Trân trọng kính mời quý độc giả cùng chúng tôi trò chuyện với Tiến sĩ Từ Ngữ về nội dung LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH, từ đó có thể có những lựa chọn đúng đắn cho riêng mình, giúp bản thân ngày càng trở nên khỏe mạnh hơn.
PV: Thưa tiến sĩ, nhìn vẻ bề ngoài nhanh nhẹn, vóc dáng cân đối và thần thái tươi vui với lịch làm việc và giải trí dày đặc, ít ai có thể nghĩ rằng ông đã gần 70 tuổi. Hẳn ông rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày?
TS Từ Ngữ: Việc chăm sóc sức khỏe để có thể sống khỏe mạnh là điều đương nhiên, vô cùng cần thiết đối với bất kỳ ai, đặc biệt là ở lứa tuổi của tôi.
PV: Nếu để hỏi rằng, điều gì quan trọng nhất giúp con người ta trở nên khỏe mạnh hơn, hẳn ông sẽ nói về dinh dưỡng hay lối sống của cá nhân?
TS Từ Ngữ: Ngày xưa các cụ có khái niệm là vệ sinh, chính cái đó bây giờ người ta gọi là lối sống. Lối sống thực hành vệ sinh như thế nào cho đúng, là mấu chốt của sức khỏe. Sau khi nói về lối sống, người ta nghĩ đến vấn đề dinh dưỡng. Để nghiên cứu làm sao cho cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất, người ta lại nói rằng cần phải có vận động, thể dục thể thao, từ đó tạo ra một vòng tròn kết nối các yếu tố này với nhau.
Người ta bắt đầu nghiên cứu và xác định yếu tố dinh dưỡng chỉ chiếm một số lượng phần trăm trong việc quyết định lối sống khỏe mạnh. Ngoài ra còn các yếu tố khác nữa. Ví dụ như vệ sinh trí não, làm sao để suy nghĩ đúng, thì não phải hoạt động đúng. Nếu não nghĩ sai thì các thứ khác sẽ sai theo. Bộ môn vệ sinh sẽ dạy chúng ta tất cả.
Ngày xưa, việc giáo dục về dinh dưỡng cũng rất cụ thể, các cụ đã dạy về khái niệm bếp một chiều, nấu ăn tập thể có quy trình, thực phẩm đầu vào, xử lý thức ăn sống, làm sạch và rửa, sơ chế, quá trình nấu, chia thực phẩm, lưu thức ăn, nếu xảy ra ngộ độc thì sẽ tìm ra nguyên nhân từ đâu…
Việc ăn uống đều phải có chuẩn mực, xuất phát từ những kiến thức nền tảng, đúng khoa học.
PV: Người phương Tây có câu nói rất nổi tiếng: "Bạn là những gì bạn ăn" (You are what you eat), trong khi đó, người phương Đông lại quan niệm, "bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra". Theo ông, ăn uống quan trọng như thế nào?
TS Từ Ngữ: Trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, trước đây người ta chia ra 2 yếu tố: Một là, vệ sinh ngoài cơ thể (phân, nước, rác, không khí…), hai là vệ sinh cơ thể (những yếu tố bên trong, trên thân thể), ví dụ như dạy chúng ta cách tắm, tắm đầu trước hay chân trước, tại sao phải tắm, tắm để làm gì.
Hiện nay, có nhiều kiến thức mà chúng ta đang áp dụng cho mình và cho con em chúng ta đã bị mất gốc, vì cha mẹ mất gốc nên trẻ em chỉ được dạy phần ngọn. Khi chỉ dạy cái ngọn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nên người làm thế này, người làm thế kia. Trong thực tế đã có quá nhiều vấn đề đều làm từ cái ngọn, bỏ qua cái gốc.
Dinh dưỡng là khoa học, nghiên cứu về mối liên quan giữa thực phẩm và con người. Nếu ăn thực phẩm thế này thì có được sức khỏe thế này, và ngược lại. Do đó, ăn uống chính là một yếu tố cốt lõi, nền tảng của sức khỏe.
