Ukraine quyết củng cố lá chắn phòng không sau cuộc tập kích tên lửa lớn của Nga

Hồng Anh |

Hiện Ukraine đang chạy đua với thời gian để củng cố lá chắn phòng không sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào nhiều thành phố ở nước này.

Một hố lớn xuất hiện trên đường phố sau cuộc tấn công tên lửa của Nga tại Dnipro. Ảnh: CNN

Một hố lớn xuất hiện trên đường phố sau cuộc tấn công tên lửa của Nga tại Dnipro. Ảnh: CNN

Quân đội Nga dường như đã bắt tay thực hiện chiến thuật mới trong một nỗ lực nhằm lật ngược tình thế xung đột: cố gắng sử dụng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine từ nhiều hướng.

Khi Ukraine đang chạy đua với thời gian để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa, phần lớn có từ thời Liên Xô thì phép toán đối với Moscow rất đơn giản: Nếu như nã hàng chục tên lửa thì chắc chắn sẽ có nhiều quả tránh được hệ thống phòng thủ của đối phương.

Cuộc tấn công từ trên không của Nga trong vài ngày qua chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Moscow được cho là đã sử dụng nhiều loại tên lửa và máy bay không người lái mới mua của Iran để tiến hành cuộc tấn công này.

Mặc dù chịu thiệt hại đáng kể nhưng Ukraine cho biết, nước này đã bắn hạ được khoảng một nửa trong số 83 tên lửa mà Nga phóng đi. Ukraine hy vọng tỷ lệ thành công sẽ cải thiện khi tiếp nhận các hệ thống phòng không mới từ Đức, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Trong 3 ngày qua, Nga đã sử dụng rất nhiều tên lửa trong kho dự trữ của nước này. Phần lớn là tên lửa hành trình phóng từ trên không, một số được phóng bằng máy bay ném bom đặt tại căn cứ gần Biển Caspi.

Tuy nhiên, Moscow cũng triển khai tên lửa Kalibr phóng từ tàu chiến trên Biển Đen, tên lửa hành trình Iskander phóng từ mặt đất và hàng chục máy bay không người lái tấn công.

Một số nhà phân tích phương Tây nhận định, một cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn như vậy có thể làm suy giảm kho dự trữ tên lửa của Nga, và việc mất khoảng một nửa số tên lửa trong các cuộc tấn công hồi đầu tuần cho thấy Moscow nhiều khả năng đã phải sử dụng những tên lửa cũ hơn và có độ chính xác thấp.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Nga đã phóng 2.154 tên lửa và nước này có thể đã sử dụng tới 60% kho dự trữ tên lửa chính xác. Ở thời điểm đó, Lầu Năm Góc cũng cho rằng dự trữ tên lửa hành trình tiên tiến của Nga, đặc biệt là tên lửa hành trình phóng từ trên không, đang ở mức thấp nhất.

Vào tháng 7, Ukraine nói Nga đã sử dụng hệ thống phòng không S-300 được trang bị hệ thống định vị GPS để tấn công các mục tiêu mặt đất ở nước này. Chưa rõ lý do Nga chuyển đổi vai trò của hệ thống S-300, song nhiều chuyên gia quân sự phương Tây suy đoán đây là dấu hiệu kho tên lửa dẫn đường chính xác của Nga đang cạn kiệt.

Theo các quan chức phương Tây, thời gian gần đây, Nga đã phải sử dụng tên lửa hành trình Kh-22 cũ (ban đầu được thiết kế với mục đích làm vũ khí chống hạm) và loại tên lửa này vẫn còn tồn rất nhiều trong kho. Với trọng lượng 5,5 tấn, Kh-22 được chế tạo chủ yếu để tấn công tàu sân bay.

Tất nhiên, việc đánh giá kho tên lửa của Nga chỉ là phỏng đoán. Dù tuyên bố đánh chặn thành công hơn một nửa số tên lửa Nga hồi đầu tuần, Ukraine vẫn phải thừa nhận cuộc tập kích của Nga đã gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng nước này. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết, khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước đã bị tên lửa Nga bắn trúng.

Trong suốt 7 tháng giao tranh, Ukraine đã tăng cường sử dụng các hệ thống phòng không hạn chế, chủ yếu là hệ thống BUK và S-300. Nhưng ông Yurii Ihnat, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Không quân cho biết: "Những hệ thống đó không tồn tại mãi mãi và có thể tổn thất trong chiến đấu".

Ông lưu ý, nhà sản xuất các loại vũ khí này là Nga vì vậy sớm hay muộn chúng tôi cũng phải nói lời tạm biệt với chúng".

Ukraine quyết củng cố lá chắn phòng không sau cuộc tập kích tên lửa lớn của Nga - Ảnh 2.

Một bệ phóng IRIS-T SLM của Đức. Ảnh: Wikipedia

Nỗ lực thiết lập lá chắn phòng không

Hiện Ukraine đang nỗ lực củng cố năng lực của các lực lượng phòng không. Phát biểu tại cuộc họp của các nước G7 vào ngày 11/10, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi các đối tác thiết lập một lá chắn phòng không cho Ukraine.

"Khi Ukraine nhận được đủ số lượng hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả, Nga sẽ phải chấm dứt các cuộc tấn công bằng tên lửa", ông Zelensky nói.

Mỹ và châu Âu dường như hiểu rõ nhu cầu này. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tuyên bố: "Sau khi Nga tấn công vào các cơ sở dân sự của Ukraine, chúng tôi sẽ tìm kiếm những phương án để giúp đỡ Kiev phòng thủ".

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, các công việc đang được tiến hành nhằm tiếp tục cải thiện khả năng phòng không của Ukraine, trong đó có kế hoạch tìm kiếm những quốc gia sử dụng vũ khí từ thời Liên Xô để kêu gọi họ viện trợ cho Kiev. Ngày 12/10, Ukraine đã công bố danh sách các loại vũ khí mong muốn, trong đó có những hệ thống phòng không mà nước này đang sử dụng, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của phương Tây và hệ thống cảnh báo sớm.

Theo ông Milley, việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp sẽ phù hợp với Ukraine. Phát biểu sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine, ông Milley cho biết một hệ thống như vậy không thể giúp Ukraine kiểm soát toàn bộ không phận nhưng sẽ giúp nước này bảo vệ các mục tiêu ưu tiên.

Mỹ và châu Âu đã bắt đầu chuyển giao những hệ thống phòng không đầu tiên cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 11/10 nhấn mạnh "kỷ nguyên mới của hệ thống phòng không đã bắt đầu" sau khi nước này tiếp nhận hệ thống phòng thủ đất đối không IRIS-T SLM của Đức.

Còn Mỹ dự kiến nhanh chóng cung cấp cho Kiev 2 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS.

Tuy vậy, đây không phải là những vũ khí sẵn có. Chúng cần phải được sản xuất riêng cho Ukraine, trong khi chính phủ các nước phương Tây có rất ít các hệ thống phòng không này. Xét về mặt kinh tế, sẽ là một sự lãng phí nếu sử dụng những hệ thống đó chỉ được dùng để bắn hạ các máy bay không người lái giá rẻ.

Theo Tổng thống Zelensky, Nga có thể đã đặt mua 2.400 máy bay không người lái Shahed-136 từ Iran.

Hiện đang có một cuộc chạy đua giữa nỗ lực của Ukraine trong việc tiếp cận những hệ thống phòng không mới, đào tạo binh sỹ và triển khai chúng trên chiến trường với nỗ lực của Nga nhằm gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine bằng kho tên lửa dồi dào của nước này.

Giới phân tích cho rằng, trước khi Kiev có đủ các hệ thống này, chiến thuật tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga có thể nhanh chóng áp đảo hệ thống phòng không già cỗi của Ukraine và gây thiệt hại lớn cho đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại