U phổi có phải ung thư: Bác sĩ chia sẻ 3 điều nên biết để người bệnh đỡ hoang mang

Bảo Lâm |

Khi phát hiện ra khổi u trên phổi, đa số bệnh nhân đều rất hoang mang vì lo sợ u phổi thường là ung thư hoặc di căn.

U phổi có phải ung thư?

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Đồng – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong ngày 10/6, bác sĩ Đồng đã tiếp xúc với hai bệnh nhân có độ tuổi khác nhau có các nốt mờ đơn độc trên phổi, kích thước không quá lớn tầm 1cm và không có yếu tố nguy cơ. Một người còn khá trẻ ngoài 20 và một người ngoài 40 tuổi. Cả hai người bệnh đều tình cờ đi khám sức khỏe tổng quát và phát hiện ra.

Khi phát hiện ra khổi u trên phổi, đa số bệnh nhân đều rất hoang mang lo sợ vì u phổi thường là ung thư hoặc di căn.

Bác sĩ Đồng cho biết tình cờ phát hiện một tổn thương trên phổi, nó có thể xếp loại là nốt hay khối tùy theo kích thước của tổn thương. Nốt đơn độc ở phổi là những tổn thương đơn độc có đường kính nhỏ hơn 3cm được bao bọc xung quanh bởi nhu mô phổi lành không có xẹp phổi hay hạch to. Những tổn thương có kích thước lớn hơn được gọi là các khối ở phổi. Những khối ở phổi có nguy cơ ác tính cao hơn.

U phổi có phải ung thư: Bác sĩ chia sẻ 3 điều nên biết để người bệnh đỡ hoang mang - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nốt đơn độc ở phổi thường không có triệu chứng, vô tình phát hiện ra nhờ các lý do khác. Một số ít trường hợp có triệu chứng tại chỗ (ho hoặc ho máu), hay có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, gầy sút cân.

Về bản chất của các nốt mờ ở phổi theo bác sĩ Đồng không phải tất cả đều là ung thư. Các nốt đơn độc ở phổi có thể lành tính hoặc ác tính. Với các tổn thương lành tính trong đó gặp đến 80% là các u hạt do nhiễm trùng, 10% u mỡ và 10% còn lại là các tổn thương hiếm khác. Ở bệnh nhân dưới 35 tuổi, các nốt đơn độc phần lớn lành tính. Nguy cơ mắc ung thư tăng dần cho đến tuổi 65.

Ở tuổi 65 hơn 2/3 các trường hợp nốt đơn độc ở phổi có nguy cơ ác tính. Hầu hết các trường hợp ác tính là ung thư phế quản nguyên phát. Khoảng 30% còn lại do các di căn ung thư biểu mô tuyến từ các cơ quan khác ngoài phổi như vú, tuyến tiền liệt, đại tràng. Việc định hướng chẩn đoán cần khai thác kỹ tiền sử, yếu tố nguy cơ từ nghề nghiệp, gia đình, lối sống.

3 bài học

Theo thống kê của TS Đoàn Phương Lan tại Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai trên hơn 100 bệnh nhân thì các căn nguyên hay gặp là: Ung thư, tổn thương viêm lao, u nấm, u thần kinh, u xơ, áp xe, u nguyên bào sụn, u cuộn mạch, Hamartoma, tổn thương viêm.... Sự gợi ý các tổn thương này có thể được gợi ý qua công cụ chẩn đoán hình ảnh.

U phổi có phải ung thư: Bác sĩ chia sẻ 3 điều nên biết để người bệnh đỡ hoang mang - Ảnh 2.

Hình ảnh chấm mờ trên phim chụp phổi của bệnh nhân

3 bài học cho các bệnh nhân cần nhớ khi có u phổi được bác sĩ Đồng khuyến cáo là:

1. Không phải cứ có tổn thương nốt mờ trên phổi là bị ung thư, nhưng ung thư là một nguyên nhân cần nghĩ đến và loại trừ đầu tiên.

2. Nguy cơ ung thư sẽ gia tăng theo tuổi phát hiện nốt mờ và kích thước của nó, nốt mờ bé và trẻ tuổi cơ bản là lành tính nhưng cần loại trừ các bệnh nhiễm trùng để điều trị.

3. Cần làm các thăm dò một cách hệ thống để tìm nguyên nhân nốt mờ đó: Khám lâm sàng, khai thách bệnh sử, tiền sử, yếu tố nguy cơ, chụp chiếu, nội soi phế quản.....đôi khi là sinh thiết hoặc phẫu thuật, một lưu ý là không chỉ tìm tại phổi.

Với trường hợp ung thư di căn đến phổi cần thăm khám, tìm cả các cơ quan nghi ngờ.

Các triệu chứng của ung thư phổi thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Có thể kèm triệu chứng khan tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm.

Nếu ung thư phổi đã di căn đến thành ngực hoặc gây sưng các hạch bạch huyết ở khu vực này thì có thể gây đau nhức ở ngực, lưng hoặc vai. Đau ngực do ung thư phổi sẽ nghiêm trọng hơn khi ho, cười hoặc thở sâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại