Vì sao Mỹ "bật đèn xanh" cho quân đội Syria, "phản bội" phiến quân?

Quốc Vinh |

Việc Mỹ quyết định ngừng hỗ trợ phiến quân trong đợt tiến công của Nga-Syria ở miền Nam được coi là một bất ngờ nhưng lại không hề bất hợp lý.

Quyết định của Mỹ không bất ngờ

Quyết định dừng hỗ trợ quân nổi dậy trong bối cảnh quân đội Syria tiến quân về miền Nam là một bất ngờ từ phía Mỹ. Theo các nhà phân tích khu vực, đằng sau động thái này có thể là sự thay đổi rõ rệt trong chiến lược Syria của Washington trong thời gian tới.

Giới quan sát đánh giá, Washington dường như đã cố ý "bật đèn xanh" cho cuộc tiến công miền Nam của Quân đội Ả Rập Syria (SAA), mặc dù chỉ vài ngày trước nước này đã lo ngại về "hậu quả nghiêm trọng" khi cáo buộc Damascus và Moscow vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực giáp biên giới Jordan và vùng Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Ngày 24/6, Washington thông báo với phiến quân Syria ở miền Nam rằng các nhóm này không nên trông chờ vào sự viện trợ của Mỹ trong động thái mới nhất của lực lượng Syria-Nga.

Động thái của Mỹ đã gây bất ngờ cho giới truyền thông, đến mức mà tờ The Independent trong một bài viết hôm 27/6 đã gọi đây là "sự phản bội" của Washington và "thông điệp nghiệt ngã này sẽ còn ghi lại trong những trang sử".

"Rất khó để hiểu những gì thực sự xảy ra đằng sau hậu trường, bên cạnh rất nhiều thông tin mâu thuẫn về các thỏa thuận liên quan đến các bên", nhà phân tích chính trị người Syria Ghassan Kadi nói với Sputnik. "Tuy nhiên, dù có hay không có thỏa thuận, SAA vẫn sẽ làm công việc của mình".

Nhà phân tích này đề cập đến một "thỏa thuận" được phía Moscow bảo đảm, trong đó các khu vực hiện tại sẽ do các đơn vị SAA tiếp quản và không có lực lượng Iran nào có mặt tại đây.

Nếu thỏa thuận trên tồn tại, người ta có thể giải thích được lý do tại sao Mỹ lại "thay lòng đổi dạ" với quân nổi dậy. Các lực lượng chống Chính phủ Syria không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nhìn SAA mở rộng sự hiện diện hoặc mạo hiểm tiến vào một cuộc chiến mà các nhóm này gần như nắm chắc phần thua.

Về phần mình, chuyên gia bình luận quân sự người Israel Avigdor Eskin lại khẳng định không có sự "thay lòng đổi dạ" nào của Mỹ tại miền Nam Syria.

"Đây không phải là bất kỳ sự thay đổi chiến lược lớn nào", ông nói. Theo đó, Eskin nhấn mạnh đến một thực tế rằng cả Iran lẫn Hezbollah đều không được đưa vào hoạt động quân sự vừa được tiến hành ở miền Nam. Bởi vậy, sẽ không có lý do gì để Washington phản đối.

"Cuộc tấn công này được lên kế hoạch để không làm mất lòng cả Washington và Tel Aviv", Eskin giải thích. "Israel sẽ không ngăn cản quân Assad chiếm lấy vị trí gần biên giới nước này nếu Iran và Hezbollah không cùng có mặt ở đó. Chúng ta có thể thấy một số tiến bộ tích cực".

Eskin nhấn mạnh rằng quyết định lùi bước của Washington ở miền Nam Syria, không ảnh hưởng gì đến hai mục tiêu chiến lược của Mỹ tại quốc gia này, bao gồm: ngăn chặn người Iran xây dựng hành lang giữa Tehran và Địa Trung Hải thông qua Iraq và Syria, cũng như mục tiêu diệt trừ khủng bố IS. "Vì vậy, không có điều gì bất ngờ tại đây", nhà bình luận chính trị Israel nhận xét.

Tình hình vẫn có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát

Vì sao Mỹ bật đèn xanh cho quân đội Syria, phản bội phiến quân? - Ảnh 1.

Chiến lược Syria của Mỹ có thể sẽ rõ ràng sau cuộc gặp thượng đỉnh với Nga.

Bình luận về sự bất mãn của Israel đối với sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria, nhà phân tích Kadi nhấn mạnh rằng Tổng thống Assad đã nhiều lần khẳng định sự hiện diện chính thức của Iran ở Syria chỉ giới hạn ở các cố vấn quân sự và không có quân đội chính thức của Iran ở quốc gia này.

"Tuy nhiên, ngay cả khi giải thích rõ ràng cho Israel như vậy, trên thực tế họ sẽ không thoải mái, mặc dù mối đe dọa đối với họ là không có", nhà phân tích chính trị nêu quan điểm.

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng nhiều lần tuyên bố rằng "Iran cần rút tất cả lực lượng khỏi Syria" và Israel "đang hành động chống lại các nỗ lực thiết lập sự hiện diện quân sự của Iran và quân đồng minh ở Syria".

Trong vài tháng qua, Không quân Israel đã tấn công nhiều cơ sở hạ tầng bị cáo buộc là Iran sử dụng ở Syria.

Kadi cho rằng sự bất mãn của Tel Aviv không chỉ đơn thuần là sự hiện diện của lực lượng Iran ở Syria. Theo nhà phân tích, Israel "không hài lòng khi Chính phủ Syria giành lại nhiều phần lãnh thổ, đặc biệt là ở các vùng phía Nam gần biên giới nước này, và sẽ sử dụng bất kỳ lý do nào để khởi động các cuộc tấn công vào Syria với lý do là tiêu diệt mục tiêu Iran".

Cũng theo nhà phân tích này, trong bất kỳ trường hợp nào, bất đồng Iran-Israel ở Syria không có khả năng chuyển thành một cuộc xung đột lớn. "Iran hoặc Israel đang chuẩn bị sẵn một tình huống bước vào cuộc đối đầu toàn diện, nhưng Nga đang rất nỗ lực để ngăn chặn một kịch bản như vậy", ông khẳng định.

Dẫu vậy, chuyên gia Kadi cảnh báo rằng vẫn còn "một khả năng những căng thẳng có thể leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát", đặc biệt là nếu Saudi Arabia và các đồng minh khu vực bước vào đối đầu với Tehran trên đất Syria.

Trong khi các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria tiếp tục giành được nhiều thắng lợi quan trọng ở mặt trận phía Nam Syria, bộ Quốc phòng Nga bác bỏ những tuyên bố nói rằng Nga đang phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump cuối cùng đã đồng ý ngày tiến hành hội nghị thượng đỉnh được mong đợi từ lâu của họ.

Giới quan sát dự kiến ​​vấn đề Syria sẽ là chủ đề được thảo luận kỹ càng nhất giữa hai nhà lãnh đạo. Khi đó, chiến lược của Mỹ về Syria sẽ phần nào được sáng tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại