Công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy và Trung tâm Y tế Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết họ đã theo dõi 7.381 người, cả nam và nữ, trong thời gian gần 22 năm để tìm hiểu tác động của thói quen uống cà phê và trà lên não bộ.
Cà phê có thể giúp quý ông đẩy lùi bệnh Alzheimer và các dạng mất trí nhớ khác ở mức 4-5 ly mỗi ngày - Ảnh minh họa từ Internet
Mục tiêu chính là xác định thức uống nào và uống như thế nào có thể giúp đẩy lùi chứng mất trí nhớ/sa sút trí tuệ - một nhóm bệnh nan y trong đó phổ biến nhất là Alzheimer - mà các nhà khoa học thế giới nỗ lực phát minh thuốc chữa nhưng chưa ai thành công.
Sau 22 năm, toàn bộ người tham gia đều đã trên 70 tuổi và được khám sàng lọc để xem xét khả năng nhận thức.
Kết quả cho thấy các quý ông uống "hơi nhiều" cà phê ở mức 4-5 ly/ngày hưởng lợi nhiều nhất, giúp giảm rõ rệt nguy cơ sa sút trí tuệ so với những người không uống hoặc uống chỉ 1 ly.
Tuy nhiên, các kết quả cũng cho thấy việc uống quá nhiều cà phê là không tốt cho cả hai giới, đặc biệt là phụ nữ. Xét riêng bệnh Alzheimer, nhóm uống 4-7 ly cà phê mỗi ngày lại có sự tăng nguy cơ khi tính chung cả nam và nữ. Với việc hưởng lợi của quý ông, nữ giới nên cẩn thận với con số này, ngay cả khi không có nguy cơ di truyền.
Ngoài ra uống trên 6 ly mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ suy giảm trí tuệ nhẹ ở cả 2 giới. Nguy cơ mắc nhóm bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ rõ rệt nhất ở những phụ nữ uống trên 8 ly cà phê mỗi ngày.
Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan giữa nhóm bệnh này với trà.
Theo các tác giả, cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất thế giới nên việc xem xét cụ thể lợi ích và nguy cơ từng mức uống khác nhau đem lại giá trị rất lớn trong quản lý sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, nhóm bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng mạnh trên toàn cầu và nằm trong "top 10" các nguyên nhân gây tử vong sớm trên thế giới, cũng như làm suy giảm chất lượng sống nghiêm trọng ở người mắc bệnh.
Nhóm bệnh này được dự đoán sẽ là gánh nặng y tế khổng lồ khi dân số bị già hóa, nên các nhà khoa học khắp thế giới vẫn đang nỗ lực tìm thuốc chữa cũng như xác định các phương án phòng bệnh sẵn có - ví dụ như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.