PV: Được biết ông và vợ mình vừa có một chuyến đi thăm Ấn Độ để trải nghiệm thực tế về lối sống khỏe mạnh của những bậc thiền sư sống trên núi, ông đã nhận được gì từ chuyến đi ấy?
TS Từ Ngữ: Khi những người bạn phương Tây của tôi giới thiệu rằng hãy dành thời gian để đi một chuyến đến Ấn Độ, lên một đỉnh núi, nơi những người thực hành việc tu tập nổi tiếng đang ẩn cư tại đó, họ không nói cho tôi biết rằng đến đó sẽ học được gì, họ chỉ giới thiệu cho tôi đến để tự quan sát, tự cảm nhận.
Sau một tuần ở đó, ngắm nhìn cuộc sống của họ, tôi có nhiều sự thay đổi về phương pháp suy nghĩ của mình về lối sống, cách mà chúng ta chọn điều gì quan trọng để làm trong đời mình. Trong một buổi học ở đó, họ có giảng dạy về những năng lực mà con người nên có, để có thể khỏe mạnh và thành công.
Ý nghĩa của từng năng lực họ đều phân tích kỹ và đưa ra các ví dụ để minh họa, tất cả những điều đó nếu áp dụng vào sức khỏe là điều rất nên làm.
Tôi cũng đã đi lên một đỉnh núi cao – nơi sinh sống của các thiền sư để học về thiền. Ngồi với một người chức sắc cao nhất ở trường phái thiền đó. Trong thời gian đó, chỉ học cách suy nghĩ thế nào là đúng, suy nghĩ thế nào là sai. Suy nghĩ của mình quyết định đến sức khỏe của mình.
Trong 8 năng lực kể trên, họ dạy khá cụ thể để người học có thể áp dụng, thực hành, ví dụ như dạy về hình ảnh con rùa sống thế nào, lúc nào thò đầu ra, lúc nào thụt đầu vào, vì sao lại thế, giống như nguyên tắc ứng xử, khi an toàn thì rùa thò đầu ra, khi bất an thì rụt đầu vào.
Năng lực đối chọi với sóng gió giúp con người biết vượt qua khó khăn. Năng lực chứa đựng, giống như biển, có thể chứa bao nhiêu nước cũng được, được coi như sự nhẫn nhịn, bao dung rộng mở…
Năng lực phân biệt, nhận biết sự khác nhau giữa các vật. Năng lực so sánh, là những nguyên tắc mỗi người bắt buộc cần phải trang bị cho chính mình, từ đó áp dụng.
Năng lực hợp tác, phối hợp với nhau như thế nào để thành công và thuận lợi hơn trong cuộc sống.
PV: Hiện nay, có rất nhiều người mắc các bệnh lý liên quan đến tâm lý, thần kinh, nhưng ít người nhận ra cho đến khi bệnh trở nên nặng, phải nhập viện mới biết. Ông nghĩ sao về yếu tố stress đối với sức khỏe?
TS Từ Ngữ: Có một nhân vật mà có thể bạn đã biết, đó là Elizabeth H. Blackburn (sinh năm 1948, tại Australia) làm việc tại Đại học California, San Francisco, đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Y học năm 2009. Bà có một câu nói nổi tiếng rằng, con người ta không phải chết vì đói, không phải chết vì bệnh tật mà là chết vì stress. Tinh thần sống là rất quan trọng.
Nếu chúng ta bị stress thì quá "gay". Ví dụ, ngay như chính tôi đây, hồi tôi đi làm không bao giờ đạt được trọng lượng 60kg, lúc nào người cũng gầy, nhưng hiện tại là 65 kg.
Mặc dù hồi đó, khi nào cũng ăn nhiều, ăn nhiều hơn hiện tại nhưng không thể béo lên. Tôi tự hỏi, mình làm về dinh dưỡng sao mình lại không thể ăn sao cho béo lên. Sau đó, tôi mới nhận ra là mình bị căng thẳng quá, áp lực đến mức không béo lên được, ăn vào cũng không ngấm vào người được.
Phóng viên: Trong những lần phát biểu tại các hội thảo về dinh dưỡng, ông thường nhắc đến yếu tố bữa ăn, nhấn mạnh rằng nó còn quan trọng hơn cả yếu tố dinh dưỡng, vì sao như vậy?
TS Từ Ngữ: Tôi quan tâm đến bữa ăn, trong khi xã hội công nghiệp hiện nay đã mất đi khái niệm bữa ăn chuẩn, thậm chí nhiều người không còn bữa ăn đúng nghĩa. Thay vào đó là thực phẩm công nghiệp, đồ chế biến sẵn.
Nếu bạn không ăn ở nhà thì có thể xem không phải là một bữa ăn đúng nghĩa. Ví dụ nhiều người sẽ mua đồ ăn nhanh, mì tôm để ăn cho qua bữa.
Từ thế kỷ 16, những người có quyền thế như vua, hoàng tử và các thành viên hoàng tộc mới bắt đầu được ăn đường. Nhưng sau này người ta lại kiêng ăn đường. Ngành công nghiệp đường vẫn phải tồn tại chứ.
Con người sống thì phải hưởng thụ, tại sao phải giải thích đúng khái niệm hưởng thụ,…đâu là ngưỡng để bạn dừng lại?
Cần tìm ra được giá trị thực, ranh giới để biết đâu là hưởng thụ, đâu là sai lầm quá đà.
Ví dụ như đường và muối, cần phải có giới hạn, ăn đến đâu thì dừng lại. Việc ăn bao nhiêu đường và muối sẽ rất là khó khăn. Ai ăn đường nhiều mà khuyên họ không nên ăn sẽ rất khó. Kiêng hoàn toàn cũng không phải là tốt, nhưng ăn nhiều thì rõ ràng là có hại.
PV: Cách lựa chọn thực phẩm hiện nay có khác xưa nhiều không, thưa ông?
TS Từ Ngữ: Mỗi thời kỳ, cách ăn uống của chúng ta đều có sự thay đổi. Hiện nay, nguồn thực phẩm đa dạng và phong phú hơn, nhưng sự an toàn lại ít đi. Quan niệm về dinh dưỡng cũng thay đổi. Có quá nhiều thông tin, bao gồm cả thông tin "rác", dẫn đến việc lựa chọn thực phẩm đúng đắn quả thực là việc khó khăn.
Ngày xưa, nước cháo được xem là một món ăn rất bổ, các cụ ngày xưa ốm sẽ ăn nước cháo. Nhưng bây giờ chúng ta lại muốn làm ngược lại, quy trình nấu nướng có thể xả chất dinh dưỡng đi chỉ còn bã. Ví dụ như có loại nồi nấu cơm có chức năng tách đường trong hạt gạo ra, nó sẽ đồng thời loại bỏ các chất dinh dưỡng khác, cơm còn lại sẽ chỉ còn là thứ bã thông thường của gạo.
Nếu cần phải cho cái gì đó vào để tách đường, thì đó có thể là hóa chất.
Phóng viên: Bây giờ có rất nhiều loại sản phẩm thay thế trong ăn uống, theo ông thì liệu cách dùng các loại thuốc thay bữa ăn để giảm cân có hiệu quả không?
TS Từ Ngữ: Nếu thuốc giảm cân tốt như vậy, thì tại sao những người "trùm sò" về thuốc lại vẫn bị béo phì? Đó là lý do chúng ta phải biết nhận ra tính hiệu quả thực sự của một sản phẩm được quảng cáo.
Chúng ta không thể tin rằng có một sản phẩm giảm béo nào thần kỳ như vậy. Nếu việc giảm béo là đơn giản, thì tại sao lại có quá nhiều người bị béo phì?
PV: Để nói về lối sống sao cho khỏe mạnh, các chuyên gia sức khỏe hướng đến sự điều độ trong lối sống, sự cân bằng trong ăn uống và sự hợp lý trong làm việc và nghỉ ngơi. Vậy, một ngày của ông hiện nay diễn ra như thế nào?
TS Từ Ngữ: Môi trường sống là quan trọng. Môi trường xã hội cũng tác động đến lối sống. Môi trường xã hội thế nào sẽ liên quan đến lối sống của bạn như vậy. Chăm sóc sức khỏe là việc cần làm tốt những điều đơn giản hàng ngày một cách tuần tự và có giờ giấc.
Từ lâu, tôi đã duy trì một lối sống ổn định, tuân thủ khá chặt chẽ, bao gồm ăn uống, vận động, thư giãn tinh thần.
Lịch trình 1 ngày của tôi thường khá cố định, nếu như không phải đi công tác.
Sáng thức dậy sớm từ 4h30 đến 5h. Muộn nhất là 5h sẽ dậy.Việc đầu tiên trong ngày sẽ là quét dọn nhà cửa. Sau đó sẽ đạp xe đạp thể thao đi 1 vòng Hồ Tây, khoảng 20km.
Nếu thời tiết xấu, tôi sẽ đi bộ trên máy đi bộ khoảng 30 phút, hoặc đi 1 tiếng, tương đương khoảng 2,3 - 4,5 km.
Khoảng hơn 7h thì sẽ ăn sáng.Tôi ăn những gì vợ chuẩn bị cho bữa sáng. Ăn theo thói quen và lặp đi lặp lại. Ăn những món mình tự làm. Nhiều người sẽ ăn các món ăn như bún phở ở ngoài quán và nghĩ rằng điều đó là "sang chảnh" hay tiện lợi, nhưng thực ra cách ăn này lại có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
Ăn trưa khoảng 12h. Bà xã ở nhà sẽ tự nấu cơm. Nếu tôi tự nấu cơm thì tôi chỉ nấu 2 món, rau luộc và thịt kho. Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại ăn đơn giản như vậy.
Nhưng tôi sẽ phân tích, rau luộc của tôi sẽ có 5 món rau trong cùng một lần chế biến.
Cơm tôi cũng nấu theo ngũ hành, thường có gạo, các loại đậu, củ, hạt… Thịt kho là gồm thịt lợn, chả, trứng kho lẫn với nhau. Các món ăn thường chế biến kết hợp như vậy. Thường thì tôi sẽ nấu một nồi thịt và ăn trong 2 ngày, hâm nóng lên là ăn. Rau cũng chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, nấu ăn trong 2 ngày.
Bữa tối ăn khoảng lúc 7h và thực phẩm trong bữa ăn tối chế biến giống như bữa ăn trưa. Nếu vợ tôi nấu cơm thì bà ấy sẽ xào rau. Trong bữa ăn nên có 4 món: Món cơm, món canh, món mặn, món rau. Rau cần đa dạng, món mặn có thể là kho hay luộc thì tùy, canh sẽ cung cấp nước, vitamin và khoáng chất, cơm cung cấp đường và năng lượng.
PV: Tôi gặp khá nhiều người bị thừa cân nên phải áp dụng những chế độ ăn kiêng khắt khe. Ví dụ như loại bỏ tinh bột, đường ra khỏi bữa ăn. Có người lại chỉ ăn toàn chất béo và chất đạm, hoặc có người ăn rất ít. Những cách ăn kiêng kiểu này có hợp lý không, thưa ông?
TS Từ Ngữ: Chúng ta ăn bây giờ, có thể có những kết quả khác nhau, hoặc giảm cân nhanh, hoặc giảm cân chậm, tiệm cận với mức cân nặng mong muốn, và cho đó là cách giảm cân thành công. Nhưng bản chất thì chưa có bằng chứng nào để khẳng định đó có phải là chế độ ăn tốt cho sức khỏe trong dài hạn hay không. Ăn bây giờ, nhưng nhiều năm sau này mới nhìn thấy lợi ích hoặc tác hại. Điều này lại phải quay lại với khoa học.
Hiện nay, điều không phải ai cũng biết, đó là có tới 50% các công trình nghiên cứu khoa học đưa ra kết quả sai. Có 2 cái sai cơ bản, một là phương pháp sai. Hai là thiếu hiểu biết. Trình độ nghiên cứu làm cho kết quả trở nên bị sai lệch. Mọi chế độ ăn đặc biệt đều có những ưu nhược điểm, và bạn phải nghiên cứu thật kỹ trước khi áp dụng.
PV: Nhiều người rơi vào tình trạng bận rộn, ăn uống trong vội vã, không còn thời gian tập thể dục, ông có kinh nghiệm nào để cân bằng việc này không?
TS Từ Ngữ: Gần đây, tôi nhìn lại cuộc đời mình, rồi so sánh với lối sống của bộ đội ngày xưa. Tại sao lại quy định mỗi tháng ăn 18kg, 1,5kg thịt, rồi rau xanh. Tại sao quy định 5h sáng dậy tập thể dục, nghỉ trưa từ 11h30 -13h30. Trưa họ mang cặp lồng cơm đi ăn. Làm việc đến 16h20, rồi lại tiếp tục tập thể dục. Sau đó ăn cơm tối và nghỉ ngơi, đọc báo. Tiếp tục vận động, rồi đúng 10h đi ngủ. Tôi nghiệm ra rằng, đó chính là một lối sống ổn định, có giờ giấc, ăn uống có liều lượng.
Sau đó tôi ý thức rằng, việc quản lý thời gian của mình là vô cùng quan trọng. Vì mỗi người đều có quỹ thời gian như nhau. Mình có từng đó thời gian để làm việc và thực hiện các đầu việc của cá nhân. Bạn phải tự cân đối thời gian. Người muốn khỏe mạnh phải ngủ đủ, giả sử là 8 tiếng, nếu ai chọn cách ngủ 4 tiếng (chỉ 1 nửa so với thông thường) thì đó là lựa chọn của họ.
Ví dụ thời gian ăn, bạn sẽ ăn trung bình trong thời gian 30 phút/bữa là phù hợp, nhưng nếu bạn ăn trong 5 phút cũng không sao, nhưng bạn sẽ phải chấp nhận mình bị đau dạ dày, có các vấn đề về tiêu hóa, hấp thụ.
Không những thế, muốn tiêu hóa hấp thụ tốt, phải tạo không khí ăn sao cho ngon, dễ chịu, phải có người ngồi ăn cùng, tạo ra không khí vui vẻ, để việc ăn uống được chậm rãi, kỹ lưỡng.
Mỗi ngày có 8 tiếng làm việc, nếu bạn làm việc 10 tiếng thì bạn sẽ không còn thời gian chơi thể thao nữa. Đó là sự chọn hoàn toàn thuộc về cá nhân. Cái quan trọng nhất là điều gì là bắt buộc phải chọn. Cái gì quan trọng hơn thì chọn làm trước, cái ít quan trọng thì làm sau nếu có thời gian.
Tất nhiên sẽ có những ngày ngoại lệ, mình không tuân thủ thời gian biểu và thói quen, trong ăn uống cũng như tập thể thao, nhưng sau đó sẽ lại phải quay về quỹ đạo. Chúng ta không phải là những cái máy, nên có thể có lúc nọ lúc kia. Nhưng chúng ta sẽ hướng về sự ổn định.
Trong cuộc sống, điều quan trọng chúng ta cần phải làm cho được, đấy chính là sự cân bằng. Cần cân bằng trong ăn uống, tập luyện, làm việc, vui chơi giải trí, mọi thứ. Thiếu bất kỳ thứ gì đều không tốt.
Dành một phần rất nhỏ để giải tỏa stress, bằng cách thực hiện các đam mê của mình. Đam mê khác với nghĩa vụ. Nghĩa vụ của mình là phải ăn, ngủ, tập luyện.
Muốn biết nghĩa vụ là gì, thì phải trả lời câu hỏi rằng, con người sinh ra để làm gì? Là sinh ra và lớn lên, học tập, kiếm tiền nuôi gia đình, chăm sóc bố mẹ, để đạt được mục tiêu cuộc sống, bạn phải lập cho mình những kế hoạch.
Nghĩa vụ đầu tiên quan trọng có thể nói là giấc ngủ. Nên ngủ đủ, ngủ đúng.
Nghĩa vụ tiếp theo là ăn, ăn thế nào cho đúng, ăn 3 bữa, lựa chọn thực phẩm, thời gian ăn, tốc độ ăn và các yếu tố liên quan khác. Thế giới này tranh cãi rất nhiều về số lượng các bữa ăn, tại sao lại ăn mỗi ngày 3 bữa. Tại sao không ăn một bữa. Vì nó liên quan đến cơ chế hoạt động của dạ dày, liên quan đến độ tuổi và nhu cầu hoạt động cụ thể của mỗi người.
Trẻ con mới sinh, bú liên tục 2h một lần, khi lớn hơn thì ăn 3 bữa chính và các bữa bổ sung. Số bữa ăn của chúng ta sẽ đi từ nhiều đến ít, dần dần tiệm cận đến mức ngày 3 bữa. Năng lượng của mỗi độ tuổi đều khác nhau nên số bữa ăn sẽ khác nhau.
Trẻ ăn nhiều bữa nhưng độ đậm đặc trong thức ăn ít hơn nên ăn phải ăn nhiều bữa. Thức ăn của trẻ nước là chủ yếu nên hàm lượng calo sẽ ít hơn, nên phải ăn nhiều bữa. Còn người lớn ăn 3 bữa nhưng có đủ chất thì sẽ duy trì đủ lượng calo cần thiết.
PV: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bên cạnh dinh dưỡng và vận động, lối sống cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tuổi thọ. Cá nhân ông thực hiện việc này thế nào?
TS Từ Ngữ: Lối sống cá nhân của tôi bao gồm ăn uống lành mạnh, ngủ đủ. Nếu đêm nào mất ngủ thì hôm sau ngủ bù, hoặc đi ngủ sớm. Cả ngày làm việc thì đêm sẽ đi ngủ sớm.
Không sa đà vào những thứ có thể gây nghiện ngập. Ví dụ, tôi có hút thuốc, có uống rượu, vẫn có thể ham vui, có thể chiều mình một chút ở một thời điểm nào đó, nhưng không lạm dụng.
Tôi chú ý tránh stress. Vui vẻ với những thứ mình có, vui với ngôi nhà của mình, với vợ mình, với con cháu, với bạn bè, đồng nghiệp.
Tôi thích chia sẻ cho người khác, từ đó có cơ hội trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Tôi có thú vui là đi trình bày các kiến thức của mình có cho người khác, tham gia các hội nghị khoa học. Càng chia sẻ, càng phải đọc, càng phải động não, sẽ làm cho mình trẻ ra.
Hưởng thụ cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên: Tôi sáng sớm đạp xe 1 vòng 20km trên bờ hồ Tây. Sống kiểu như rời khỏi gia đình, ra ngoài trời với ánh sáng nhiều hơn, ngắm những thứ xung quanh cuộc sống để tăng thêm cảm xúc và sự trải nghiệm.
Tôi chú ý đến vệ sinh chung, vệ sinh xã hội và vệ sinh thân thể. Vệ sinh xã hội hay sức khỏe tinh thần, là bạn cần biết cách chọn bạn để chơi, không chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội, không đi sâu vào những vấn đề không đáng để quan tâm.
Vệ sinh thân thể là tắm rửa đúng cách, đi ngoài như thế nào, tắm giặt, tập thở, để đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, tắm là một cách để loại bỏ độc tố ngoài da. Vệ sinh răng miệng, giảm các vấn đề cao răng, bệnh răng miệng.
PV: Ở những người sau tuổi trung niên và cao tuổi, chuyện tình dục có tác động đến sức khỏe nhiều không, thưa ông?
TS Từ Ngữ: Vấn đề tình dục, với tôi, điều quan trọng nhất là tìm được sự hòa hợp giữa hai người.
Tình dục chỉ là một khía cạnh của tình yêu, không phải là toàn bộ tình yêu. Cách duy trì tình yêu sẽ có nhiều cách khác nhau. Nếu kết hợp được sự hài hòa giữa tình dục và tình yêu thì là điều tốt nhất.
Độ tuổi cũng ảnh hưởng đến tần suất tình dục, vì khi các hormone thay đổi, có người sẽ "tắt" sớm, nhưng cũng có người "tắt" muộn hơn. Dinh dưỡng, tâm lý cũng ảnh hưởng đến vấn đề tình dục. Có những vấn đề thuộc về tâm lý, ví dụ lo lắng về một vấn đề gì đó gây ra sợ hãi. Về công thức thì không có con số nào cụ thể.
PV: Ông đã từng bị ốm bệnh chưa, và ông đã vượt qua biến cố đó như thế nào?
TS Từ Ngữ: Tôi đã từng rơi vào tình huống thập tử nhất sinh, có thể xem như đã đến ngày tận số. Đó là tôi có bệnh hen phế quản, phải nhập viện cấp cứu trong tình huống nguy hiểm. Khi phải nằm ở phòng hồi sức với nhiều cơn hen ác tính, nếu nói theo lời cô y tá ở đó kể lại thì "anh nằm trong đó mấy ngày mà có bao nhiêu người đến khóc, vì coi như chết rồi".
Nhưng sau đó, nằm liên tục khoảng 10 ngày trong phòng ICU mà tôi bị sút mất 10kg, người gầy rộc và xanh xao. Bệnh hen nặng đến mức ai cũng nghĩ là không qua khỏi. Thấy trong người rất lạ.
Khi bệnh tình có vẻ đỡ hơn 1 chút, vợ và con tôi đi về nhà nghỉ thì đến nửa đêm, nhân viên bệnh viện lại gọi người nhà yêu cầu phải vào viện ngay vì tình hình căng thẳng đến mức không thể đoán được, khả năng tử vong rất cao. Đó là một quãng thời gian đáng lo ngại nhất.
Nhưng sau đó, tôi được điều trị và khỏe trở lại, hồi phục cân nặng rất nhanh. Hoàn toàn ăn uống bình thường, không dùng thực phẩm cao cấp hay thực phẩm chức năng. Bà xã tôi nấu những bữa ăn hàng ngày và tăng số bữa ăn lên để bù sức và hồi phục cân nặng.
Vợ tôi nói rằng tôi thực sự đã hồi phục tuyệt vời, nhờ vào cái gọi là "ý chí sống". Khi mình khát khao sống thì mình sẽ có những nỗ lực để cải thiện tình trạng sức khỏe. May mắn là những ngày sau khi ốm thì tôi ăn được, bản thân người ốm cần cố gắng ăn thêm, sau khi ốm sẽ tăng nhiều bữa lên.
Chỉ sau 1 tháng là sức khỏe của tôi đã phục hồi và lái xe đi chơi từ Hà Nội vào miền Nam. Bí quyết phục hồi sức khỏe sau khi bị bệnh chính là Ý CHÍ SỐNG, nếu không có ý chí phấn đấu để sống khỏe mạnh sẽ sinh ra ốm. Mặc dù ốm phải nằm nhưng cần phải cố gắng phấn đấu cho mình khỏe mạnh trở lại.
Tinh thần cũng quyết định đến sức khỏe rất lớn. Phải có ý chí và biết cách áp dụng ý chí đó. Muốn phục hồi nhanh phải biết tích lũy kinh nghiệm. Nếu mình không khỏe mạnh thì chỉ cần một trận ốm là có thể "đi" luôn. Nhưng nếu trước đó nếu mình biết giữ thể lực khỏe mạnh, thì khi bị ốm có thể dễ vượt qua hơn, sau khi ốm cũng có thể hồi phục nhanh hơn.
Trong cách sống hàng ngày nên giữ cho mình hoạt động, năng động nhiều hơn. Vì sau khi đã về hưu, nghĩ rằng sẽ nghỉ ngơi, thì sẽ dễ ốm và nhanh chết. Nên những người tuổi U70 thì đã nghỉ hưu lâu, nếu không biết phấn đấu sẽ rất dễ để cho sức khỏe đi xuống, nhanh đổ bệnh.