Theo South Front, hầu hết các sân bay tại Libya đã bị hư hại do các cuộc không kích của NATO, và các máy bay của nước này cũng vậy. Trước khi NATO can thiệp, Libya sở hữu một lượng lớn trực thăng và máy bay chiến đấu, nhưng về sau này, chỉ còn vài chiếc có thể bay.
Để khắc phục khó khăn, Tripoli đã đề nghị các chuyên gia Ukraine tới hỗ trợ khôi phục lực lượng.
Tháng 12/2014, một nhóm chuyên gia từ "Nhà máy sửa chữa máy bay Odessa" đã tới Libya và bắt đầu khôi phục công nghệ máy bay. Đầu tiên, 2 tiêm kích MiG-23ML từ liên đoàn bay Rassvet Libya – một trong những lực lượng then chốt trong quân đội của LGNA – đã được sửa chữa và đưa vào hoạt động.
Cả hai chiếc sau đó đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào vị trí của phiến quân IS.
Một chiếc MiG-23ML sau khi được phục hồi.
Công tác phục hồi còn được tiến hành trên hai chiếc MiG-25 và 1 chiếc MiG-25 UB. Chúng chủ yếu được sử dụng để do thám các vị trí của đối phương từ trên không. Trong tháng 5/2015, Libya đã thiệt hại một chiếc trong số này.
Tiêm kích MiG-25
Sức mạnh đường không chủ lực của LGNA đến từ máy bay tấn công hạng nhẹ, được tái định hình nhiệm vụ từ máy bay huấn luyện L-39ZO (sản xuất tại Czechoslovakia) và G-2 Galeb (sản xuất tại Yugoslavia).
Liên đoàn bay Dawn of Libya có 5 chiếc G-2 Galeb và 2 chiếc L-39ZO. Ngoài ra, các chuyên gia Ukraine đã khôi phục thêm 12 chiếc nữa. Trong số này, 14 chiếc được phân bổ tới Misrata – khu vực hoạt động của Dawn of Libya. Một số máy bay L-39ZO đóng tại căn cứ Mitiga ở Tripoli.
Mùa xuân năm 2015, toàn bộ số máy bay đủ khả năng chiến đấu, cùng với 2 trực thăng Mi-24 tại căn cứ không quân ở Misrata đã tham gia không kích IS và hỗ trợ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Một chiếc G-2 Galeb
Tới mùa hè năm 2016, nguồn hỗ trợ MiG-23 và MiG-25 của Tripoli đã cạn kiệt nghiêm trọng. Vai trò tấn công chính của lực lượng GNA được chuyển sang cho L-39ZO. Mặc dù chúng có năng lực tác chiến tương đối tầm thường nhưng tỷ lệ thiệt hại lại không cao. Chỉ có 1 chiếc bị thiệt hại do tai nạn.
L-39ZO được trang bị pháo GSh-23L và có thể hoạt động từ độ cao trên 2.000m để tránh hỏa lực phá hủy từ mặt đất.
Trong khi đó, các máy bay G-2 Galeb tấn công mục tiêu bằng súng máy cỡ nòng lớn. Việc sử dụng máy bay huấn luyện để không kích mục tiêu tương đối khó khăn bởi chúng không được sửa đổi cho mục đích này.
Máy bay huấn luyện L-39ZO
Năm 2019, theo các báo cáo, lực lượng không quân của LGNA gồm 2 tiêm kích MiG-23ML, 1 tiêm kích MiG-25, 5 chiếc G-2 Galeb và xấp xỉ 13 máy bay tấn công hạng nhẹ L-39ZO.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn có 5 máy bay huấn luyện SIAI SF-260, 8 trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-35 với khả năng tấn công hiệu quả vào các vị trí của đối phương. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số chúng đều bay được. Một số báo cáo cho biết chỉ 2 trong số 4 trực thăng tấn công của GNA đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Theo một số nguồn tin khác, Không quân GNA đang vận hành 9 máy bay tấn công hạng nhẹ L-39ZO, 2 tiêm kích Mig-23ML và 1 trực thăng tấn công Mi-24. Hầu hết các máy bay trong số này đóng tại căn cứ không quân Misurata.
South Front nhận định, lực lượng không quân của tướng Haftar (LNA) không bị đe dọa bởi các máy bay L-39ZO, thách thức duy nhất đối với họ là tiêm kích MiG-23ML và MiG-25.
LNA sở hữu các tổ hợp pháo phòng không ZPU-2, ZU-23-2 và hệ thống tên lửa phòng không Kvadrat. Lực lượng máy bay chủ lực của họ bao gồm các tiêm kích MiG-21 và MiG-23. L-39ZO có rất ít hy vọng sống sót khi đối đầu với chúng.
LNA hiện đang chiếm lợi thế rõ ràng khi có trong tay 2 tiêm kích Mirage F1, 12 tiêm kích MiG-21, 3 tiêm kích-bom MiG-23ML và 1 tiêm kích-bom Su-22.
Ngoài trang thiết bị thiếu thốn và lạc hậu, Không quân GNA còn thiếu nhân lực nghiêm trọng. Phần lớn các phi công của họ đều trên 50 tuổi, trong đó các phi công chiến đấu đều đã quá độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, LNA cũng đang gặp phải tình trạng tương tự với nhân lực của mình.