Không phải ung thư, đây mới là nguy cơ lớn nhất từ thực phẩm biến đổi gen!

TS. BS Nguyễn Khánh Hòa |

Nhiều người cho rằng từ khi thực phẩm biến đổi gen xuất hiện, tần suất các bệnh ung thư đều tăng. Nhận định này không có căn cứ khoa học mà chỉ là liên quan ngẫu nhiên.

Gần đây, nhiều bài viết trên mạng thảo luận về thực phẩm biến đổi gen. Có nhiều bài viết dựa trên các nguồn tài liệu không rõ nguồn gốc hoặc phát hành bởi một số nhóm chống thực phẩm biến đổi gen nhằm mục đích tuyên truyền cho người dân tránh sử dụng các sản phẩm này.

Tuy nhiên điều đáng nói là các thông tin của nhóm chống thực phẩm biến đổi gen đưa ra rất ít có giá trị vì chỉ dựa chủ yếu trên suy đoán, không có cơ sở khoa học.

Mặc dù viện dẫn phát biểu của một số nhà khoa học, nhưng tất cả các trích dẫn của các phát biểu đó đều không dẫn tới bất kỳ một nghiên cứu có giá trị nào về tác hại của thực phẩm biến đổi gen mà chỉ là những lời nhận xét chung chung hoặc thổi phồng một vài kết quả nghiên cứu sai hoặc chưa hoàn toàn kết thúc.

Vì vậy, bài viết này cung cấp thêm nhiều thông tin về lợi ích cũng như tác hại của việc phát triển thực phẩm biến đổi gen dựa trên các nghiên cứu cũng như các khuyến cáo có cơ sở khoa học.

1. Khái niệm về thực phẩm biến đổi gen

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) thì thực phẩm biến đổi gen là những sinh vật được tạo ra bằng cách thay đổi vật liệu di truyền (DNA) theo phương thức nhân tạo (không phải bằng phương thức tự nhiên).

Như vậy định nghĩa này mới chỉ phân biệt các thực phẩm biến đổi gen bằng cách sử dụng công nghệ sinh học, với các loại thực phẩm truyền thống được nuôi trồng và chọn lọc qua hàng ngàn năm.

Không phải ung thư, đây mới là nguy cơ lớn nhất từ thực phẩm biến đổi gen! - Ảnh 1.

Định nghĩa trên chưa phân biệt được các loại thực phẩm được tạo ra bằng các phương thức gần đây như gây đột biến gen hoặc gây đa bội nhiễm sắc thể bằng chiếu xạ, hóa chất với các hình thức gây biến đổi gen, chuyển gen bằng các phương pháp công nghệ sinh học hiện đại.

Chính vì vậy, năm 2014 người ta đưa ra một khái niệm cụ thể hơn: Các sinh vật biến đổi gen là những sinh vật có tổ hợp gen di truyền đã bị biến đổi nhờ vào kỹ thuật sinh học hiện đại. Các kỹ thuật sinh học hiện đại gồm các hình thức làm biến đổi gen di truyền của một loài bằng các phương pháp chuyển gen, gây đột biến hoặc chỉnh sửa gen.

2. Cách tạo ra thực phẩm biến đổi gen

Cây trồng biến đổi gen được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách thay đổi cấu trúc gen của chúng theo 3 phương pháp sau: bắn gen (súng hạt), chuyển gen gián tiếp thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens và mới đây nhất là phương pháp chỉnh sửa hoặc chèn gen.

Phương pháp bắn gen được thực hiện bằng cách bọc ADN trong các hạt vàng hoặc vonfram nhỏ li ti, sau đó các hạt này được bắn vào mô hoặc tế bào thực vật đơn dưới áp suất cao. Các hạt ADN với tốc độ cao sẽ xuyên qua thành và màng tế bào để vào tận nhân tế bào.

Sau đó, ADN tách khỏi lớp vỏ kim loại và được tích hợp vào bộ gen thực vật bên trong nhân tế bào. Phương pháp này đã được áp dụng thành công cho rất nhiều loại cây trồng, đặc biệt là thực vật một lá mầm như lúa mì hoặc ngô.

Phương pháp chuyển gen gián tiếp. Agrobacterium là ký sinh trùng thực vật tự nhiên, có khả năng chuyển gen. Khả năng chuyển gen vốn có của chúng đã góp phần cung cấp phương pháp cho sự phát triển của thực vật biến đổi gen.

Để tạo ra môi trường sống thích hợp cho mình, các vi khuẩn Agrobacterium chèn gen của chúng vào thân cây chủ, làm tăng nhanh tế bào thực vật ở gần mặt đất (tạo khối u sần sùi).

Thông tin di truyền cho sự tăng trưởng của khối u được mã hóa trên một đoạn ADN vòng có khả năng nhân bản độc lập gọi là Ti-plasmid (trên Ti-plasmid có đoạn T-ADN). Khi một vi khuẩn lây nhiễm vào thân cây, nó chuyển đoạn T-ADN này đến một vị trí ngẫu nhiên trong hệ gen của cây đó.

Điều này được ứng dụng trong công nghệ di truyền bằng cách lấy đoạn gen vi khuẩn T-ADN ra khỏi các plasmid vi khuẩn và thay thế bởi các gen mong muốn bên ngoài.

Các vi khuẩn Agrobacterium sau đó hoạt động như một vector chuyển tải các gen ngoại nhập vào trong thân cây. Phương pháp này đặc biệt hữu hiệu cho cây hai lá mầm như khoai tây, cà chua và thuốc lá trong khi ít thành công ở các loại thực vật như lúa mì và ngô.

Từ năm 2012, một phương pháp mới được coi là cách mạng trong công nghệ sinh học đã được áp dụng vào nông nghiệp để tạo ra các chủng cây trồng biến đổi gen. Nguyên lý của phương pháp này dựa trên việc phát hiện ra hệ thống chỉnh sửa gen có tên là CRISPR-Cas9.

Đây là một hệ thống enzyme chỉnh sửa gen của các vi khuẩn có nhiệm vụ loại bỏ sự xâm nhập các virus vào hệ thống di truyền của vi khuẩn.

Khi hệ thống này được kích hoạt, các enzyme nội nhân của vi khuẩn sẽ di chuyển đến vị trí của đoạn DNA ngoại lai nhờ sự hướng dẫn của một RNA đặc biệt gọi là guided RNA. Tại đây, các enzyme của hệ thống sẽ tiến hành cắt bỏ một cách chính xác đoạn DNA (gồm cả hai mạch) ngoại lai và sau đó gắn kết lại phân tử DNA bị đứt.

Lợi dụng cơ chế này, người ta đã phát triển ra các phương pháp chỉnh sửa hoặc biến đổi một gen nào đó bằng cách cắt bỏ một đoạn DNA của gen đó để tạo ra một gen bị đột biến mất đoạn làm mất chức năng của gen, hoặc chèn thêm một gen vào trong phân tử DNA.

Kết quả sẽ tạo ra một sinh vật có bộ gen mới trong đó có chứa gen quy định một đặc điểm có lợi cho con người. Ví dụ như đưa gen kháng lại thuốc diệt cỏ vào tế bào phôi của đậu tương để tạo ra chủng đậu tương kháng thuốc diệt cỏ.

3. Lịch sử của thực phẩm biến đổi gen

Cây thuốc lá biến đổi gen là GMC đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Các nhà khoa học gây biến đổi gen ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986.

Đầu những năm 1990, Trung Quốc đã cho ra sản phẩm thương mại thuốc lá biến đổi gen. Năm 1994, Mỹ lần đầu tiên đưa cà chua biến đổi gen ra thị trường với đặc tính chín chậm.

Cho tới nay đã có nhiều loài cây trên thị trường là thực phẩm hoặc cây trồng biến đổi gen như: Dầu ăn Canola, bông, khoai tây, cà chua, dâu tây, ngô. Càng ngày, số loài thực phẩm biến đổi gen sẽ càng nhiều lên cùng với sản lượng liên tục tăng cao.

4. Lợi ích của thực phẩm biến đổi gen

Dân số thế giới ngày càng tăng lên, trong khi diện tích đất dùng cho sản xuất nông nghiệp không thể tăng hoặc thậm chí còn giảm do quá trình đô thị hóa. Vì vậy, nguy cơ thiếu hụt lương thực là rõ ràng. Tăng năng suất cây trồng cũng như hạn chế tác hại của sâu bệnh, cỏ dại là một trong những phương pháp quan trọng nhất để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho con người.

