Theo đó, ngày càng có ít phụ nữ quyết định sinh con ở Hàn Quốc và những người muốn sinh con cũng không hề vội vàng. Chi phí nhà ở và giáo dục cao ngất ngưởng khiến nhiều người muốn đảm bảo tài chính trước khi sinh con.
Lim Eun-young, một phụ nữ 34 tuổi, cho biết cô chưa sẵn sàng lập gia đình do chi phí quá lớn và vì cô chỉ mới bắt đầu hẹn hò với bạn trai vài tháng. Nhưng vì lo lắng tuổi ‘vàng’ để sinh con sắp hết, Lim quyết định đông lạnh trứng của mình vào tháng 11 năm 2021.
Lim là một trong số khoảng 1.200 phụ nữ độc thân chưa kết hôn đã làm thủ thuật đông lạnh trứng vào năm ngoái tại Trung tâm Y tế CHA, Hàn Quốc. Con số này đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm. CHA là chuỗi phòng khám sinh sản lớn nhất Hàn Quốc.
Một nhân viên kiểm tra bể đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản CHA ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
Kim Ji-hyun, một giáo sư tại Trung tâm Sinh sản CHA, khám cho bệnh nhân tại phòng khám ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
"Điều này khiến tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tôi cảm thấy yên tâm khi biết rằng tôi có những quả trứng khỏe mạnh được đông lạnh ngay tại đây", Lim nói.
Tỷ lệ sinh thấp nhất
Đông lạnh trứng để chờ thời điểm sinh con là một lựa chọn ngày càng được nhiều phụ nữ trên toàn thế giới quan tâm.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh - số trẻ em trung bình do một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời - ở Hàn Quốc chỉ là 0,81 vào năm ngoái. Để so sánh, tỷ lệ sinh trung bình của các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) năm 2020 là 1,59.
Nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con, chính quyền Hàn Quốc đã chi những khoản tiền khổng lồ dành cho các khoản trợ cấp và đặc quyền dành riêng cho các gia đình có trẻ em. Năm ngoái, chính phủ nước này đã chi ngân sách 46,7 nghìn tỷ won (37 tỷ USD) để tài trợ cho các chính sách nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp.
Vì sao nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con?
Phần lớn nguyên nhân khiến người Hàn Quốc không muốn có con là do hệ thống giáo dục đắt đỏ có tính cạnh tranh cao. Điều này khiến hầu hết trẻ em phải đi học thêm và tham dự các lớp luyện thi từ nhỏ.
Lim nói: "Từ các cặp vợ chồng đã kết hôn và từ các chương trình truyền hình thực tế, chúng tôi biết việc nuôi dạy con cái tốn kém như thế nào, từ tiền học đến các chi phí khác, và tất cả những lo lắng này dẫn đến việc chúng tôi ít kết hôn và sinh con hơn".
Lim Eun-young, một bệnh nhân tại Trung tâm Sinh sản CHA, trả lời phỏng vấn với Reuters tại phòng khám ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
Một nhân viên thực hiện một số quy trình trước khi đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản CHA ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
Chi phí nhà ở cũng ở mức cao. Ví dụ, một căn hộ trung bình ở Seoul có giá ước tính bằng 19 năm thu nhập của một hộ gia đình trung bình Hàn Quốc, tăng so với 11 năm thu nhập vào năm 2017.
Cho So-Young, một y tá 32 tuổi tại CHA, người dự định đông lạnh trứng của mình vào tháng 7 tới đây, cũng muốn ổn định tài chính trước khi có con.
"Nếu bây giờ tôi kết hôn và sinh con, tôi không thể để con sống trong môi trường mà tôi từng sống... Tôi muốn có điều kiện nhà ở tốt hơn, khu phố tốt hơn và thức ăn ngon hơn để ăn", cô nói.
Một nhân viên kiểm tra bể đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản CHA ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
Một nhân viên thực hiện một số quy trình trước khi đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản CHA ở Bundang, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 4 năm 2022. Ảnh: REUTERS / Heo Ran.
Ngoài ra, kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc. Chỉ 2% ca sinh ở Hàn Quốc diễn ra mà không có hôn nhân, tỷ lệ này trung bình ở các nước OECD là 41%.
Thực tế, trong khi phụ nữ Hàn Quốc độc thân có thể đông lạnh trứng của mình, nhưng họ không thể nhận tinh trùng hiến tặng và cấy phôi một cách hợp pháp trừ khi đã kết hôn. Đây là một vấn đề được Sayuri Fujita, một người nổi tiếng Nhật Bản và là mẹ đơn thân sống tại Hàn Quốc, từng đề cập. Fujita nói cô đã phải quay trở lại Nhật Bản để nhận tinh trùng hiến tặng.
Jung Jae-hoon, giáo sư nghiên cứu phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, nói rằng điều này cần phải thay đổi. Giáo sư Jae-hoon lưu ý rằng số hôn nhân được đăng ký ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 192.500 cuộc hôn nhân diễn ra vào năm ngoái. Con số này giảm khoảng 40% so với một thập kỷ trước. Ngay cả khi xem xét ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì mức suy giảm này vẫn là rất lớn.
Giáo sư Jae-hoon nói: "Điều ít nhất mà chính phủ có thể làm là không cản đường những người sẵn sàng gánh vác gánh nặng tài chính khi sinh con".
Đáng lo ngại hơn nữa là các số liệu thống kê cho thấy mong muốn có con của người trẻ Hàn Quốc đã giảm mạnh. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Bộ Gia đình và Giới tính Hàn Quốc, khoảng 52% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 không có kế hoạch sinh con khi họ kết hôn, tăng vọt so với mức 29% vào năm 2015.
Đông lạnh trứng là gì?
Theo thông tin chính thức trên website của hệ thống y tế Mayo Clinic (Mỹ), đông lạnh trứng, hay còn gọi là bảo quản đông lạnh noãn trưởng thành, là một phương pháp được sử dụng để bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ.
Đầu tiên, trứng được lấy buồng trứng, sau đó được đông lạnh khi chưa thụ tinh và được lưu trữ để sử dụng sau này. Trứng đông lạnh có thể được rã đông, thụ tinh nhân tạo trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung.
Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu cách thức hoạt động của đông lạnh trứng, những rủi ro tiềm ẩn và liệu phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản này có phù hợp với bạn hay không dựa trên nhu cầu và tiền sử sinh sản của bạn.
(Nguồn: Reuters, Mayo Clinic)