Lực lượng Lục quân Nga sở hữu lượng lớn các loại vũ khí cá nhân, trong đó có các loại vũ khí dành cho sĩ quan và quân nhân điều khiển phương tiện chiến đấu. Hiện tại, quân đội Nga có nhiều loại súng ngắn cũ và mới phục vụ cho nhu cầu tự vệ của những người được trang bị.
Một trong những khẩu súng ngắn tiêu chuẩn đầu tiên của quân đội Liên Xô là súng ngắn tự động Tokarev hay còn gọi là TT hoặc K-54 (Kiểu 54, bản sao của TT-33) – chữ tự động ở đây được dùng để chỉ việc khẩu súng tự động lên đạn sau khi bắn và người sử dụng vẫn cần bóp cò để bắn phát đạn tiếp theo.
Súng ngắn Tokarev có vẻ ngoài không bắt mắt nhưng rất dễ sử dụng và được đánh giá là khẩu súng ngắn đáng tin cậy.
Trọng lượng của súng là 854 g, súng có hộp tiếp đạn 8 viên và sử dụng đạn súng ngắn 7.62x25 mm Tokarev. Tuy nhiên, súng ngắn Tokarev còn có thể bắn đạn 7.63 mm của khẩu súng Mauser nổi tiếng.
Súng ngắn Tokarev. (Ảnh: Michael Tsay)
Kết cấu bên trong của súng ngắn Tokarev được kế thừa lại từ các thiết kế súng ngắn của nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng John M. Browning, trong đó có súng ngắn 1911. Biệt danh TT xuất phát từ việc súng ngắn Tokarev do nhà máy Tulskiy Oruzheynyi Zavod sản xuất.
Năm 1952, Liên Xô ngừng sản xuất súng ngắn Tokarev và ước tính có khoảng 1,7 triệu khẩu súng này ra đời, chưa tính đến các phiên bản của các nước khác như Hungary, Ba Lan, Nam Tư, Triều Tiên và Trung Quốc.
Thế hệ súng ngắn tiếp theo của Liên Xô cũng lấy ý tưởng từ thiết kế của nước ngoài – súng ngắn Makarov, hay còn được biết đến với tên gọi PM hoặc K-59 (Kiểu 59). Nguyên mẫu của khẩu súng này là súng ngắn Walther Polizeipistole (PP – súng ngắn của cánh sát) do Đức sản xuất. Đây là một trong những khẩu súng được quân đội Đức sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II.
Súng ngắn Makarov. (Ảnh: Agazoo)
Tháng 12/1951, súng ngắn Makarov bắt đầu được trang bị rộng rãi thay cho súng ngắn Tokarev. Súng ngắn Makarov có trọng lượng nhẹ hơn và kích thước nhỏ gọn hơn so với súng ngắn Tokarev, chiều dài nòng súng Makarov cũng ngắn hơn.
Súng ngắn Makarov sử dụng đạn 9x18 mm Makarov do Liên Xô thiết kế riêng và khẩu súng ngắn này không sử dụng được đạn theo tiêu chuẩn khác. Loại đạn này được cho là phát triển từ đạn 9 mm Ultra của Đức và sức công phá nằm ở giữa đạn 9 mm Parabellum và đạn .380 APC. Giống như súng ngắn Tokarev, hộp tiếp đạn của súng ngắn Makarov cũng có 8 viên.
Tại thời điểm hiện tại, lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia vẫn sử dụng súng ngắn Makarov, thậm chí loại súng ngắn này có mặt trong một số đơn vị của các quốc gia thành viên NATO. Năm 1990, nhóm các nhà thiết kế giới thiệu phiên bản hiện đại của súng ngắn Makarov với tên gọi PMM – sử dụng loại đạn 9,2x18 mm với hộp tiếp đạn 10 hoặc 12 viên.
Vào những năm 1990, nhà thiết kế vũ khí người Nga Vladimir Yarygin giới thiệu súng ngắn MP-443 Grach, còn được biết đến với biệt danh Pya. Đây là khẩu súng ngắn kết hợp giữa các thiết kế cũ và mới. Giống với súng ngắn Tokarev, MP-443 Grach được chế tạo hoàn toàn bằng thép và cũng kế thừa một số cấu trúc cơ khí từ súng ngắn Browning Hi-Power.
Không giống như súng ngắn Tokarev hoặc Makarov, súng ngắn MP-443 sử dụng đạn 9 mm Parabellum, loại đạn 9 mm được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ngoài ra, súng ngắn MP-443 được trang bị khóa an toàn ngăn cản tai nạn cướp cò. Hộp tiếp đạn của súng ngắn MP-443 có thể chứa được 18 viên đạn.
Súng ngắn MP-443 Grach. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)
Tuy bắt đầu được Lực lượng Vũ trang Nga đưa vào biên chế từ năm 2003, song số lượng súng ngắn MP-443 không nhiều do hiện tại số lượng súng ngắn PM và PMM vẫn còn rất lớn. Dù hiện đại hơn so với nhiều mẫu súng ngắn trước đây của Liên Xô và Nga, súng ngắn MP-443 thiếu một số tính năng như ray gắn đèn pin dưới súng.
Dù vậy, súng ngắn của Nga vẫn được đánh giá là đơn giản, bền, đáng tin cậy và luôn sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt để sử dụng trong tình huống xảy ra xung đột.
Súng ngắn của Liên Xô và của Nga được các nhà thiết kế bỏ qua những chi tiết rườm rà và tập trung vào tính năng, điều đó đồng nghĩa với việc chúng luôn sẵn sàng cho những trận chiến khốc liệt nhất.