Những câu chuyện rơi nước mắt về bệnh nhân ung thư
Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm phát huy nguồn lực xã hội của các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm, tối ngày 12/12/2016, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng".
Trong chương trình có sự xuất hiện của Diệu Thuần, cô gái 10 năm kiên cường chống chọi lại căn bệnh ung thư máu và đã chiến thắng.
Những người làm chương trình còn nhắc lại câu chuyện của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm phát hiện ra ra bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang mang thai. Chị đã quyết định không điều trị để nhường lại sự sống cho con.
Câu chuyện của chị Trâm là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử nhưng cũng để lại trong lòng các bác sĩ sự nuối tiếc vì nếu phát hiện ra bệnh sớm, y học có thể giúp chị vừa giữ được con, vừa điều trị được bệnh cho mẹ.
Bên cạnh những câu chuyện về những nghệ sĩ mắc bệnh ung thư, các bác sĩ còn kể nhiều câu chuyện bệnh nhân giúp người xem hình dung hết bộ mặt khủng khiếp của căn bệnh ung thư.
ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê Phó khoa Phụ ung thư - Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương kể 1 câu chuyện đau lòng về 1 bệnh nhân nữ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn rất muộn. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ xin sự giúp đỡ để sống thêm được 6 tháng.
Hoàn cảnh của bệnh nhân rất tội nghiệp: Chồng vừa chết vì ung thư gan cách đây 1 năm, con trai 23 tuổi đi bộ đội chẳng may giẫm phải mìn nên mù mất 2 mắt và cụt mất 1 tay. Nguyện vọng của bệnh nhân là sống thêm được 6 tháng nữa để có thể tìm 1 người thay chị chăm sóc con trai khi chị đã nhắm mắt xuôi tay.
BS Hiền Lê vô cùng đau lòng vì câu chuyện đấy nên đã tìm đến quỹ "Ngày mai tươi sáng" để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Rất may mắn là chị đã sống thêm được 1 năm nữa và đã kịp cưới vợ cho con.
Tuy câu chuyện phần nào kết thúc có hậu nhưng vẫn để lại nhiều nỗi xót xa trong lòng các bác sĩ hàng ngày làm công việc điều trị cho các bệnh nhân ung thư.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể chữa khỏi cho trên 30% người bệnh ung thư
Các chuyên gia ngành ung bướu tham dự buổi gây quỹ từ thiện "Ngày mai tươi sáng" tối ngày 12/12
Ung thư là một vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2012) trên thế giới có khoảng 14,1 triệu người mắc mới, 8,2 triệu người tử vong do ung thư, 32,6 triệu người hiện đang sống cùng bệnh ung thư (trong vòng 5 năm sau chuẩn đoán).
Tại Việt Nam, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Ngành ung thư, ước tính hàng năm trên toàn quốc có khoảng 126.000 ca mới mắc và trên 94.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Theo GS Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung Ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gánh nặng ung thư đang đe dọa sức khỏe cộng đồng người Việt Nam rất lớn. Phần lớn bệnh nhân ung thư đến bệnh viện, đến cơ sở y tế để phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn.
Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn đặt ra vấn đề hết sức khó khăn trong vấn đề khám chữa bệnh. Nếu như ở giai đoạn sớm có thể dùng những phương pháp điều trị đơn giản như là phẫu thuật đơn thuần nhưng đến giai đoạn muộn phải dùng những phương pháp hết sức nặng nề như dùng hóa chất, xạ trị... Các phương pháp này thường gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành ung thư, nếu thay đổi được nhận thức của người dân về việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh thì tình trạng hiện nay sẽ được thay đổi theo hướng khả quan hơn nhiều.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Chúng ta có thể phòng ngừa được 30% bệnh ung thư nếu tuân thủ các nguyên tắc như không hút thuốc lá, không uống rượu, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tập luyện, tiêm vắc xin viêm gan và virus gây u nhú ở người loại bỏ được phần lớn ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư vú...
Qua các phương pháp phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chúng ta có thể chữa khỏi được trên 30% người bệnh ung thư tiếp theo. Kết hợp chăm sóc giảm nhẹ, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3 số người bệnh ung thư còn lại.
Trước câu hỏi làm thế nào để phát hiện sớm được các bệnh ung thư, GS Nguyễn Bá Đức đưa ra những giải pháp:
Thứ nhất, ung thư có thể mắc ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng và mỗi loại ung thư lại có một điều kiện rất khác nhau, vì thế không có một phương pháp chung để phát hiện sớm tất cả các loại bệnh ung thư.
Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa là chúng ta cần sống có trách nhiệm với cộng đồng, tránh gây ô nhiễm cho cộng đồng làm cho tỷ lệ người mắc bệnh ung thư nhiều như hiện nay. Đó là thông điệp phòng bệnh mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra.
Thứ 2, để phát hiện bệnh sớm, chúng ta phải lắng nghe cơ thể của mình, nếu có bất kỳ điều gì khác thường thì phải đến cơ sở y tế để khám tầm soát.
Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc một số bệnh ung thư nên đi khám thường xuyên. Ví dụ đến 40 tuổi trở lên phụ nữ nên đi khám ngực và cổ tử cung định kỳ. Người đau bụng âm ỉ kéo dài trên 6 tháng điều trị nội khoa không khỏi nên đi soi dạ dày, đại trực tràng để tránh ung thư đường tiêu hóa.
Ho kéo dài điều trị bằng kháng sinh, bằng thuốc không khỏi cũng phải đến cơ sở y tế để tầm soát ung thư. Những người đàn ông trên 50, 60 tuổi phải đi kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt. Và đặc biệt những người nghiện thuốc, nghiện rượu phải đi khám phổi, khám gan.