việc lãnh đạo tiếp dân.
Cụ thể, theo quy định của Luật tiếp công dân thì chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần một lần, phải công khai lịch tiếp công dân. Nhưng theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỉ lệ tiếp dân đúng pháp luật rất hạn chế, nhưng luật lại không quy định chế tài, vậy thì phải làm gì trước vi phạm pháp luật của người đứng đầu?
Trả lời câu hỏi trên, ông Kim thẳng thắn: "Chế tài là đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Nếu một năm mà anh không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ. Việc của anh là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia.
Đối tượng làm việc chính của chủ tịch UBND là với dân. Nội dung chính của chủ tịch UBND các cấp là với dân, là đời sống nhân dân. Anh không thể nói là bận công việc với cơ quan này cơ quan khác. Cho nên phải dành thời gian cho dân, gần dân.
Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì anh lại bỏ. Anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp sếp được công việc".
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Ảnh: Báo Hải Dương
Đại biểu Kim cũng cho rằng, cần có các biện pháp hành chính mạnh hơn nữa của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng trên.
"Nếu kéo dài tình trạng như vậy thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Tôi nghĩ đơn thư của người dân cần được phân loại, cái nào đúng, cái nào không đúng. Đúng thì phải giải quyết, không đúng thì cũng phải trả lời, nói đầy đủ cho dân hiểu. Chứ cứ né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng để làm gì?", báo Tuổi trẻ ghi nhận ý kiến trao đổi của đại biểu Hải Dương.
Tổng hợp