Thổ Nhĩ Kỳ đã chọc giận Nga trên khắp các mặt trận
Trong suốt ba thập kỷ qua, nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra dọc theo chiến tuyến của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh từ lâu đã trở thành điểm nóng âm ỉ cho một cuộc xung đột cục bộ mới. Cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại đây bắt đầu từ cuối thời kỳ Xô Viết đã tạo tiền đề cho cuộc giao tranh ngày nay.
Vào thời điểm đó, vùng đất của người Armenia ở Azerbaijan tuyên bố độc lập và gần như bị nghiền nát trong cuộc chiến tiếp nối sau đó trước khi các binh sĩ của họ chiếm được nhiều khu vực của Azerbaijan trong một loạt chiến thắng dẫn đến lệnh ngừng bắn vào năm 1994.
Tuy lệnh ngừng bắn này chỉ mang ý nghĩa tạm thời nhưng nó đã khiến khoảng 600.000 người Azerbaijan phải chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh và 7 huyện lân cận bị Armenia chiếm giữ. Nó cũng khiến cho Nagorno-Karabakh đứng trước nguy cơ dễ bị Azerbaijan phản công vì quốc gia này luôn thề sẽ tái chiếm khu vực.
Theo quan điểm một số nhà phân tích và cựu quan chức ngoại giao chia sẻ trên tờ New York Times thì cuộc xung đột mới nhất bùng phát ngày 27/9 vừa qua lại có những diễn khác biệt bởi Azerbaijan đã nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ và bởi quy mô của cuộc giao tranh lần này cũng khác.
Cả hai bên đều sử dụng máy bay không người lái và pháo tầm xa, hỏa lực mạnh.
Quân nhân Azerbaijan nã pháo về phía lực lượng Armenia trong xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 20/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Sự can dự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hậu thuẫn cho Azerbaijan tại một khu vực nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga đã biến cuộc xung đột cục bộ thành một tranh chấp mang tầm khu vực.
Trước đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phối hợp để xoa dịu căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia. Thế nhưng, mối quan hệ hợp tác vốn dĩ đã không mấy suôn sẻ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, một đồng minh của Armenia, diễn ra khi cả hai nước ngày càng trở nên quyết đoán ở Trung Đông.
Ankara đang sử dụng các cuộc chiến tranh ủy nhiệm để chống lại Moscow ở Syria và Libya. Sau cuộc không kích của Nga ở Syria khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng hồi đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã sớm xuất hiện trên các chiến trường khác mà Nga dễ bị tấn công.
Tháng 5/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các cố vấn quân sự, máy bay không người lái vũ trang và lính đánh thuê Syria tới Libya để hậu thuẫn cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) đẩy lùi phe đối thủ là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được Nga hỗ trợ.
Đến tháng 7 và tháng 8/2020, Ankara lại đã gửi quân đội và trang thiết bị đến Azerbaijan tham gia tập trận. Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp can dự vào cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh, đồng thời cho biết một máy bay chiến đấu F-16 của nước này đã bắn hạ một máy bay phản lực của Armenia mặc dù Ankara bác bỏ những thông tin đó.
Tuy nhiên, sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy những chiếc F-16 đậu trên sân băng ở một phi trường của Azerbaijan, Tổng thống Azerbaijan phải thừa nhận máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt ở nước ông nhưng nói rằng chúng chưa xuất kích chiến đấu.
Hai máy bay được cho là F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (bên phải) tại sân bay quốc tế Ganja của Azerbaijan, hôm 3/10. Ảnh: Planet Labs
Với Moscow, Ankara dường như đã đi quá xa!
“Ông Erdogan thực sự đang thách thức sự kiên nhẫn của Tổng thống Putin. Ông ấy ngày càng chọc giận Putin”, Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đồng thời cũng là cố vấn cho Điện Kremlin bình luận.
Trên thực tế, Nga đã không ngồi yên để cho Thổ Nhĩ Kỳ “tự tung tự tác”. Động thái đầu tiên diễn ra vào ngày 26/10/2020 khi các máy bay chiến đấu của Không quân Nga đã bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công ác liệt vào thành trì của lực lượng phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria, tiêu diệt khoảng 100 tay súng.
Hành động trên được giới quan sát đánh giá như một thông điệp cứng rắn mà Moscow muốn gửi tới Ankara về những gì đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh. Nga đã chứng tỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy rõ vị thế của mình và qua đó muốn nước này hiểu được rằng họ đang ở đâu trong cuộc chơi địa chính trị hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan Ảnh: AFP
Động thái cứng rắn tiếp theo là Nga đã đứng ra chủ trì thỏa thuận đình chiến ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan mà không hề có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù trong suốt những tháng xảy ra chiến sự vừa qua Ankara là bên hậu thuẫn chính cho Baku.
Thỏa thuận được công bố vào rạng sáng ngày 10/11 và ngay sau đó, Tổng thống Putin cũng tuyên bố một lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gồm 1.960 binh sĩ, 90 xe bọc thép cùng 380 phương tiện và thiết bị đặc biệt khác sẽ được triển khai tới Nagorno-Karabakh.
Sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayiip Erdogan từng bóng gió nói rằng Moscow và Ankara đã ký một biên bản ghi nhớ về việc thiết lập một trung tâm kiểm soát lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.
Ngay lập tức, Điện Kremlin đã lên tiếng khẳng định “không có cuộc thảo luận nào về việc triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình chung” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ ở Karabakh không được phối hợp với bất kỳ bên nào. Tuyên bố chung gần đây giữa Nga, Armenia và Azerbaijan không hề đề cập gì đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới bất kỳ hình thức nào”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Như vậy, Ankara rõ ràng đã bị Nga ngấm ngầm gạt ra khỏi cuộc chơi ở Nagorno-Karabakh. Đây có lẽ là bài học đắt giá mà họ nhận được sau rất nhiều hành động cố tình “trêu ngươi” Nga tại những địa bàn khác ở Trung Đông và Bắc Phi thời gian vừa qua.
Lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Nga lên đường tới Nagorno-Karabakh