Vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Mới bồi thường được 20 tỷ đồng cho PVN

Hoàng Đan |

"Đến nay các bị cáo thi hành được 521 triệu đồng án phí, bồi thường được 20 tỷ đồng cho PVN, vẫn còn hơn 800 tỷ đồng bồi thường đang trong quá trình thi hành án", ông Lực cho hay.

Tại cuộc họp báo quý III/2018 của Bộ Tư pháp, Phó Tổng cục Thi hành án Dân sự Nguyễn Văn Lực đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc thi hành án trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) gây thiệt hại 800 tỷ đồng.

Vụ án ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Mới bồi thường được 20 tỷ đồng cho PVN - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lực.

Theo ông Nguyễn Văn Lực, trong vụ án, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch PVN và 5 bị cáo khác buộc phải bồi thường hơn 820 tỷ đồng, cùng với án phí hơn 1,43 tỷ đồng. Riêng ông Đinh La Thăng bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN.

"Đến nay các bị cáo đã thi hành được 521 triệu đồng án phí, bồi thường được 20 tỷ đồng cho PVN, vẫn còn hơn 800 tỷ đồng bồi thường đang trong quá trình thi hành án", ông Lực cho hay.

Ông nói, vụ việc hiện nay, còn nhiều khó khăn trong quá trình thi hành án. Cơ quan điều tra đã kê biên hơn 17.000 cổ phiếu và hiện cơ quan thi hành án đang có hướng xử lý số cổ phiếu này cũng như xác minh tài sản, tiếp nhận các kê biên tài sản để tiếp tục thi hành án.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án Dân sự nêu rõ, việc thi hành án liên quan đến các "đại án" thời gian qua là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm.

Với chức năng của mình, Tổng cục Thi hành án Dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án ở địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thi hành án đối với từng "đại án", thành lập các tổ công tác đôn đốc thực hiện.

Đối với vụ án liên quan đến cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, ông Lực thông tin, đến nay chỉ mới thi hành được hơn 4,4 tỷ đồng, trong khi bản án buộc phải bồi thường 358 tỷ đồng cho các bị hại.

Cơ quan thi hành án cho biết, việc thi hành án gặp nhiều khó khăn do tài sản đã kê biên không đủ để thi hành án.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết 55 của Quốc hội liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm cho biết, công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại luôn được đặc biệt quan tâm.

Việc kê biên, thu hồi tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao, điển hình như thu hồi tài sản tham nhũng vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại