Vì sao giới tài xế sợ đèo Prenn?

Phạm An - Trường Nguyên - Khắc Thành |

Đường xuống cấp, nhỏ hẹp, nhiều đoạn không có taluy che chắn, trơn trượt… là những lo lắng đối với tài xế khi lái xe qua đèo Prenn.

Đoạn đèo có những "khúc cua tử thần"

Sáng 19/6, xe khách của công ty Lê Mỹ trong lúc đổ đèo Prenn hướng từ TP Đà Lạt đi TP HCM đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng với xe khách của công ty Thanh Lịch lưu thông hướng ngược lại khiến 7 người tử vong và 15 người bị thương.

Trả lời PV Báo Trí Thức Trẻ, ông Đoàn Văn Việt cho biết, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn do xe của công ty Lê Mỹ (hướng từ Đà Lạt đi TP HCM) trong lúc đổ dốc đèo Prenn lúc bị mất thắng dẫn đến tai nạn với xe của hãng Thanh Lịch đang lên dốc.

Vì sao giới tài xế sợ đèo Prenn? - Ảnh 1.

Vụ tai nạn sáng hôm nay một lần nữa khiến cánh tài xế lo sợ (ảnh Đoàn Biên).

Theo các tài xế chạy xe khách tuyến Đà Lạt, đèo Prenn được đánh giá là "đoạn đường sợ hãi" vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Từ năm 2013 đến nay, trên đèo Prenn xảy ra hơn 10 vụ tai nạn liên quan đến ôtô, trong đó có nhiều vụ xe bị rơi vực hoặc đâm vào vách núi.

Trước đó, khoảng 5h20 ngày 3/4/2013, tài xế Phan Thanh Tú (35 tuổi, quê Trà Vinh) đang điều khiển xe khách 83B-000.40 qua khúc cua trên Quốc lộ 20 gần cuối đèo Prenn thì bất ngờ xuất hiện một ô tô chạy ngược chiều.

Anh Tú đánh tay lái để tránh khiến xe đâm vào vách núi, lật nghiêng rồi trượt dài thêm hàng chục mét mới dừng lại. 15 trong số 32 du khách trên chiếc ô tô phải vào Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Vì sao giới tài xế sợ đèo Prenn? - Ảnh 2.

Trước đó, ngày 28/4/2016 tại Km 228+500 trên tuyến Quốc lộ 20 thuộc khu vực đèo Prenn bị sạt lở nghiêm trọng 20m taluy âm sát mép đường có độ sâu 2,5m, gây hư hỏng hoàn toàn tường hộ lan cứng (bê tông xi măng). Ảnh Ban ATGT.

Gần đây hơn, 4h45 ngày 30/3, trời sương mù dày đặc, ôtô loại 50 chỗ của Công ty du lịch lữ hành P.T chở khách từ TP HCM lên Đà Lạt, đến khúc cua dưới chân đèo Prenn, gần trạm thu phí đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, tài xế đánh lái sát lề phải tránh xe máy đi ngược chiều khiến xe khách lao thẳng xuống mương nước, lật nhào.

Hầu hết hành khách bị thương, trong đó phụ xe bị thương khá nặng. Tài xế kể: "Sương mù dày quá, đến lúc nhìn thấy xe máy phía trước thì khoảng cách đã quá gần nên tôi phải đánh lái gấp để tránh".

Vì sao con đèo này lại nguy hiểm như vậy?

Tài xế hãng P.T chuyên chạy tuyến TP HCM – Đà Lạt cho biết, đèo Prenn là một đèo núi dài 11 km thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10 km. Đèo tuy không dài nhưng rất nguy hiểm vì có nhiều đoạn quanh co, cua gấp, tầm nhìn khuất. Mặt đường đèo khá nhỏ trong khi một bên đèo là vách núi, bên còn lại là vực sâu.

"Thời gian đầu mới chạy tuyến TP HCM đi Đà Lạt tôi cũng rất sợ hãi mỗi khi đi qua cung đường này. Một trong những điều chúng tôi sợ hãi nhất là xe mất thắng lúc đang leo đèo, đường bình thường thì có thể xử lý được nhưng đường đèo thì cầm chắc tai nạn", tài xế thổ lộ.

Tuy nhiên, chạy xe một thời gian anh đã rút ra được một số kinh nghiệm cho mình: "Trước khi đi qua đèo Prenn hay bất cứ một cung đường đèo nào khác, tài xế cần kiểm tra thật kỹ phương tiện mình điều khiển, đặc biệt là hệ thống phanh, tránh để xảy ra sự cố trong lúc leo đèo".

Tài xế hãng P.T chia sẻ, khi xe đi đèo Prenn đòi hỏi người cầm lái phải quan sát thật tốt là tâm lý bình tĩnh để có thể xử lý những tình huống bất ngờ xảy đến.

Mắt tài xế ngoài việc hướng về phía trước còn phải liên tục nhìn vào 2 bên đường, nếu không cẩn thận thì nguy cơ tông vào xe ngược chiều hoặc đâm vào vách núi, lao xuống vực, đặc biệt là chạy vào ban đêm. Đồng thời, người lái xe cần phải đều chân ga, duy trì khoảng 30 – 40 km/h, không nên chạy với tốc độ quá cao.

Vì sao giới tài xế sợ đèo Prenn? - Ảnh 3.

Đèo Prenn được đánh giá là một trong những con đèo nguy hiểm tại Đà Lạt với nhiều khúc cua, một bên là núi cao, một bên là vượt thẳm. Ảnh Dulichtrainghiem.

Là một "phượt thủ" nhiều lần qua đèo Prenn bằng xe máy, anh Ngô Trần Hải An (được biết đến với biệt hiệu Qủy Cốc Tử) cho biết, hiện nay con đèo này đã xuống cấp rất nhiều, nhiều đoạn xuất hiện dày đặc ổ gà ổ voi. "Cung đường này khá hẹp, nhiều đoạn chỉ cần hai xe khách chạy qua nhau là chiếm hết mặt đường, xe máy phải dừng lại chờ", anh An nói.

Theo "phượt thủ" này, tình trạng nguy hiểm nhất của đèo Prenn là các khúc cua tay áo liên tục, một bên là vách núi bên còn lại vực sâu, nhiều đoạn không có taluy che chắn cản. Bên cạnh đó đèo Prenn khá trơn trượt, thường xuất hiện sương mù khiến người tham gia giao thông lo lắng.

Nhận xét về tình trạng các xe ôtô chạy trên đèo Prenn, chàng phượt thủ nổi tiếng chia sẻ, thường các loại ôtô con, xe khách 16 chỗ thườnghay chạy vượt các xe khác còn xe lớn như 30 đến 45 chỗ ít xảy ra tình trạng vượt hơn.

"Cung đường này cũng rất trơn trượt, nhiều đoạn người chạy xemáy vào cua mà dính ổ gà thì dễ bị lạc tay lái ngay. Do vậy, kinh nghiệm chạy trên đèo Prenn là chạy chậm, hạn chế vượt mặt, không bo cua quá gắt, quá nhanh. Đường có độ dốc cao nên phải giữ khoảng cách xa nhau và không chạy sát phía sau xe lớn", anh An chia sẻ.

Anh Phạm Dũng, một tay săn ảnh thiên nhiên thường xuyên lên Đà Lạt kể, có chuyến anh đi, ôm con ngồi cạnh tài xế mà suýt chết ba lần vì tài xế chạy ẩu, thi nhau vượt mặt liên tục khi qua đèo Prenn.

"Tài xế cứ như thử nhau độ lì, đứa nào lì hơn cứ thế chạy, đứa kia phải tránh khiến hành khách vô cùng lo sợ", anh Dũng chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại