Được biết chiếc L-15B chính là phiên bản nâng cấp từ máy bay huấn luyện - chiến đấu Hongdu L-15 Falcon hiện đang phục vụ trong Không quân Trung Quốc (PLAAF) dưới tên gọi JL-10 với nhiệm vụ đào tạo phi công lái tiêm kích J-10 và J-11 cho PLAAF.
So với người tiền nhiệm, thay đổi đáng chú ý nhất trên chiếc L-15B đó là nó đã tối ưu hóa các tham số lý thuyết, bao gồm lắp đặt động cơ phản lực có buồng đốt sau do chính Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo dựa trên việc cải tiến loại AI-225K-25 của Ivchenko-Progress (Ukraine), cho tốc độ tối đa lên tới Mach 1,4, tức là tương đương nhiều chiếc tiêm kích hiện đại.
Bên cạnh đó, máy bay còn được trang bị radar mảng pha quét thụ động (PESA) ứng dụng những thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp điện tử tiên tiến nước này, cho phép nó mang theo rất đa dạng các loại vũ khí từ đối không tới đối đất với tải trọng tối đa 3.500 kg.
Bán kính chiến đấu của chiếc L-15B ước tính lên tới trên 550 km, tầm bay chuyển sân 3.100 km, trần bay 16.000 m, vận tốc lên cao 200 m/s, đủ khả năng làm thêm nhiệm vụ của cường kích tấn công mặt đất hạng nhẹ hoặc thậm chí là tiêm kích đánh chặn.
Máy bay huấn luyện - chiến đấu L-15B của Trung Quốc trong chuyến bay thử đầu tiên
So sánh với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Yak-130 do Nga chế tạo, chiếc phi cơ của Yakovlev vẫn chỉ có vận tốc cận âm 1.037 km/h do động cơ không có chế độ bật tăng lực, tầm bay tối đa 2.500 km, trần bay 13.000 m và đặc biệt là vận tốc leo cao chỉ vỏn vẹn 50 m/s, quá thấp so với nhu cầu thay thế tiêm kích đánh chặn.
Mặc dù Nga cho biết Yak-130 có thể lắp đặt radar Osa với tầm trinh sát tối đa 85 km, phát hiện được 8 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 4 mục tiêu trên không hoặc 2 dưới mặt đất cùng lúc, nhưng cần lưu ý rằng đó phải là vật thể có diện tích phản xạ radar lên tới 5 m2 ở chế độ "look up" lý tưởng.
Bên cạnh đó, tính năng của radar Osa vẫn bị nghi ngờ vì trong kho vũ khí của Yak-130 không có tên lửa dẫn đường bằng radar như R-27, hơn nữa khả năng cơ động tương đối chậm chạp sẽ khiến Yak-130 gặp bất lợi lớn trong việc tiếp cận đối phương để ra đòn, điều cốt lõi đối với chiến đấu cơ đa năng.
Máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 của Nga
Hiện tại còn cần thêm một chút thời gian nữa để kiểm nghiệm chính xác xem tính năng của máy bay huấn luyện - chiến đấu L-15B (JL-10B) có đúng như những gì phía Trung Quốc quảng cáo hay không, nhưng nếu là sự thật thì rõ ràng L-15B đã qua mặt Yak-130 ở mọi thông số cơ bản.
Với mức giá rẻ, sẵn sàng trợ giúp nhiều công nghệ cho đối tác, vũ khí Trung Quốc nói chung và máy bay quân sự nói riêng đang từng bước vươn lên trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn của Nga trên thị trường thế giới.
Máy bay huấn luyện - chiến đấu L-15 Falcon (JL-10) của Trung Quốc trình diễn tính năng