Amiang có liên quan tới căn bệnh ung thư
Theo lộ trình từ năm 2023 Việt Nam sẽ chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang (hay còn gọi là Fibro ximăng) do lo ngại Amiang trắng độc hại và là tác nhân gây ung thư đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần.
Tuy nhiên, ý kiến của một số doanh nghiệp tư nhân thì lại cho rằng amiang trắng không nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.
Để hiểu rõ hơn và tác hại của amiang đối với sức khoẻ, phóng viên đã có cuộc trao đổi chuyên môn với Th.BS Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Theo bác sĩ Như Vinh, Amiang thuộc nhóm chất gây ra ung thư. Đứng ở góc độ của một người bác sĩ lâm sàng bác sĩ Vinh cho rằng việc cấm chất này là cần thiết. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 70 nước đã cấm toàn diện Amiang, một số nước có điều chỉnh hạn chế.
Amiang là hợp chất hóa học dạng sợi được sản xuất nhiều trong công nghiệp và xây dựng. Sợi amiang có kích thước nhỏ mảnh, khi hít vào phổi sẽ gây ra các bệnh lý cho phổi. Amiang gây chủ yếu ra bệnh bụi phổi, làm phổi bị xơ và bệnh tiến triển dần ngày càng nặng hơn và bệnh nhân suy hô hấp có thể tử vong
Tấm lớp Fibro ximăng có chứa amiang gây hại.
"Ngoài gây ra xơ phổi, sợi Amiang có thể xâm nhập vào màng phổi gây ra bệnh lý mang phổi: tràn dịch màng phổi, xơ dày màng phổi khiến cho bệnh nhân hít thở rất khó khăn, ung thư màng phổi (trung biểu mô màng phổi).
Aminang nhiễm theo đường tiêu hóa vào máu sẽ gây ra hàng loạt các bệnh ung thư khác như ung thư thực quản và ung thư đại (ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới và buồng trứng ở nữ giới)", bác sĩ Như Vinh khuyến cáo.
Bác sĩ Như Vinh cũng cho biết thêm, hiện nay các nhà khoa học chưa làm rõ cơ chế Amiang gây ra ung thư cho con người. Quá trình ung thư hóa ở con người là một quá trình diễn biến rất phức tạp và lâu .
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra được rằng Amiang có mối liên quan mật thiết với bệnh ung thư trung biểu mô phổi và làm tăng nguy cơ các loại ung thư khác đối với những người đã từng tiếp xúc với Amiang so với người không tiếp xúc.
Tiếp xúc với Amiang thời gian ngắn cũng có tác hại
Bác sĩ Như Vinh cho biết, trong quá trình tiếp nhận bệnh nhận bác sĩ đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc bụi phổi có thể có liên quan tới Amiang.
Đặc điểm diễn biến bệnh của các bệnh nhân rất âm thầm không có triệu chứng, trong 10 năm đầu bệnh nhân đôi khi có ho. Bệnh nhân ho ngày càng tăng dần, nhiều trường hợp đi khám sẽ có biểu hiện xơ hóa ở phổi hay màng phổi trên hình ảnh x-quang
Bác sĩ Như Vinh phân tích: "Amiang dạng sợi khi bị vỡ, đứt gãy sẽ trở thành bụi siêu nhỏ bay trong không khí. Con người thường hít phải Amiang qua đường thở và đường miệng.
Khi hít những sợi Amiang qua đường thở, các mảng sợi này sẽ đi vào nhu mô phổi và nằm trong nhu mô phổi.
Nhiều trường hợp chỉ tiếp xúc với Amiang ngắn hạn sau đó ngưng tiếp xúc nhưng tổn thương vẫn diễn ra. Tuy nhiên, quá trình tổn thương này sẽ diễn biến chậm hơn so với người tiếp xúc liên tục.
Bác sĩ Như Vinh khẳng định, tổn thương do Amiang là tổn thương không hồi phục và ngày càng tiến triển. Khi bụi Amiang đi vào đường thở rồi xâm nhập vào phổi và di chuyển đến tận màng phổi. Khi đến màng phổi, bụi này không chỉ gây ra xơ vôi màng phổi khiến bệnh nhân thở khó khăn, đau ngực, thiếu oxy mà thậm chí còn gây ra ung thư trung biểu mô màng phổi
"Bệnh bụi phổi do Amiang và các bệnh bụi phổi khác hiện nay y khoa vẫn chưa có cách điều trị triệt để. Bác sĩ chỉ có thể giúp bệnh nhân, giảm bớt triệu chứng ví dụ như khó thở thì hỗ trợ oxy, ho nhiều thì dùng thuốc giảm ho hay có nhiều đàm khó khạc thì cho thuốc long đàm…", bác sĩ Như Vinh nói.
Hiện nay, trong điều hiện Việt Nam vẫn còn sử dụng Amiang theo bác sĩ Như Vinh để phòng tác hại của chất này người dân cần biết:
- Cơ chế gây hại cho con người của bụi Amiang chủ yếu là qua đường hít thở và đường miệng. Vì vậy, nên khi phải tiếp xúc với bụi Amiang cần hạn chế hít bằng mũi và miệng chất này.
Nếu công nhân làm việc trong nhà máy cần phải có bảo hộ lao động như mặt nạ, khẩu trang đúng chuẩn để ngăn cho bụi không đi vào đường miệng và thở.
- Công nhân làm trong nhà máy có tiếp xúc với Amiang nên đi chụp phổi định kỳ, ít nhất 1 năm/lần. Chụp X quang sẽ giúp bác sĩ phát hiện phổi có sự thay đổi năm sau so với năm trước để nguyên bệnh nhân chuyển một công việc khác. Đo chức năng phổi cũng là một biện pháp đánh giá mức độ tắc động của bụi lên chức năng của phổi..
- Người dân hiện nay không nhiều người biết tới tác hại của loại bụi này vì vậy cần phải tuyên truyền cho người dân biết Amiang là chất gây hại cho cơ thể.
Amiang có trong một số sản phẩm như fibro xi măng. Khi người dân sửa nhà không nên đập vụn các tấm fibro xi măng để tận dụng vào các việc khác vô tình sẽ gây ra bụi. Bụi tiếp xúc ngắn cũng gây ra tác hại với cơ thể.
- Khi người dân sửa nhà nên thuê đơn vị sửa nhà chuyên nghiệp am hiểu về các vật liệu độc hại để có thể có những cách bảo hộ lao động.