Không phải ung thư, đây mới là nguy cơ lớn nhất từ thực phẩm biến đổi gen! - Ảnh 2.

Chính vì vậy, khoa học công nghệ được khuyến khích để tạo ra các loài thực phẩm biến đổi gen. Bên cạnh đó, công nghệ gen còn có khả năng tổng hợp ra các chế phẩm sinh học hay các thuốc dùng trong điều trị bệnh.

Tổng lợi nhuận của các nông trại trên toàn thế giới nhờ vào thực phẩm biến đổi gen vào năm 2011 là khoảng 19,8 tỉ USD bình quân tăng khoảng 133$/hecta so với thực phẩm thông thường.

Trong số lợi nhuận của nông dân thu được đó từ thực phẩm biến đổi gen thì 49% nhờ vào việc giảm được sâu bệnh và cỏ dại. Khoảng 51% thu nhập của nông dân toàn cầu nhờ vào thực phẩm biến đổi gen đến từ các nước đang phát triển, các nước nghèo.

Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2011, thực phẩm biến đổi gen cung cấp thêm khoảng 110 triệu tấn đậu, 195 triệu tấn ngô 15,8 triệu tấn bông và 6,6 triệu tấn dầu canola. Nhờ vào việc tăng sản lượng lương thực như vậy, nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu đã giảm nhiều.

Nếu không có công nghệ sinh học tạo ra sản lượng lương thực thực phẩm đó thì thế giới cần phải có thêm 5,4 triệu hecta đất trồng đậu nành, 6,6 triệu hecta trồng ngô, 3,3 triệu hecta bông, tương đương với 9% đất nông nghiệp của Mỹ hoặc 25 % của Braxin hay 28% diện tích đất nông nghiệp của Châu Âu.

Nhờ các giống cây trồng biến đổi gen chống lại sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt mà số lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ giảm đi, lượng phân bón vô cơ, hữu cơ cũng giảm đi giúp cải thiện môi trường tốt hơn; giảm lượng khí thải, bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 123 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1996-2012.

Bên cạnh đó, các loại cây trồng biến đổi gen cũng giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp cho 16,5 triệu nông dân nhỏ và gia đình họ, tổng số hơn 65 triệu người.

5. Tình hình sản xuất thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đưa vào thử nghiệm gần 7 năm và cho tới năm 2015, những sản phẩm được chế biến từ ngô, đậu nành… biến đổi gen đã xuất hiện trong siêu thị, chợ và bữa ăn của các gia đình.

Đồng thời, nhiều loại thực phẩm biến đổi gen đang có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Một cuộc khảo sát cho thấy 111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gen.

Trong đó có bắp Mỹ, bắp trái non, bắp non đóng hộp, bột bắp, bắp giống có nguồn gốc trong nước và nước ngoài dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos - một dạng biến đổi gen. Ngoài ra còn có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 11 mẫu gạo, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn ngô, giá trị nhập khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Không phải ung thư, đây mới là nguy cơ lớn nhất từ thực phẩm biến đổi gen! - Ảnh 3.

Năm 2005, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, bao gồm công nghệ GMO. Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là "Đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất". Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu thực hiện thử nghiệm 7 giống ngô GMO.

Đồng thời cũng triển khai Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%.

Đến tháng 3/2015, 3 giống ngô GMO đã được đồng loạt xuống giống tại 4 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam. Sản phẩm thu hoạch đã được đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam. Đến tháng 8/2016, Bộ NN&PTNN đã cấp phép cho 21 giống ngô và đậu nành GMO được phép trồng ở Việt Nam.

Như vậy đến năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu. Tầm nhìn đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.

Năm 2017, Công ty CP của Thái Lan liên kết với Mosanto thực hiện dự án phát triển khu nhân giống thực phẩm biến đổi gen, giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu giống GMO của khu vực. Đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức không nhỏ.

6. Thực phẩm biến đổi gen ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người.

Cho đến nay, có 3 vấn đề chính mà thực phẩm biến đổi gen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người gồm khả năng gây dị ứng, kích hoạt các gen không mong muốn làm rối loạn quá trình chuyển hóa và khả năng sản sinh ra các chất độc.

Một số nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm hay gây dị ứng ví dụ như đậu nành, nếu được biến đổi gen có khả năng gây dị ứng mạnh hơn. Ví dụ đậu nành chuyển gen của Brazil có nguy cơ gây dị ứng mạnh hơn so với đậu nành thông thường. Chính vì tác dụng phụ này mà công ty sản xuất ra loại đậu nành chuyển gen của Brazil đã không đưa sản phẩm ra thị trường.

Để đảm bảo an toàn, trước khi đưa thực phẩm biến đổi gen ra bán tại thị trường, các nhà sản xuất đều phải tiến hành nhiều thử nghiệm chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, kiểm định để khẳng định không có chất độc và không gây hại cho người tiêu dùng.

Ví dụ như sản phẩm đậu nành mang gen kháng lại thuốc diệt cỏ glycophosphate. Sau khi có sản phẩm, người ta kiểm nghiệm thấy có sự thay đổi một số chất chứa trong đậu nành biến đổi gen khác so với đậu nành bình thường như nồng độ của genistin (một loại isoflavone trong đậu nành) hay một số chất ức chế trypsin.

Mặc dù các chất này không phải là chất độc, các thử nghiệm về độ an toàn của sản phẩm vẫn phải được tiến hành bao gồm các thử nghiệm trên động vật.

Các thử nghiệm này được tiến hành trên nhiều loài động vật như chuột, cá, gà, bò và các tiêu chí đánh giá gồm cả quá trình sinh trưởng, phát triển, khả năng sinh sản, chất lượng thịt, sữa cũng như các chất độc phát sinh nếu có ở động vật sau khi ăn đậu nành biến đổi gen.

Kết quả các nghiên cứu trên động vật đều cho thấy không có tác dụng có hại nào khác biệt giữa đậu nành biến đổi gen và đậu nành không biến đổi gen. Rất nhiều nghiên cứu trên các loại thực phẩm biến đổi gen khác nhau đã được tiến hành và cho đến nay không có công bố nào nói đến tác dụng có hại nào của thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe của động vật.

Lịch sử sử dụng thực phẩm biến đổi gen của toàn thế giới cho đến nay khoảng 20 năm cũng chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người sử dụng.

Đây là kết quả khẳng định của nhiều nhóm nghiên cứu độc lập về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen trên thế giới và được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như tạp chí: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology cũng như các khẳng định của các tổ chức quốc tế như WHO, và FAO.

Nhiều nhóm chống thực phẩm biến đổi gen được điều hành bởi những người yêu tự nhiên đã không có hiểu biết về cơ chế, phương pháp cũng như quy trình tạo ra thực phẩm biến đổi gen nên đã đưa ra những nhận định suy đoán cũng như tưởng tượng ra những hình thức gây độc không có thực của thực phẩm biến đổi gen.

Dưới đây là một số câu chuyện được đồn đại nhưng không đúng về thực phẩm biến đổi gen

Thực phẩm biến đổi gen kháng lại thuốc trừ sâu, kháng lại thuốc diệt cỏ làm cho người dân thoải mái phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ làm cho các thuốc này tích tụ lại trong thực phẩm biến đổi gen và gây độc cho người tiêu dùng.

Điều này hoàn toàn sai vì nhờ khả năng kháng lại thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, người nông dân trên các nông trường chỉ cần phun thuốc diệt cỏ 1 lần lên đồng ruộng và sau đó cây biến đổi gen phát triển.

Tương tự như vậy khi phun thuốc trừ sâu lên cây biến đổi gen, số lần phun thuốc giảm hơn nhiều so với dùng thuốc trừ sâu trên cây không biến đổi gen do hạn chế liều lượng phun ở mỗi lần không đủ để diệt toàn bộ sâu bệnh. Chính vì vậy như đã nói ở trên, lượng thuốc trừ sâu và diệt cỏ sử dụng giảm đi làm tăng lợi nhuận cho nông dân khi trồng thực phẩm biến đổi gen.

Thực phẩm biến đổi gen tiết ra các chất độc tiêu diệt sâu bệnh. Điều này hoàn toàn sai lầm vì các gen được đưa vào trong thực phẩm biến đổi gen là các gen kháng lại thuốc trừ sâu, kháng lại thuốc diệt cỏ chứ không phải gen tạo ra thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ.

