Dù TT Putin ca ngợi là "tốt nhất thế giới" nhưng Su-57 sẽ bị Trung Quốc lạnh lùng từ chối?

QS |

Tờ Economic Times (Ấn Độ) đưa tin, Trung Quốc đang cân nhắc khả năng mua tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.

Moscow đã xác định Trung Quốc và Ấn độ là hai khách hàng tiềm năng của mẫu máy bay tiên tiến này.

Su-57 là tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 có khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ/không/biển, nó được Tổng thống Vladimir Putin mô tả là "máy bay quân sự tốt nhất thế giới".

Tại buổi họp báo trong khuôn khổ Triển lãm Hàng không Vũ trụ và Hàng hải Quốc tế Langkawi (Malaysia), ông Viktor Kladov - Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của công ty Rostec (Nga) đã xác định Trung Quốc và Ấn Độ là hai khách hàng tiềm năng mà công ty này đang hướng tới.

Theo ông Kladov Su-57E – phiên bản xuất khẩu của Su-57 – dự kiến sẽ được Tổng thống Putin phê duyệt xuất khẩu trong vài tuần tới.

Đề cập tới Trung Quốc là khách hàng tiềm năng, ông Kladov cho hay, "Trung Quốc gần đây đã nhận được 24 chiếc Su-35 từ Nga và trong vòng 2 năm tới họ sẽ quyết định liệu mua thêm Su-35, sản xuất Su-35 tại Trung Quốc hay mua thêm một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 – đây có thể là cơ hội dành cho Su-57E".

Dù TT Putin ca ngợi là tốt nhất thế giới nhưng Su-57 sẽ bị Trung Quốc lạnh lùng từ chối? - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện đã có tiêm kích tàng hình J-20 nên khó có khả năng nước này sẽ mua Su-57 về trang bị cho quân đội.

Không quân Trung Quốc hiện đang vận hành một loạt máy bay chiến đấu nội địa, trong đó có tiêm kích tàng hình J-20; bên cạnh đó là mẫu chiến đấu cơ Su-35 mà nước này mới mua từ Nga.

Mặc dù Trung Quốc đang tự phát triển tiêm kích thế hệ mới nhưng họ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào động cơ của Nga. Hiện cả Trung Quốc và Pakistan đều đang phải nhập khẩu động cơ Nga cho mẫu tiêm kích JF-17 Thunder mà hai quốc gia này hợp tác phát triển.

Ông Wang Ya'nan, tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge nhận định, Su-57 có vẻ hấp dẫn hơn đối với Ấn Độ, thay vì Trung Quốc bởi hiện New Delhi chưa có tiêm kích thế hệ 5 nào.

Mặc dù bị thuyết phục bởi các khả năng mới của Su-57 nhưng ông Wang chưa thực sự muốn Trung Quốc mua mẫu máy bay này, bởi Bắc Kinh đã có tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20.

Ông Xu Guangyu, cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc thì nhận định Bắc Kinh có khả năng sẽ mua Su-57 bởi nước này cần tận dụng mọi cơ hội để nghiên cứu năng lực và điểm mạnh của các quốc gia khác.

Wang Yongqing, thiết kế trưởng của Viện thiết kế máy bay Shenyang, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc, cho biết Su-57 được thiết kế để đạt được khả năng hành trình siêu thanh mạnh mẽ và khả năng siêu cơ động, trong khi hạ đặc tính tàng hình – một đặc tính được cho là quan trọng với máy bay chiến đấu thế hệ 5 – xuống ưu tiên số 2.

Trong khi các máy bay chiến đấu Mỹ tập trung vào khả năng tấn công tàng hình và bên ngoài tầm nhìn thì Su-57 có thể qua mặt được các tên lửa tầm xa của đối phương nhờ khả năng siêu cơ động, và tấn công mục tiêu ở tầm gần – một tình huống mà đặc tính tàng hình không đóng vai trò quan trọng bằng khả năng siêu cơ động.

Tuy nhiên, theo ông Wang, Trung Quốc đang hoàn thiện công nghệ thế hệ 5 trên tiêm kích J-20 để đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Trong giai đoạn này, bổ sung thêm một mẫu máy bay mới vào lực lượng có thể tạo ra các thách thức đối với việc tích hợp vũ khí và thiết bị của quân đội Trung Quốc, làm gián đoạn quá trình phát triển và kế hoạch huấn luyện.

Nếu Su-57 được phê duyệt xuất khẩu thì nó có thể trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh đối với tiêm kích FC-31 của Trung Quốc. Hiện trên thị trường quốc tế mới có hai mẫu tiêm kích thế hệ 5 được chào bán, đó là FC-31 (Trung Quốc) và F-35 (Mỹ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại