Trong một tháng rưỡi xung đột, hơn 4.000 người đã thiệt mạng, hơn 8.000 người bị thương và hàng nghìn người trở thành người tị nạn, cơ sở hạ tầng dân sự và nhiều di tích văn hóa bị phá hủy.
Để giúp đỡ cho người dân ở khu vực này giải quyết những vấn đề thiết thực nhất, Tổng thống Putin đã ký Sắc lệnh của Tổng thống về việc thành lập một trung tâm ứng phó nhân đạo liên bộ phận ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Ngoại giao, Cục Biên phòng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga và các cơ quan khác của Liên bang Nga sẽ tham gia vào công việc của trung tâm ứng cứu khẩn cấp.
Xung đột năm 2020 là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử giao tranh Nagorno-Karabakh. Nguồn: Sina.
Các chức năng chính của trung tâm ứng cứu khẩn cấp bao gồm: Hỗ trợ cư dân vùng Nagorno-Karabakh trở về quê hương, hỗ trợ các cơ quan nhà nước Azerbaijan và Armenia xây dựng lại cơ sở hạ tầng dân sự ở vùng Nagorno-Karabakh và tạo điều kiện cho cuộc sống bình thường của cư dân địa phương.
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp cũng sẽ chịu trách nhiệm phối hợp các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội của Nga hỗ trợ nhân đạo cho những cư dân bị thiệt hại trong các chiến dịch quân sự ở vùng Nagorno-Karabakh; hỗ trợ các cơ quan nhà nước của Azerbaijan và Armenia hợp tác với các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Theo báo cáo, Tổng thống Putin hy vọng rằng, cuộc xung đột Naka sẽ được hòa giải. Ông Putin nói tại cuộc họp về các vấn đề nhân đạo ở vùng Nagorno-Karabakh:
"Tôi hy vọng chúng ta sẽ không sử dụng cụm từ 'xung đột Nagorno-Karabakh' nữa, và tôi hy vọng rằng các vấn đề khác sẽ được thảo luận càng sớm càng tốt."
Mới đây nhất, ngày 16/11, Nga tiếp tục điều động 20 máy bay vận tải để đưa binh lính Nga đến gìn giữ hòa bình ở Naka, trong đó có 2 máy bay An-124 và 18 máy bay IL-76.
Theo kế hoạch, tổng cộng 1.960 quân nhân, 90 xe bọc thép, 380 xe cơ giới và thiết bị đặc biệt của Nga sẽ được triển khai để gìn giữ hòa bình trong khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo hiệp định đình chiến, con đường đèo Lachin dài 6 km là tuyến đường duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ bảo vệ huyết mạch quan trọng này trong ít nhất 5 năm tới.
Tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh và vùng lân cận nổ ra từ hôm 27/9 là một trong những xung đột đẫm máu nhất suốt nhiều năm qua.
Quân ly khai Armenia và quân đội Azerbaijan tuyên bố đã gây tổn thất nghiêm trọng cho phía bên kia về khí tài và quân nhân.