Ung thư dạ dày: "Án tử" cho những người chủ quan

Trịnh Tuyển |

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư thường gặp thứ 2 trong các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa, là bệnh có độ ác tính rất cao.

THS. Bác sĩ Trịnh Đình Quyết, bác sĩ khoa ngoại, Bệnh viên Đa khoa Hà Đông cho biết: "Bệnh ung thư dạ dày ngày càng phổ biến, hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, bởi những triệu chứng của ung thư dạ dày rất khó phát hiện ra, giai đoạn đầu của ung thư dạ dày thường không có biểu hiện bị bệnh và các triệu chứng không rõ ràng.

Tuy nhiên, ung thư dạ dày vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời. Song hầu hết người bệnh đều chủ quan khiến bệnh càng nghiêm trọng, do đó quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn".

Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 7000 bệnh nhân mới được phát hiện. Ung thư dạ dày là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, ung thư dạ dày gặp ở người lớn và mọi độ tuổi nhưng hiếm khi gặp ở người chưa đến 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ.

Vậy đâu là nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày.

Theo bác sĩ Quyết: "Bình thường các tế bào bên trong cơ thể phân chia theo trình tự nhất định. Song đôi khi vài tế bào phân chia bất thường và phát triển thành khối u. Khối u có thể là lành tính (không phải là ung thư) hoặc là ác tính (là ung thư).

Khối u ác tính gồm các tế bào ung thư. Nếu như không được chữa trị, những tế bào này sẽ xâm lấn và phá hủy những mô xung quanh.

Các tế bào ung thư thường hay tách khỏi vị trí ban đầu và tới những vị trí khác.

Khi những tế bào này đi tới vị trí mới, chúng tiếp tục phát triển tạo thành khối u, khối u này được gọi là di căn. Ung thư dạ dày hay di chuyển theo hệ thống bạch mạch để đến những cơ quan khác trong cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, một số yếu tố sau được coi là tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày:

Ăn nhiều thức ăn hun khói và ăn mặn, ăn ít trái cây và rau, tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày, viêm dạ dày mãn tính, hút thuốc.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày (có đến 80% ca mắc ung thư dạ dày nhiễm vi khuẩn HP), thiếu máu ác tính, xảy ra khi các tế bào hồng cầu sụt giảm nghiêm trọng do ruột không thể hấp thụ vitamin B12 một cách bình thường".

Ung thư dạ dày: Án tử cho những người chủ quan - Ảnh 1.

Dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát:

– Chức năng tiêu hóa kém, có biểu hiện ợ chua liên tục: Có tới gần 70% bệnh nhân bị ung thư dạ dày có biểu hiện rõ ràng này và chúng là lời cảnh báo sớm nhất của bệnh.

– Hơi thở ra nóng, không còn tâm trạng ăn uống: tình trạng hô hấp không thay đổi gì nhưng có cảm giác hơi thở nóng ấm như khi bị sốt.

Cả khi đói bụng cũng không muốn đụng đến thức ăn. Trở nên ghét những món có nhiều mỡ, thậm chí là thịt nạc.

– Có biểu hiện nôn sau khi ăn xong: Mới đầu người bệnh chỉ có cảm giác khó chịu, buồn nôn những về sau những món không yêu thích hoặc món nhiều dầu mỡ ăn vào sẽ bị nôn ngay. Tình trạng bệnh nặng thì sẽ bị nôn sau mỗi bữa ăn.

– Những cơn đau bụng không ngớt: Vị trí bị đau nhiều nhất đó là thượng vị, bị đau bất cứ lúc nào, hoàn toàn không có dấu hiệu cũng như chu kì cố định.

– Cân nặng giảm sút đáng kể: Trước đó bệnh nhân bị mất cảm giác thèm ăn, cơ thể bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng, rất hay trong tình trạng uể oải, làm việc kém năng suất là những biểu hiện của ung thư dạ dày.

– Có dấu hiệu bị thiếu máu: Khi bị ung thư dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu trong gây mất máu. Hậu quả là bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, da tái nhợt, hay bị hoa mắt, tinh thần uể oải, sức lực kém.

Các dấu hiệu khác để nhận biết nữa là đại tiện phân đen do máu khô và mùi thối vì máu bị tiêu hóa một phần.

- Đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu. Tần suất của các hiện tượng này tăng lên mỗi ngày.

Giai đoạn muộn

– Bị đau bụng quằn quại: Nếu trước đây bị đau bụng có thể nhờ cậy đến thuốc giảm đau nhưng ở giai đoạn này thuốc không còn nhiều tác dụng. Không chỉ vậy cơn đau dữ dội cũng kéo dài hơn hẳn so với trước.

– Bị chảy máu dạ dày nghiêm trọng hơn: Biểu hiện bên ngoài như cơ thể gầy gò, ốm yếu, da bợt màu, khi nôn không chỉ có thức ăn mà còn kèm theo máu, đi đại tiện phân có dính nhiều máu hơn, mùi rất khó chịu vì máu phân hủy.

Tình trạng xuất huyết này cần được ngăn chặn sớm nếu không có thể làm hại đến tính mạng bệnh nhân. Tế bào ung thư lây lan rộng, cơ chế trao đổi chất bị đảo lộn, đường môn vị bị tắc nghẽn hoặc bị thủng.

– Khám thấy khối u vùng thượng vị: Thường ở trên hoặc ngang rốn (có thể thấy ở dưới rốn nếu dạ dày sa) u rắn chắc, nổi rõ sau bữa ăn, di động ít nhiều sang trái, phải di động theo nhịp thở lên xuống.

Tính di động không còn nếu K dính vào tạng lân cận (do K lan tràn).

–Dấu hiệu thủng dạ dày: Bụng co cứng, mất vùng đục trước gan, choáng, nôn máu, đại tiện phân đen.

Phòng tránh bệnh ung thư dạ dày

Hạn chế ăn đồ muối

Các thực phẩm như cá muối, dưa cà muối tuy rất tiện lợi và dễ ăn nhưng chúng lại chứa khá nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày có thể kết hợp thành chất Nitrosamines cực độc gây ung thư.

Vì vậy hãy hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này và nên dùng đồ ăn tươi sống sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng và an toàn hơn cho dạ dày.

Hạn chế đồ hun khói, đồ ăn nhiều dầu mỡ được chế biến dưới nhiệt độ cao

Thịt hun khói cũng như các đồ nướng, chiên xào thường được chế biến với nhiệt độ cao, thậm chí là chế biến với loại dầu ăn tái sử dụng nhiều lần có chứa có chứa nhiều chất gây ung thư như benzopyrene.

Tuy rất hấp dẫn nhưng bạn không nên ăn hoặc ăn ít các loại đồ ăn này.

Không ăn những thực phẩm nấm mốc

Trong thời gian gần đây chúng ta chứng kiến rất nhiều ca bị ngộ độc hoặc tử vong do ăn thực phẩm bị mốc.

Một số loại thực phẩm mốc như gạo, ngô, đậu phộng có thể chứa loại chứa chất gây ung thư cực độc, bạn cần loại bỏ ngay những thực phẩm này nếu phát hiện nghi vấn.

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia

Hút thuốc lá và nghiện rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày. Vì vậy loại bỏ những thứ này ra khỏi cuộc sống của bạn chính là cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư.

Có thói quen ăn uống hợp lý

Tập thói quen ăn uống đúng giờ và ăn chậm nhai kỹ giúp giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và hạn chế thấp nhất những tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Không nên ăn quá mặn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại