Triều Tiên phóng bao nhiêu quả ICBM thì tên lửa đánh chặn Mỹ giương cờ trắng “xin hàng”?

Trung Phạm |

Vì những mối lo ngại từ Triều Tiên, chính quyền Mỹ đang gấp rút mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, dù không ít chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch nâng cấp này.

Viện dẫn mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang gia tăng, Chính quyền Donald Trump đang gấp rút mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa, bất chấp đã có nhiều tiếng nói bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch nâng cấp này.

Cụ thể, chính quyền Mỹ đương nhiệm đã đề xuất phát triển 2 tổ hợp radar, mỗi tổ hợp trị giá 1 tỷ USD và bổ sung thêm 20 tên lửa đánh chặn cho hệ thống 44 chiếc đã được triển khai ở các hầm ngầm tại Fort. Greely, Alaska và Căn cứ Không quân Vandenberg ở California.

Lầu Năm Góc cũng đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị để thiết lập thêm nhiều vệ tinh mới với mục đích giúp đầu đạn của mỗi tên lửa đánh chặn nâng cao khả năng tìm kiếm, tấn công và phá hủy các tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ từ ngoài tầng khí quyển.

Chính quyền Trump dự tính sẽ chi 10,2 tỷ USD cho kế hoạch này trong vòng 5 năm tới, đó là chưa kể tới 40 tỷ USD đã được đầu tư trước đây. Trong dự luật chi tiêu ngắn hạn của chính phủ được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 21/12 cũng đã dành ra 200 triệu USD cho việc chế tạo thêm các hầm chứa tên lửa ở Alaska.

Triều Tiên phóng bao nhiêu quả ICBM thì tên lửa đánh chặn Mỹ giương cờ trắng “xin hàng”? - Ảnh 1.

Bộ trưởng QP Mỹ Robert Gates (giữa) nghe giới thiệu về hệ thống tên lửa đánh chặn tại căn cứ Fort. Greely, Alaska ngày 1/6/2009. Ảnh: AP

Sự vội vã đến từ nỗi sợ Triều Tiên

Theo tờ Los Angeles Times, nhiều báo cáo của chính phủ Mỹ cũng như nội dung các cuộc phỏng với giới chuyên gia kỹ thuật đều cho thấy, kế hoạch nâng cấp trên, kể cả đầu đạn tên lửa với thiết kế mới đều khó có thể bảo vệ được nước Mỹ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo ở quy mô hạn chế.

Mối lo lắng chung nổi lên là chính quyền Donald Trump đang quá vội vã mở rộng hệ thống phòng thủ này.

Theo kế hoạch, hệ thống radar mới đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, trước khi có bất cứ vụ thử nghiệm nào được tiến hành.

Trong khi đó, những đầu đạn tên lửa mới cũng sẽ được đưa vào sử dụng cuối 2021, tức được thực hiện chỉ sau đúng một vụ bắn thử nguyên mẫu. Tất cả các tên lửa đánh chặn và đầu đạn đi kèm dự kiến sẽ hoàn thành triển khai vào cuối năm 2023.

"Chẳng có cách nào chứng minh hiệu quả của mẫu thiết kế mới mà lại không tiến hành thêm nhiều vụ thử nghiệm nữa, đó là chưa kể tới độ tin cậy của nó", David Montague, người từng giữ chức đồng Chủ tịch một ủy ban của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) tham gia hoạch định các giải pháp cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa nhận xét. "Điều đó thật ngu xuẩn".

Ngày 11/10, phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, Tổng thống Trump cho biết: "Xác suất các tên lửa đánh chặn của Mỹ có thể bắn hạ 1 tên lửa là 97%". Tuy nhiên, theo báo cáo của Lầu Năm Góc, các tên lửa đánh chặn chỉ đạt tỷ lệ thành công 50% trong các vụ bắn thử có kiểm soát.

Mức độ rủi ro là rất cao khi mà Triều Tiên đã phát triển được cả kho vũ khí hạt nhân, và gần đây nhất, tháng 11/2017 đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công mọi mục tiêu trên đất Mỹ.

Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, việc Mỹ quá tự tin vào hệ thống phòng thủ tên lửa có thể dẫn tới những tính toán sai lầm trong cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng.

"Cánh đối phó với Triều Tiên của chúng ta là: Hãy rót thêm nhiều tỷ USD nữa cho hệ thống phòng thủ tên lửa", Laura Grego, nhà vật lý từng tham gia nhóm nghiên cứu về hệ thống chống tên lửa năm 2016 của Hiệp hội các nhà khoa học có cùng mối quan tâm (UCS) bình luận. "Nhưng chúng ta cần phải rất cẩn trọng, đừng tự đánh lừa mình".

Các tên lửa đánh chặn được chính quyền Trump đề xuất sẽ giữ vai trò trụ cột trong Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa đặt trên mặt đất (GMD). Nó được thiết kế để theo dõi và đánh chặn một số lượng có giới hạn các tên lửa phóng đi từ Triều Tiên, Iran hay một quốc gia thù địch nào đó nhưng không phải là các siêu cường hạt nhân theo phân định thời Chiến tranh Lạnh.

Các tên lửa đánh chặn mới đầu tiên đã được đưa vào hoạt động năm 2004 nhưng GMD vẫn gặp phải vô vàn hạn chế.

Trong các vụ thử nghiệm trước đây, các tên lửa đánh chặn, thường được phóng đi từ Căn cứ không quân Vandenberg ở hạt Santa Barbara, đã thất bại tới 9/18 lần đánh chặn thử. Kể từ 2004, cứ 10 vụ đánh chặn thử thì có tới 6 vụ thất bại.

Các chuyên gia quân sự ước tính, để tiêu diệt được 1 tên lửa tấn công thì Mỹ phải cần tới từ 4-5 quả tên lửa đánh chặn. Như vậy, chỉ cần 12 quả tên lửa tấn công mang đầu đạn hạn nhân là có thể "vùi dập" kho vũ khí đánh chặn hiện nay của Mỹ.

Triều Tiên phóng bao nhiêu quả ICBM thì tên lửa đánh chặn Mỹ giương cờ trắng “xin hàng”? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bên cạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. Ảnh: Reuters

Những trở ngại khó vượt qua

Hiện Mỹ cũng chưa tìm ra cách nào để biết được một tên lửa đánh chặn bắn trúng một đầu đạn tấn công thực hay đó chỉ là một đầu đạn giả hoặc mảnh vỡ tên lửa. Trong khi đó, mỗi dự án phòng thủ tên lửa mới đều đang phải đối diện với các trở ngại kỹ thuật to lớn.

Mỗi tên lửa đánh chặn mới sẽ được trang bị một đầu đạn thiết kế mới. Sau khi phóng lên, đầu đạn này sẽ tách ra khỏi tên lửa 3 tầng, tự lao vào mục tiêu nhờ một cảm biến riêng mà nó mang theo và tấn công mục tiêu ở vận tốc 6,4 km/giây.

Mặc dù các quan chức của Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ khẳng định, đầu đạn mới sẽ có độ tin cậy lớn hơn các đầu đạn phiên bản cũ nhưng nhiều chuyên gia bên ngoài thì lại bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố này.

Báo cáo ngày 30/5 của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (GAO), đơn vị giúp Quốc hội Mỹ điều tra các chương trình liên bang cho rằng, một cảm biến tầm nhiệt thiết kế cho đầu đạn mới "có thể chưa đủ hiệu quả để đánh chặn các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo".

Báo cáo dày 17 trang này cho biết, một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, gồm cả Bộ tư lệnh Chiến lược "đã bày tỏ quan ngại về khả năng phát hiện và bám nắm tên lửa đối phương của cảm biến này".

Các radar mới được cho là có thể phân biệt rõ đầu đạn thực sự của kẻ thù với các đầu đạn giả hay mảnh vỡ tên lửa. Nhưng nhóm các nhà khoa học thuộc NAS và nhiều chuyên gia khác vẫn tỏ ra lo ngại về năng lực yếu kém hiện nay của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ muốn giải quyết hoặc giảm thiểu vấn đề bằng cách lắp đặt thêm các radar mới, mỗi tổ hợp trị giá 1 tỷ USD tại trung tâm radar Clear Air Force Station ở trung tâm Alaska và một địa điểm nữa chưa được công bố ở Hawaii.

Cả hai hệ thống radar trên đều hoạt động ở băng tần S, là băng tần vẫn được Hải quân Mỹ sử dụng để theo dõi các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Hệ thống GMD của Mỹ đánh chặn tên lửa mục tiêu giả định

Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt nghi vấn, liệu băng tần S có phù phù hợp để phát hiện các tên lửa tầm xa và đề nghị Lầu Năm Góc nên dùng các radar băng tần X mạnh hơn.

"Độ phân giải ở băng X tốt gấp 3 lần băng S", David K. Barton, kỹ sư radar từng tham gia nhóm nghiên cứu của NAS đồng thời là cố vấn cho các cơ quan tình báo Mỹ nhận xét. "Độ phân giải cao hơn đồng nghĩa với kết quả nhận được sẽ tốt hơn".

Trong khi đó, các vệ tinh mới lại bộc lộ một thách thức khác. Từ nhiều thập kỷ nay, Lầu Năm Góc đã liên tục tìm cách phát triển một hệ thống đặt trên vũ trụ để phân biệt đầu đạn giả và đầu đạt thật.

Gần đây nhất, Chính quyền Obama đã chi 231 triệu USD để phát triển cái gọi là Hệ thống theo dõi chính xác đặt trên vũ trụ nhưng nó chưa bao giờ được triển khai.

Giờ đây, Chính quyền Trump lặp lại nhưng với một tên gọi mới: Cấu trúc cảm biến theo dõi liên tục đặt trên vũ trụ và theo đó, có thể sẽ phóng thêm hàng loạt vệ tinh mới.

Số lượng vệ tinh cần triển khai vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia, sẽ phải cần tới ít nhất 24 chiếc, tức phải cần thêm hàng tỷ đô la nữa mới có thể phát triển được khả năng theo dõi liên tục và dẫn đường cho các đầu đạn tấn công một vụ phóng tên lửa nào đó của Triều Tiên.

Chuyên gia David Montague lo ngại, sáng kiến vệ tinh mới nhất của Chính quyền Mỹ sẽ gặp phải các trở ngại tương tự như những chương trình tiền nhiệm từng thất bại.

"Tôi thật khó hình dung một kế hoạch như vậy sẽ đạt hiệu quả như thế nào", Montague bày tỏ sự hoài nghi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại