Tại sao điều kỳ lạ trên lại xảy ra? Điều gì đã khiến vũ khí của quốc gia luôn trong tình trạng chiến tranh từ thời lập quốc lại được ưa chuộng như vậy? Tất cả đều có nguyên do.
"Điều đặc biệt" được làm bởi Israel
Một điều có thể thấy rõ, vũ khí, trang bị quân sự của Israel rất ít khi trải qua thời kỳ "bệnh trẻ con" nhưng đa phần các dòng vũ khí do các quốc gia trên thế giới phát triển. Điều này chứng minh một thực tế vũ khí Israel phát triển đều dựa trên thực tiễn chiến đấu Quân đội Israel đúc rút được trên chiến trường.
Những điều tưởng chừng như đơn giản nhất như thói quen của người lính, các vấn đề thường gặp đối với binh sĩ khi chiến đấu đều được ghi lại và đúc rút để áp dụng lên vũ khí của Israel. Thiết kế của bộ thiết bị hoán cải giúp bắn súng ở góc khuất có thể coi là một điển hình rút kinh nghiệm từ hoạt động tác chiến trên các con phố và ngõ nhỏ của Quân đội Israel.
Một yếu tố nữa cần xem xét đó là việc trong nhiều thập kỷ qua sau khi trải qua những cuộc chiến quy mô lớn với khối Ả rập, Quân đội Israel thường xuyên phải đối phó với chiến tranh bất đối xứng với các nhóm vũ trang Ả rập.
Điều này đã tạo cho Quân đội Israel kinh nghiệm chiến đấu trong điều kiện bất đối xứng cực kỳ phong phú và vũ khí, trang bị quân sự cũng được phát triển để thích nghi với hình thái chiến tranh đặc biệt đó.
Xu hướng phát triển vũ khí, trang bị quân sự của Israel hoàn toàn phù hợp với các cuộc xung đột vừa và nhỏ, chiến tranh bất đối xứng vốn là yếu tố chủ đạo trên thế giới hiện nay, khi nguy cơ về chiến tranh tổng lực không còn hiện hữu.
Những trang bị quân sự hợp lý, đối phó tốt với chiến tranh bất đối xứng của Israel có thể coi là "đặc sản" trên thị trường vũ khí quốc tế.
Các hệ thống pháo phản lực của Israel luôn được thế giới đánh giá rất cao. Ảnh minh họa.
Cần nhấn mạnh một yếu tố đặc biệt khác là sự thông minh và nắm bắt tình huống nhanh nhạy của người Do Thái. Rất nhiều loại vũ khí không phải do Israel phát triển, nhưng qua bàn tay cải tiến của người Do Thái nó đã mang một sức mạnh khác. Điều này có thể thấy rõ qua công nghệ chế tạo máy bay không người lái hàng đầu của Israel.
Mỹ là quốc gia tiên phong áp dụng phương tiện không người lái quân sự vào chiến đấu, nhưng áp dụng công nghệ này ở mức đỉnh cao và phổ cập thì phải là Israel.
Sự đa dạng về sắc tộc đến từ khắp nơi trên thế giới của một quốc gia vừa thành lập trong thế kỷ 20 đã cho phép Israel có thể tiếp nhận và hấp thụ công nghệ quân sự ở cả Đông và Tây.
Israel vừa có khả năng nâng cấp các loại vũ khí có nguồn gốc Liên Xô, Nga như xe tăng T-54, T-72, đạn pháo phản lực AccuLAR…, vừa có thể nâng cấp các loại khí tài quân sự Mỹ và phương Tây như xe tăng M-60 Sabra, máy bay chiến đấu F-16I…
Đó mới chỉ là một vài ví dụ rất nhỏ trong danh sách dài những loại vũ khí "đã qua tay" người Do Thái.
Có thể những khí tài quân sự phức tạp, Israel không có khả năng chế tạo và xuất khẩu như các siêu cường, nhưng tối ưu hóa các phương tiện chiến đấu, đặc biệt các gói nâng cấp, tăng cường tính năng, thì Israel làm rất tốt.
Rất nhiều sản phẩm quân sự của Israel thậm chí còn khiến Mỹ và Nga phải nhập khẩu. Điển hình nhất là việc Nga nhập khẩu và mua bản quyền chế tạo các thiết bị không người lái Searcher và Heron từ Israel, còn Mỹ thì thập chí còn viện trợ tài chính để Israel phát triển các tổ hợp tên lửa đánh chặn David Sling, Arrow để được chia sẻ công nghệ lõi.
Chính vì thế, không mấy khó hiểu khi vũ khí Israel lại được săn đón và ưa chuộng đến thế. Hơn thế nữa vũ khí Israel còn…
Các hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa của Israel luôn được thế giới đánh giá rất cao. Ảnh minh họa.
Dễ tiếp cận và sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Khi nói tới vũ khí, trang bị quân sự Israel trên thị trường vũ khí quốc tế có thể diễn tả bằng một câu "thuận mua, vừa bán". Không bị ràng buộc bởi các điều khoản chính trị kèm theo các hợp đồng vũ khí với bên mua, nên vũ khí Israel rất dễ tiếp cận trên thị trường quốc tế. Mọi đơn hàng đều có thể được đáp ứng đó là thế mạnh của Israel.
Điều này không thể có được với Mỹ hoặc phương Tây, khi các hợp đồng thường ở dạng "mua thịt, kèm rau" với các hợp đồng phụ về bảo dưỡng, phụ tùng, trang bị kèm theo làm đội giá của hợp đồng chính.
Thậm chí, với hợp đồng đủ lớn, Israel sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho bên mua. Ví dụ về vấn đề này không phải nói đâu xa chính là dây chuyền lắp ráp súng trường Galil Ace hay nâng cấp xe tăng T-54/55M4 cho Việt Nam; tên lửa Barak-8 tại Ấn Độ…
Với tính năng và giá thành hợp lý, trong nhiều trường hợp, vũ khí, trang bị quân sự Israel được coi là phương án hợp lý hơn cả nhập khẩu từ các siêu cường xuất khẩu vũ khí khác trên thế giới vốn áp đặt các điều kiện xuất khẩu vũ khí ngặt nghèo ra nước ngoài như Mỹ và châu Âu.
Rõ ràng, dù không phải là quốc gia phát kiến công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng việc dung hòa tốt các kinh nghiệm thực chiến lên các loại vũ khí sẵn có hoặc thông qua các gói nâng cấp chính là điểm mạnh và tạo nên thương hiệu cho các loại vũ khí, khí tài quân sự Israel.
Hệ thống tên lửa phòng không Spyder