Thăm khám tại “bệnh viện” Facebook, chữa bệnh theo “bác sĩ” Google
Anh N.T.H, 43 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV. ĐHYD) với khối ung thư gan có kích thước lên đến 4,5cm.
Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao lại đến bệnh viện muộn như vậy, anh H chia sẻ đã phát hiện bị viêm gan B cách đây 10 năm nhưng không điều trị do sợ uống thuốc tây bị nóng.
Thay vào đó, anh dùng các sản phẩm có thành phần từ thảo dược được quảng cáo trên Google là bổ gan, mát gan… Mãi cho đến lúc bị sốt cao nhiều ngày, trên mặt nổi sần, anh H mới đến BV. ĐHYD để thăm khám thì phát hiện ra ung thư gan.
Hay một trường hợp bệnh viện mới cấp cứu gần đây, ông L.T.K, 70 tuổi bị suy thận cấp, đe dọa tính mạng vì sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc chữa bệnh đái tháo đường.
Gia đình cho biết loại thuốc mà ông K. đang dùng là một loại thảo dược dạng viên, đựng trong bao nhựa không nhãn mác, được nhiều người giới thiệu trên Facebook là thuốc gia truyền có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, không cần khám bệnh hằng tháng.
Tuy nhiên, BS. Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu BV. ĐHYD cho biết, đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường nổi tiếng ở thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước và đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm.
Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc.
Giá trị thông tin chính thống của bệnh viện trong truyền thông hiện đại
Thời đại của công nghệ thông tin phát triển, cuộc sống người dân ngày trở nên tốt hơn, nhu cầu tìm kiếm thông tin trên các kênh truyền thông hiện đại ngày càng nâng cao.
Mọi người đều có thể sử dụng internet để tìm kiếm thông tin, trao đổi qua mạng xã hội để giải đáp thắc mắc, đáp ứng nhu cầu một cách dễ dàng.
Đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe, bên cạnh các kênh truyền thông đại chúng như báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, sự kiện, băng rôn, tài liệu giáo dục sức khỏe… người dân còn có thể dễ dàng tiếp cận thông tin qua các kênh truyền thông xã hội khác như Facebook, Youtube, Website, Twitter, Linkedin... với tính tương tác rất cao.
Điều này đồng nghĩa, đối với một vấn đề sức khỏe, người dân tiếp cận với rất nhiều loại thông tin khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực, cả chính thống lẫn không chính thống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phân biệt rõ ràng đâu là những thông tin chính xác, đáng tin cậy, đâu là thông tin không chính xác.
Nếu người bệnh ngại đến bệnh viện mà tự chữa bệnh, tin tưởng tuyệt đối và áp dụng theo các lời khuyên, trào lưu thiếu căn cứ, thì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính mình.
Trang Fanpage của BV. ĐHYD, mỗi năm tiếp nhận hơn 3.000 câu hỏi của người dùng, hơn 70% nội dung tương tác tập trung vào các thắc mắc về phòng ngừa bệnh, triệu chứng bệnh lý, định hướng thăm khám chuyên khoa nào phù hợp, phương pháp điều trị bệnh… cho thấy nhu cầu thông tin rất lớn từ người dân.
Năm 2017, trang Fanpage của bệnh viện được Facebook chứng thực uy tín với dấu tích xanh bên cạnh tên hiển thị.
Nhờ dấu tích này mà người dùng Facebook có thể phân biệt trang Fanpage của bệnh viện với các trang cùng tên khác, dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống từ bệnh viện, chủ động tương tác với các chuyên gia bệnh viện về các trào lưu, thông tin trên mạng để đưa ra lựa chọn tối ưu cho sức khỏe của mình.
Không chỉ có Fanpage, BV. ĐHYD kết hợp chặt chẽ các kênh truyền thông đại chúng và kênh truyền thông xã hội nhằm truyền tải thông tin uy tín từ các chuyên gia một cách chính xác, tiếp cận nhanh nhất được đến số đông người dân.
Nâng tầm “giáo dục sức khỏe” thành chiến lược truyền thông của các bệnh viện
Truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người dân ngăn ngừa bệnh, phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh, từ đó việc điều trị và phục hồi hiệu quả hơn.
Công tác này không chỉ của riêng các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội mà còn từ chính các cơ sở y tế, từ các y bác sĩ, bởi đây là những kênh truyền thông chính xác nhất mỗi khi người dân cần tìm kiếm thông tin về bệnh tật, thuốc men, phương pháp điều trị…
Nếu chú trọng đầu tư nguồn lực và kinh phí cho hoạt động truyền thông, tổ chức đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, thiết lập mối quan hệ tốt với các cơ quan báo đài, chắc chắn truyền thông sức khỏe ở bệnh viện sẽ nâng cao sức khỏe của người dân, đồng thời giúp y hiệu của bệnh viện được đông đảo người dân biết đến và tin yêu.