Các bệnh ung thư phải kể đến đó là ung thư vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng…; ung thư tụy, máu, tế bào bạch hầu…
Rượu bia – thức uống của bệnh tật
Theo PGS. Cường, chất cồn (ethanol) trong rượu bia là chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp và gián tiếp đến hệ thần kinh và nhiều bộ phận trong cơ thể người uống, làm tổn thương tế bào và các mô dẫn đến mắc các bệnh cấp và mạn tính.
Gây nhiễm độc, tác động lên hệ thần kinh trung ương làm rối loạn và mất khả năng điều khiển hành vi, nhận thức. Gây nghiện, gây lệ thuộc dẫn đến rối loạn tâm thần kinh và các rối loạn cơ thể khác.
Sử dụng rượu bia gây rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân gây ra các bệnh đái tháo đường, mỡ máu, tăng huyết áp… Uống rượu bia dù ít cũng vẫn làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc.
Chưa dừng lại ở đó, theo chuyên gia này, sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng đối với vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi. Họ dễ mắc các vấn đề như chậm phát triển não bộ, tăng nguy cơ quan hệ tình dục không an toàn, tự tử sát thương, giảm sút kết quả học tập… Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, không có ngưỡng uống nào là tốt cho sức khỏe.
“Rượu bia là một trong 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm do gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể dẫn đến mắc các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); suy giảm miễn dịch và đặc biệt là ung thư (khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại – trực tràng, gan, và thêm ung thư vú ở nữ giới…) – chiếm 46% số ca tử vong do hậu quả của sử dụng rượu bia trên toàn cầu, tiếp theo là chấn thương tai nạn giao thông và bệnh tiêu hóa”- PGS Cường phân tích.
Người Việt uống rượu bia như.. nước lã. Ảnh minh họa.
Loại đồ uống này còn là tác nhân gây bệnh duy nhất với một số bệnh như loạn thần do rượu – bệnh có tỉ lệ mắc rất cao (15% giường bệnh tâm thần); Hội chứng rối loạn phát triển bào thai do rượu – bệnh đang có tỉ lệ mắc gia tăng nhanh chóng.
Các nhà khoa học đã chỉ rõ, rượu bia là nguyên nhân gây ra bệnh của 300 mã bện tật, và là nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác nhau.
Thêm vào đó, việc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, rượu pha từ cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ ngộ độc với hàng trăm người mắc và hàng chục người tử vong trong những năm qua.
Người Việt uống rượu bia thế nào?
Không khó để biết được "cách" uống rượu bia của người Việt, và hầu như trên mỗi bàn tiệc đều chúc nhau "không say không về"! Điều đó khiến thực trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm.
Số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, ở vị trí 64/194 nước trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể. Trong đó, tỉ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu.
Điều tra quốc gia STEPS năm 2015 - Cục Y tế dự phòng và Báo cáo toàn cầu về rượu bia và sức khỏe 2014 cho thấy, tỉ lệ nam giới hiện uống rượu bia của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung toàn cầu và của khu vực. Xếp thứ 22 thế giới, cao hơn tất cả các nước châu Á.
Gần một nửa nam giới trưởng thành của Việt Nam đã uống rượu bia ở mức nguy hại, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới.
Tỉ lệ nam vị thành niên, thanh niên có sử dụng rượu bia là 79,9% và nữ vị thành niên, thanh niên là 36,5%, trong đó 66,5% nam và 22% nữ đã từng bị say rượu (SAVY). Tỉ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) cao 47,5%.
PGS. Cường cho rằng, sở dĩ việc sử dụng rượu bia gia tăng tại nước ta là do tính sẵn có của rượu bia (về thời gian, địa điểm) bất cứ khi nào cũng có thể mua được loại đồ uống này, giá lại rẻ. Tiếp đó là vấn đề quảng cáo tiếp thị rượu bia khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; vấn đề kiểm soát kinh doanh và tiêu thụ; thói quen tiêu dùng... Đó là những yếu tố góp phần làm gia tăng sử dụng rượu bia tại Việt Nam.
Để giảm những tác hại do rượu bia gây ra, PGS. Cường kiến nghị 3 chính sách mang lại hiệu quả cao trong giảm tỉ lệ sử dụng rượu bia và tác hại của rượu bia là: Hạn chế tính sẵn có và tính dễ dàng tiếp cận với đồ uống có cồn. Thứ 2 là chính sách thuế và giá nhằm tăng giá đồ uống có cồn và Kiểm soát quảng cáo các sản phẩm.
Do đó, cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, tập trung vào các nội dung:
- Kiểm soát quảng cáo rượu bia đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả.
- Kiểm soát tiếp cận với rượu bia (quy định về điểm bán, giờ bán...).
- Kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em (Quy định độ tuổi, địa điểm cấm bán, uống; cấm các loại hình quảng cáo với trẻ em).
- Phong chống uống rượu bia và lái xe.
- Quản lý rượu tự nấu, rượu thủ công.
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và tăng cường năng lực thi hành pháp luật liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia.
Quy định trong Luật phải đủ mạnh
Là người “theo đuổi” đề án nghiên cứu về những tác động có hại của sử dụng rượu bia đã nhiều năm nay, ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã nhận thấy những tác động về mặt sức khỏe, xã hội của đồ uống có cồn. Vì vậy, theo bà Hạnh, điều quan trọng không chỉ là ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà những quy định đưa ra trong Luật phải đủ mạnh và phải được thực thi.
TS. Trần Tuấn - Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cũng cho rằng, để việc ban hành một dự Luật có những quy định đủ mạnh, Dự thảo Luật hiện hành cần được sửa theo hướng chủ đạo, cần khẳng định: Rượu bia và đồ uống có cồn nói chung là sản phẩm tiêu dùng có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính hệ thần kinh và ngộ độc mạn tính dẫn đến tình trạng nghiện, bệnh tật cho người dùng; tác hại nghiêm trọng tới 13 trong tổng số 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Mức thuế đưa lại cho ngân sách của cả rượu bia và các loại đồ uống chỉ khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ/năm nhưng chi phí mà ngân sách quốc gia cùng tiến túi của người dân bỏ ra để khắc phục tác hại của rượu bia ước tính từ 3,5-10,5 tỷ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra, 1 đô la chi phí vào thực hiện gói chiến lược can thiệp đồng bộ giảm tác hại của rượu bia đưa lại 9,13 đô la lợi ích tổng thể. Một văn bản Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tốt chắc chắn sẽ là một phương thức can thiệp giảm nghèo hữu hiệu cho đất nước và đặc biệt chống sự tha hóa nhân lực, hiện đang là nghiêm trọng với giới trẻ.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, khung pháp luật đưa ra phải được thiết kế trên cơ sở khoa học ngăn ngừa tác hại của chất gây nghiện, gây bệnh cho người sử dụng và cộng đồng nói chung. Đồng thời, cần xác lập nồng độ cồn trong sản phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý thương mại, phòng tránh tác hại và thiết lập cơ sở thu thuế, phải dựa trên cơ sở khoa học dự phòng tác hại của ngộ độc cấp do rượu bia gây ra.
Cần đưa vào cụ thể quy định mức thuế cơ bản và đánh thuế tích theo nồng độ cồn có trong sản phẩm. Bắt đầu từ loại sản phẩm có 2,5% độ cồn với mức thuế cơ bản, thiết lập mức thuế lũy tích đi theo chiều tăng nồng độ cồn có trong sản phẩm…
Nồng độ cồn càng cao mức thuế càng tăng mạnh rất khác biệt, mới có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng tránh rơi vào tình trạng nghiện và nghiện nặng gây hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội.