Trả lời phòng vấn đài VOA hồi tuần trước, ông Richardson cho hay hải quân Mỹ đã "duy trì lực lượng" trên biển Đông trong khoảng 70 năm qua.
"Không có gì leo thang quá nhiều hay suy giảm quá nhiều. Chúng tôi duy trì khá ổn định," ông nói.
Đô đốc John Richardson (Ảnh: VOA)
Theo VOA, Mỹ phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với vùng biển quốc tế ở biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (trái phép) đối với phần lớn diện dích biển Đông và đã bồi đắp, cải tạo phi pháp hàng trăm hecta đảo nhân tạo, nhằm củng cố yêu sách trái phép đó.
Cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì ở tần suất đều đặn các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) ở biển Đông nhằm bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy lưu thông tự do trên vùng nước quốc tế này - nơi có tới một nửa trọng tải lưu thông của thế giới, trị giá hàng nghìn tỉ USD, đi qua mỗi năm.
Đô đốc Richardson khẳng định hải quân Mỹ ủng họ các luật lệ và quy tắc "góp phần thúc đẩy cho sự đi lên của các nền kinh tế châu Á".
"Chúng tôi sẽ kiên định ở đó (biển Đông)," ông nói, "và chúng tôi sẵn sàng bênh vực những bên chịu tác động trong phạm vi tranh chấp, nếu cần thiết."
Ngoài các diễn biến ở biển Đông, ông Richardson đánh giá những động thái quân sự của Trung Quốc từ Bắc Đại Tây Dương cho đến Địa Trung Hải là "một lực đẩy mới" đưa nước này thành một thế lực hải quân toàn cầu, "sẵn sàng và đủ năng lực" tác chiến ở bất kỳ nơi nào Bắc Kinh muốn đặt dấu chân.
"Xét ở phạm vi đe dọa về hải quân đối với Mỹ," Richardson gọi hải quân Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh đang tìm kiếm vị thế ngang hàng.
John Richardson được Lầu Năm Góc trao nhiệm vụ chủ trì nghi thức tái thiết lập Hạm đội 2 của hải quân Mỹ, tổ chức ở căn cứ Norfolk, Virginia vào ngày 24/8 tới. Trong vai trò tư lệnh hạm đội, ông cũng sẽ đứng đầu Bộ chỉ huy liên hợp của NATO ở Norfolk.
Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc, và đặc biệt hơn là sức mạnh từ các tàu ngầm Nga, được cho là nguyên nhân Lầu Năm Góc chính thức tái khởi động Hạm đội 2, với mục tiêu gìn giữ an ninh ở Đại Tây Dương dọc bờ Đông nước Mỹ.
Trong diễn biến mới nhất, hải quân Mỹ ngày 11/8 khẳng định trên tài khoản Twitter chính thức rằng lực lượng này sẽ "đưa tàu thuyền, máy bay đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Thông điệp cứng rắn trên là lời đáp trả sự vụ ngày 10/8, khi Trung Quốc 6 lần cảnh cáo xua đuổi máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ chở phóng viên CNN bay qua quan sát khu vực các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp trên biển Đông, bao gồm đá Subi, đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.