Để vũ khí Việt Nam xuất khẩu thắng lớn trên thị trường thế giới: Cần làm gì?

Bình Nguyên |

Nếu muốn xuất khẩu vũ khí Việt Nam ra thị trường thế giới, có những yếu tố đặc biệt quan trọng cần được quan tâm.

Tiêu chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế

Hiện nay, tuyệt đại bộ phận các hãng chế tạo vũ khí lớn trên thế giới đều áp dụng các hệ thống quản lý như:

- Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001:2015, ISO13485, ISO/TS 16949, ISO 15378, ISO 15189, ISO 17025…)

- Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001:2015, ISO 50000…)

- Hệ thống quản lý an toàn (OHSAS 18001:2007)

- Hệ thống quản lý Trách nhiệm Xã hội (SA 8000, ISO 26000)

Qua đó, giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật thâm nhập vào thị trường thế giới, tăng uy tín và hình ảnh trên thị trường, đồng thời nâng cao năng suất nhưng giảm thiểu tối đa các sai sót - giữ được chất lượng sản phẩm/dịch vụ ổn định, tỉ lệ phế phẩm ngày càng giảm nhờ vậy có thể tăng được lợi nhuận.

Khi cân nhắc chọn mua một sản phẩm vũ khí bất kỳ, khách hàng đương nhiên sẽ lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, nếu nhà cung cấp nào không có những yếu tố này sẽ gặp rất nhiều bất lợi, nhất là khi tham gia các gói thầu cung cấp vũ khí quốc tế có sự cạnh tranh gay gắt bởi nhiều nhà thầu khác nhau.

Để vũ khí Việt Nam xuất khẩu thắng lớn trên thị trường thế giới: Cần làm gì? - Ảnh 1.

Sản phẩm radar thụ động do Việt Nam chế tạo. Ảnh: QĐND.

Nghiên cứu thị trường kỹ càng

Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu vũ khí, nhưng với khả năng sáng tạo vượt trội dựa trên những kinh nghiệm thực tế sử dụng, huấn luyện chiến đấu các sản phẩm quốc phòng "Made in Vietnam" có thể được cải tiến, chỉnh sửa cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Chúng ta không cần thiết phải đốt cháy giai đoạn để nhanh chóng xuất khẩu nhiều vũ khí ra thị trường quốc tế mà cần có những bước đi vững chắc nhằm tạo dựng uy tín vững chắc trong lòng khách hàng. Đây là định hướng chiến lược, tạo dựng lợi ích lâu dài cho nền công nghiệp quốc phòng nước nhà.

Dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố cần được quan tâm sát sao, đảm bảo cho vũ khí của Việt Nam luôn có hệ số kỹ thuật cao, hoạt động tin cậy, ổn định trong mọi tình huống.

Tăng cường quảng bá sản phẩm

Ngoài các kênh ngoại giao, tùy viên quân sự Việt Nam ở các nước có thể tích cực tìm hiểu nhu cầu khách hàng (nhằm chế tạo sản phẩm thích hợp theo yêu cầu của từng quốc gia) và giới thiệu sản phẩm, xúc tiến bán hàng đến các nước bạn thì một phương thức quan trọng để nhiều quốc gia biết đến vũ khí Việt Nam hơn chính là tích cực tham gia các triển lãm vũ khí.

Có 2 kênh thực hiện triển lãm:

- Tham gia triển lãm vũ khí ở nước ngoài: Đây là một kênh quảng bá được hầu hết các nhà chế tạo vũ khí lớn trên thế giới thường áp dụng. Vũ khí "Made in Vietnam" cũng cần phải đưa tới giới thiệu tại các triển lãm vũ khí lớn, nơi quy tụ nhiều "anh tài" và tất nhiên là cả rất nhiều khách hàng tới tìm hiểu.

Để nâng cao hiệu quả xúc tiến bán hàng, cần chuẩn bị thật tốt vũ khí mẫu, tài liệu giới thiệu chuyên nghiệp, tận dụng tối đa các ứng dụng truyền thông đa phương tiện nhằm lột tả hết được những tính năng vượt trội đồng thời tạo ấn tượng tốt, mang tính thuyết phục cao với khách hàng.

Để vũ khí Việt Nam xuất khẩu thắng lớn trên thị trường thế giới: Cần làm gì? - Ảnh 2.

Đoàn cán bộ quân sự Việt Nam tham dự một cuộc Triển lãm vũ khí ở nước ngoài. Ảnh: QĐND.

- Tổ chức triển lãm vũ khí ở Việt Nam: Gần đây, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công một số triển lãm vũ khí hoặc kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, quy đó đã thu được một số kinh nghiệm quý báu để tiến tới tổ chức thành công những sự kiện quy mô lớn hơn.

Qua đó, dần dần biến thành Việt Nam một điểm đến của các hãng chế tạo vũ khí lớn trên thế giới vươn lên sánh ngang với các triển lãm của các nước trong khu vực như Singapore Airshow, LIMA (Malaysia), Indo-Defense Expo (Indonesia), Triển lãm Quốc phòng & An ninh quốc tế (Thái Lan),...

Cần phải lưu ý rằng, chi phí cho triển lãm vũ khí không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả ngay tức thì, có thể nhìn thấy hay đo lường chính xác được, mà phải coi đây là khoản đầu tư dài hạn bắt buộc phải có. Tất nhiên, cần phải quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí.

Để vũ khí Việt Nam xuất khẩu thắng lớn trên thị trường thế giới: Cần làm gì? - Ảnh 3.

Đoàn cán bộ quân sự Việt Nam tham dự một cuộc Triển lãm vũ khí ở nước ngoài. Ảnh: QĐND.

Cuối cùng, đã có những tiền lệ với một vài nhà xuất khẩu gặp rắc rối cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế do không tuân thủ các quy định của Liên hợp quốc về buôn bán vũ khí. Do vậy, ngay từ đầu vũ khí Việt Nam xuất khẩu cần phải theo thông lệ và các quy định quốc tế, công khai, minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, trong tương lai không xa, các sản phẩm vũ khí Made in Vietnam có thể có chỗ đứng trên thị trường thế giới, tạo điều kiện cho nền công nghiệp quốc phòng nước nhà phát triển ổn định, phục vụ tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sáng 20-9-2017, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQPAN) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng và phát triển CNQPAN trong thời gian qua, xác định những nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng.


Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến đổi, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo tạo bước phát triển đáng kể cho CNQPAN, năng lực sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị của CNQPAN đã có chuyển biến rõ nét và có bước đột phá, góp phần nâng cao tiềm lực QPAN quốc gia; chúng ta đã sản xuất, sửa chữa được một số sản phẩm mới có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Trong những năm tới, trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4; nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQPAN càng trở nên nặng nề.

Thủ tướng yêu cầu cần đổi mới tư duy, giải pháp và cách thức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển CNQPAN; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ có tính năng kỹ - chiến thuật cao.

Sản phẩm CNQPAN phải có tính cạnh tranh, đủ điều kiện xuất khẩu, trên cơ sở làm chủ thiết kế, công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa; góp phần từng bước hiện đại hóa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

(Theo báo Nhân Dân ngày 20/09/2017)

Cận cảnh xưởng đóng tàu pháo TT400TP tại nhà máy Z173

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại