Chúng ta thường nghe nói rằng uống nhiều rượu có thể gây ung thư gan. Nhưng bây giờ, các nhà khoa học còn phát hiện ra một thực tế phũ phàng hơn rất nhiều.
Một phân tích mới của của Đại học Otago, New Zealand chỉ ra rằng: Ngay cả khi tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức độ thấp cũng có thể dẫn đến 6 loại ung thư khác bao gồm: miệng và vòm họng, thanh quản, thực quản, đại tràng, trực tràng và ung thư vú.
Uống bia rượu, dù tưởng ít, vẫn có thể gây tới 7 loại ung thư khác nhau
“Có bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ rượu gây ung thư tại 7 địa điểm trên cơ thể và có thể còn nhiều hơn nữa”, Jennie Connor, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
“Kể cả khi chưa hiểu được hoàn toàn cơ chế sinh học, những bằng chứng dịch tễ đã có thể hỗ trợ cho đánh giá rượu là nguyên nhân gây ung thư miệng và vòm họng, thanh quản, thực quản, gan, đại tràng, trực tràng và ung thư vú”.
Để đi đến kết luận này, Connor đã phải phân tích rất nhiều nghiên cứu ung thư gây ra bởi rượu từ thập kỷ trước, liên kết tất cả các dũ liệu với nhau và tìm ra mối liên kết giữa chúng.
Cuối cùng, cô nhận thấy rằng rượu có mối quan hệ đáp ứng với liều tiếp xúc để hình thành ung thư.
Điều này có nghĩa là khi một người uống càng nhiều rượu, họ sẽ có càng nhiều khả năng phát triển những loại ung thư nhất định.
Theo Connor, rủi ro lớn nhất có liên quan đến việc tiêu thụ rượu nặng. Nhưng mối quan tâm không nhỏ cũng được dành cho cả những người uống rượu ở mức độ từ ít đến trung bình.
Rượu và ung thư miệng có mối quan hệ mật thiết nhất. Theo Connor, uống 50 gam chất cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư miệng gấp 7 lần, so với người không uống.
Để có thể tính ra bao nhiêu gam chất cồn đang tiêu thụ, bạn lấy số lít, nhân với nồng độ, nhân tiếp với tỷ trọng của etanol (789 g/l).
Ví dụ, một chai rượu 30% (30 độ), 500 ml sẽ chứa số gam chất cồn là: 0.5 x 0.3 x 789 = 118.35 g. Một lon bia 5.3%, 330 ml chứa: 0.33 x 0.053 x 789 = 13.8 g chất cồn.
Một chai rượu Men's chứa khoảng 116 g chất cồn
Tính ra thì 4 lon bia hay nửa chai rượu mỗi ngày mới đạt đến mức độ 50 gam, nhưng Connor nói rằng ngay cả khi uống ít, nguy cơ ung thư vẫn tăng lên.
Theo các quan chức y tế Anh, không có mức độ tiêu thụ rượu thường xuyên nào là an toàn. Nghĩa là bạn cứ uống rượu mỗi ngày, dù chỉ một chén, các nguy cơ sức khỏe đã xuất hiện.
Ví dụ, một người phụ nữ uống 5 g chất cồn mỗi ngày (chưa đến 1 chén rượu mạnh hay nửa lon bia) sẽ tăng khả năng ung thư vú thêm 40%.
Theo Viện nghiên cứu Lạm dụng rượu và nghiện rượu Hoa Kỳ (NIAAA), uống rượu hơn 2 lần mỗi tháng đã được tính là nhiều.
Bên cạnh đó, mức độ tiêu thụ vừa phải trên một lần chỉ vào khoảng 10-30 g chất cồn (2 lon bia hay 3 chén rượu mạnh).
Nhiều nhà khoa học khác cũng đồng ý với nghiên cứu của Connor. Ví dụ Sussannah Brown, giám đốc chương trình khoa học cho Quỹ ung thư Thế giới nói với tạp chí New Scienctis:
“Chúng tôi nhận thấy các nguy cơ gia tăng khi lượng rượu tiêu thụ tăng lên. Và chúng tôi cũng đồng ý rằng có bằng chứng cứng rắn để kết luận uống rượu trực tiếp gây ra ung thư”.
“Để phòng chống ung thư, từ lâu chúng tôi đã khuyến cáo mọi người không nên uống đồ uống có cồn. Nhưng tất cả đều hiểu rằng điều này nói thì dễ mà làm thì khó”.
Đừng chúc tụng bia rượu, chúng có thể gây tới 7 loại ung thư khác nhau
Cũng phải nói rằng, mặc dù dữ liệu nghiên cứu là thực tế đáng báo động, chưa một nhà khoa học nào hiểu thực sự được mối liên kết sinh học giữa rượu và ung thư.
Một trong những giả thuyết phổ biến là rượu làm tổn hại đến DNA. Điều này dẫn đến các đột biến khiến tế bào ung thư hình thành.
Những nghiên cứu sâu hơn nữa là cần thiết để xác nhận giả thuyết này và hiểu được cơ chế chính xác điều gì dẫn con người từ quán bar đến giường bệnh.
Trong khi chờ đợi những kết luận khoa học cuối cùng, chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế rằng: Rượu, thứ đồ uống lâu đời nhất trong lịch sử con người, có thể ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực lên sức khỏe.
Nếu bạn đang uống rượu quá 2 lần mỗi tháng và vượt mức 30 g chất cồn mỗi lần, bây giờ là lúc cần phải xem xét lại.
Tham khảo Sciencealert