Bệnh tay chân miệng thường do liên quan đến việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Đa số các trẻ mắc tay chân miệng sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chăm sóc không đúng cách hoặc trường hợp trẻ sốt cao kéo dài và nôn nhiều sẽ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch , hô hấp.
Các biến chứng này thường xuất hiện từ ngày 2 - 5 của bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Chính vì vậy, việc chăm sóc đúng là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về tay chân miệng mà cha mẹ cần tránh.
Những biểu hiện thường gặp ở bệnh tay chân miệng.
1. Trẻ mắc tay chân miệng không cần đi khám
Nhiều cha mẹ cho rằng, bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp nên không cần phải đi khám, có thể tự điều trị chăm sóc . Điều này chưa hẳn đúng, nên đưa trẻ đi khám nếu nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng. Vì từ đó các bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định chính xác bệnh và đưa ra những hướng dẫn khuyến cáo cụ thể trong việc dùng thuốc.
Ví dụ trẻ bị sốt cao, có hiện tượng đau đớn, thì có thể sử dụng các thuốc Paracetamol (với trẻ trên 3 tháng tuổi) hoặc Ibuprofen (với trẻ trên 6 tháng tuổi) để giảm đau và giúp trẻ dễ chịu hơn.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính của tay chân miệng là từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng. Do vậy, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh.
2. Trẻ mắc tay chân miệng không cần tái khám
Điều này chưa hẳn đúng, phụ huynh cần cho trẻ bị tay chân miệng đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau:
Sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục. Khó ngủ , ngủ li bì hoặc ngủ gà. Giật mình, hốt hoảng, chới với. Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng. Run tay, chân hoặc co giật . Vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái…
Trẻ mắc tay chân miệng sẽ hồi phục hoàn toàn trong khoảng 8 - 10 ngày.
3. Ép ăn nhiều giúp trẻ nhanh khỏi?
Khi trẻ mắc tay chân miệng cũng như bị ốm, việc cho trẻ ăn không được kiêng khem, điều này sẽ giúp trẻ có sức đề kháng để mau khỏi bệnh, đây là điều mà các chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thường ép trẻ ăn khiến trẻ sợ hãi. Vì vậy, khi trẻ từ chối ăn, cha mẹ không nên cưỡng ép, thay vào đó có thể cho con uống sữa hoặc chia nhỏ bữa ăn để bù lại.
Cũng chú ý cho con ăn thức ăn mềm lỏng như cháo hoặc súp, để dễ hấp thu cũng như tiêu hóa tốt hơn, thêm nhiều hoa quả để tăng cường vitamin. Với trẻ đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú thành nhiều lần trong ngày.
4. Kiêng nước, kiêng gió
Nhiều người cho rằng kiêng nước, kiêng gió, kiêng ra ngoài sẽ giúp trẻ mắc tay chân miệng nhanh khỏi… nên khi trẻ mắc bệnh cha mẹ thường cho trẻ mặc quần áo ấm và giữ kín ở trong nhà. Tuy nhiên, việc làm này không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ càng giữ kín thì các vi khuẩn càng có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Phụ huynh không được để con ra ngoài lúc trời gió quá mạnh hoặc để gió tạt trực tiếp vào con. Trẻ mắc tay chân miệng cần được vệ sinh sạch sẽ và giữ các vết lở loét ở trạng thái thoáng khí.
Ngoài ra, nên để con chơi trong phòng sạch sẽ và hạn chế đưa trẻ ra ngoài vì dễ mắc những bệnh khác như sốt, cảm cúm .
Sau khoảng 7 - 10 ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh chân tay miệng, các nốt mụn nước sẽ vỡ ra và dần khô lại. Do đó, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ bằng nước ấm để làm sạch các loại vi khuẩn có hại trên da và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng.
Khi tắm cho con, bố mẹ không được chà xát mạnh lên da trẻ, thay vì tắm như bình thường, bố mẹ chỉ cần lau rửa sạch sẽ cơ thể của con bằng các loại xà phòng sát khuẩn do bác sĩ chuyên khoa Nhi tư vấn.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa, cho trẻ rửa tay thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa bệnh.
5. Trẻ ở nhà thì không thể mắc tay chân miệng, trẻ lớn mắc bệnh sẽ không nguy hiểm
Phụ huynh cũng thường nghĩ trẻ nhỏ ở nhà không tiếp xúc với nhiều trẻ em thì không thể nào mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm, tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn.
Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất với trẻ em ở môi trường nhà trẻ, mẫu giáo và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5. Tuy nhiên, điều này là không đúng. Tay chân miệng đa số chỉ gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt những trẻ dưới 3 tuổi, nhưng thực tế, trẻ lớn và người lớn vẫn có thể bị tay chân miệng. Thậm chí, nhiều trẻ lớn mắc tay chân miệng cũng có thể gặp biến chứng dẫn đến suy hô hấp , suy tuần hoàn…
6. Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, do bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, dịch của các nốt bọng nước của người bệnh, nên cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ bị bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như:
- Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.