Thực phẩm biến đổi gen mang gen Bacillus thuringiensis (Bt) tạo ra các tinh thể protein Bt gây độc cho người sử dụng vì nó tiêu diệt côn trùng. Điều này hoàn toàn sai vì rất nhiều nghiên cứu về độc tính và độ an toàn của Bt cho thấy Bt hoàn toàn không gây hại cho động vật có vú mà chỉ có tác dụng độc đối với côn trùng.

Từ khi thực phẩm biến đổi gen xuất hiện, tần suất các bệnh ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư thận, ung thư tuyến giáp đều tăng. Nhận định này hoàn toàn không có căn cứ khoa học vì không có yếu tố nào trong thực phẩm biến đổi gen gây ung thư.

Và do vậy, mối liên quan này là liên quan ngẫu nhiên giống như việc số ca nạo phá thai càng ngày càng tăng cùng với tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường càng ngày càng tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nạo phá thai và đái tháo đường đương nhiên là chẳng có liên quan gì đến nhau mà chỉ là ngẫu nhiên cùng tăng mà thôi.

7. Thực phẩm biến đổi gen ảnh hưởng đến môi trường như thế nào.

Nguy cơ lớn nhất đối với thực phẩm biến đổi gen là ảnh hưởng tới môi trường. Các cây trồng mang gen kháng lại sâu bệnh như cây mang gen Bt nói trên sẽ có khả năng tiêu diệt các loại sâu bệnh, đồng thời cũng tiêu diệt các loại côn trùng không có hại.

Việc tiêu diệt côn trùng quá mức làm ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của các loài khác như chim, thú. Khi không có thức ăn hoặc thiếu thức ăn sẽ dẫn tới tuyệt chủng và ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong vùng trồng cây biến đổi gen.

Một khía cạnh khác là việc tiêu diệt sâu bọ, côn trùng có hại sẽ dẫn tới tăng phát triển các loài côn trùng khác không có hại cho cây trồng biến đổi gen nhưng lại có hại cho các loài thực vật không biến đổi gen và dẫn tới thay đổi môi trường sinh thái.

Tự nhiên có một khả năng kỳ diệu là tiến hóa. Chính vì vậy dù dùng thuốc, hóa chất hay tạo ra gen kháng lại sâu bọ, côn trùng thì bản thân côn trùng, sâu bọ cũng tiến hóa để chống lại các tác nhân có hại nói trên. Muỗi kháng với thuốc diệt muỗi là một ví dụ cho thấy con người không thể hoàn toàn chiến thắng tự nhiên.

Chính vì vậy, sử dụng thực phẩm biến đổi gen sẽ có nguy cơ tạo ra những loài côn trùng, sâu bọ có khả năng kháng lại các chất diệt côn trùng từ các cây này làm cho tác dụng biến đổi gen nhanh chóng mất đi, thậm chí có thể tạo ra những loài không thể tiêu diệt được.

Nguy cơ cuối cùng là việc sử dụng vật nuôi, cây trồng kháng với bệnh tật sẽ tăng nguy cơ xuất hiện các loại virus gây bệnh đặc biệt mà nhiều khả năng con người chưa thể tìm ra phương thức để hạn chế hoặc tiêu diệt.

Việc sử dụng các phân đoạn virus để mang gen truyền vào cây trồng cũng tạo nên nguy cơ tái tổ hợp các virus lành với virus gây bệnh tạo thành một loại virus mới. Đa số virus là lành tính, tuy nhiên một số có thể gây bệnh. Các virus này lại tồn tại trong cây trồng làm thực phẩm nên nguy cơ truyền bệnh cho người là tương đối lớn.

8. Khía cạnh đạo đức của việc nghiên cứu và phát triển thực phẩm biến đổi gen.

Ở các quốc gia phát triển, luật về công nghệ sinh học đã được ban hành và có hiệu lực thực thi mạnh mẽ, việc kiểm soát kỹ thuật để chỉ đưa ra các sản phẩm mang gen có lợi cho con người là điều có thể thực thi.

Tuy nhiên tại các nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, các văn bản pháp luật còn chưa rõ ràng, chế tài thực hiện luật không đảm bảo, kỹ năng kiểm soát cũng như trình độ các phòng thí nghiệm còn thấp sẽ dẫn tới hiện tượng phát triển công nghệ sinh học theo hướng thương mại hoặc thậm chí theo hướng cực đoan.

Vì lợi ích cá nhân, lợi nhuận, một số nhóm nghiên cứu khi nắm được kỹ thuật công nghệ sinh học có thể cho ra đời nhiều loại sinh vật mang các gen có hại, mang chất độc hoặc thậm chí là quái thai. Các nhóm cực đoan có thể lợi dụng để tạo ra các sinh vật, thực phẩm gây bệnh hoặc virus gây bệnh để tạo chiến tranh sinh học.

Trong tương lai việc đưa gen người vào trong vật nuôi, cây trồng để tạo thành mô, cơ quan thay thế cũng có khả năng thành hiện thực. Vấn đề đạo đức nghiên cứu cần đặt ra để kiểm soát và hạn chế những rủi ro này.

9. Kết luận

Thực phẩm biến đổi gen là những loại thực phẩm (vật nuôi, cây trồng) được thay đổi bộ gen di truyền bằng cách đưa vào một hoặc một vài gen mang các đặc điểm có lợi cho con người bằng phương pháp công nghệ sinh học hiện đại.

Thực phẩm biến đổi gen đã được phát triển và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Thực phẩm biến đổi gen mang lại lợi ích kinh tế to lớn kể cả đối với các nước nghèo. Nhờ có thực phẩm biến đổi gen, thế giới đã giải quyết được một phần nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm cho loài người do dân số tăng nhanh.

Thực phẩm biến đổi gen cũng giúp phần nào bảo vệ được môi trường do giảm nhu cầu đất dùng cho nông nghiệp cũng như giảm số lượng thuốc bảo vệ thục vật. Thực phẩm biến đổi gen đã được trồng và có mặt ở thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay và càng ngày càng tăng.

Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguy cơ gây hại với sức khỏe con người của thực phẩm biến đổi gen ngoại trừ các suy đoán thiếu cơ sở khoa học của một số nhóm người chống thực phẩm biến đổi gen.

Tuy nhiên, thực phẩm biến đổi gen cũng có khả năng gây hại cho môi trường bởi nguy cơ làm thay đổi hệ sinh thái, làm xuất hiện các loài sâu bệnh kháng thuốc, xuất hiện những loài virus mới có hại.

Việc kiểm soát kỹ thuật công nghệ sinh học ở các nước đang phát triển cũng như các khía cạnh đạo đức trong việc xây dựng và phát triển labo công nghệ sinh học ở Việt Nam cũng là điều nên xem xét kỹ lưỡng.

Phát triển và khoanh vùng phát triển thực phẩm biến đổi gen là điều nên làm ở Việt Nam cùng với việc kiểm soát một cách chặt chẽ. Cơ hội cho Việt Nam ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp tương đối lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cả về mặt quản lý và bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo

1. Cây trồng biến đổi gene và tương lai ở Việt Nam - VnExpress

2. Thực phẩm biến đổi gen | Y tế | suckhoedoisong.vn

3. Thực phẩm biến đổi gene có mặt ở TP HCM - VnExpress

4. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-quoc-gia-thu-29-trong-cay-bien-doi-gen-3209848.html

5. http://www.baomoi.com/dieu-it-biet-ve-thuc-pham-bien-doi-gen-o-viet-nam/c/21933951.epi

6. "GM crops: global socio-economic and environmental impacts 1996-2011"

7. Sjoblad, R.D.; McClintock, J.T.; Engler, R. (1992). "Toxicological considerations for protein components of biological pesticide products". Regul. Toxicol. and Pharmacol. 15: 3–9. doi:10.1016/0273-2300(92)90078-n.

8. Koch, Michael S. (April 2015). "The food and environmental safety of Bt crops". Front Plant Sci. 6. doi:10.3389/fpls.2015.00283.

9. ftp://ftp.fao.org/docrep/fao/003/x9602e/x9602e00.pdf

10. A. S. Bawa & K. R. Anilakumar. Genetically modified foods: safety, risks and public concerns—a review. J Food Sci Technol (November–December 2013) 50(6):1035–1046. DOI 10.1007/s13197-012-0899-1

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại