Trung Quốc ứng phó COVID-19 mùa 'xuân vận'

Bình An |

Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt đầu tiên trong ba đợt COVID-19 dự kiến diễn ra vào mùa đông này. Dự đoán số ca bệnh COVID-19 sẽ đạt mức cao nhất vào tháng 1-2023.

Trung Quốc ứng phó COVID-19 mùa xuân vận - Ảnh 1.

Người dân tại một phòng khám sốt ở TP Tô Châu, tỉnh Giang Tô vào hôm 18-12. Trước đây, phòng khám này là một trạm xét nghiệm PCR - Ảnh: IC

Ngày 19-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này vừa ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên liên quan COVID-19 sau nhiều tuần, trong bối cảnh tình hình dịch ở nước này có nhiều diễn biến đáng chú ý.

Đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng qua những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men trên diện rộng, sau khi chính quyền nới lỏng các quy định kiểm soát dịch nghiêm ngặt.

Tăng tốc nhập thuốc điều trị

Ông Chung Nam Sơn - chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, cho biết đợt dịch hiện tại do biến thể Omicron đã lan rộng trên khắp Trung Quốc với khả năng lây truyền mạnh. Tuy nhiên, khả năng gây bệnh của Omicron đã giảm đáng kể.

Cách đây vài tuần, Trung Quốc đã nới lỏng các quy định chống dịch nghiêm ngặt, trong đó có vấn đề phong tỏa, cách ly và xét nghiệm hàng loạt.

Do Trung Quốc đã hạn chế xét nghiệm COVID-19 và dừng báo cáo số ca bệnh không có triệu chứng hằng ngày, nên hiện nay có rất ít dữ liệu đáng tin cậy về quy mô và tốc độ bùng phát của đợt dịch hiện tại.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 1.995 ca nhiễm có triệu chứng trong hôm 18-12, thấp hơn con số 2.097 ca của ngày trước đó.

Người dân tại Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố khác cho biết các hiệu thuốc đã bán hết thuốc hạ sốt và bộ xét nghiệm COVID-19. Người dân thì xếp hàng dài bên ngoài các phòng khám COVID-19.

Theo cuộc khảo sát trực tuyến đang diễn ra do báo Beijing News của Trung Quốc bắt đầu thực hiện từ hôm 15-12, có 45% trong số 114.000 người được hỏi nói rằng họ đã mắc COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh.

Báo Financial Times dẫn lời bà Lindsay Feng, một nhân viên công nghệ ở Thượng Hải, cho biết 8 trong số 21 người hàng xóm trong chung cư của bà đã mắc COVID-19 trong 10 ngày qua.

Tại thành phố Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc, chủ một hiệu thuốc nói rằng cửa hàng của ông đã hết thuốc cảm và sốt. "Tôi đã yêu cầu cung cấp trong hai tuần, nhưng các nhà máy vẫn đang hoãn các đơn đặt hàng của tôi" - ông kể lại và cho biết hiện nhiều tài xế cũng mắc COVID-19.

Còn Ivy, một sinh viên ở Quảng Châu, cho biết các bạn cùng lớp của cô lần lượt bị sốt trong những ngày gần đây. Một số người trong số họ không thể xác định liệu có phải là triệu chứng của COVID-19 hay không vì không có sẵn các kit xét nghiệm.

Tại thủ đô Bắc Kinh, ông Từ Hòa Kiến, một quan chức thành phố, đánh giá COVID-19 đang lan nhanh, gây áp lực lên các nguồn lực y tế. Một quan chức khác cho biết Bắc Kinh sẽ tăng tốc nhập thuốc điều trị COVID-19 trong bối cảnh các hiệu thuốc của thành phố thiếu hụt.

Nhiễm bệnh vẫn được đi làm

Ngày 19-12, truyền thông Trung Quốc đưa tin Trùng Khánh - một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc với 32 triệu người, đã trở thành một trong những khu vực đầu tiên ở Trung Quốc đại lục cho phép mọi người đi làm như bình thường ngay cả khi có các triệu chứng rõ ràng của COVID-19.

Nhật báo Trùng Khánh dẫn thông báo của chính quyền địa phương cho biết: "Các nhân viên chính phủ, đảng và nhà nước có triệu chứng nhẹ có thể làm việc như bình thường sau khi thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp với điều kiện thể chất và nhu cầu công việc của mình".

Chuẩn bị cho đỉnh dịch

Ông Ngô Tôn Hữu, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, cho biết nước này đang phải đối mặt với đợt đầu tiên trong ba đợt COVID-19 dự kiến diễn ra vào mùa đông này.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với đỉnh dịch vào tháng 1-2023, vì việc đám đông đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dự kiến sẽ làm tăng tốc độ lây lan của vi rút.

Hôm 18-12, chính quyền địa phương tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cho biết đợt bùng phát COVID-19 ở tỉnh này có thể đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 1-2023 nhưng không loại trừ khả năng diễn ra sớm hơn.

Nhiều nơi khác như tỉnh Sơn Đông, thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và huyện Thương Nam (tỉnh Chiết Giang) cũng dự đoán số ca bệnh COVID-19 sẽ đạt mức cao nhất vào tháng 1-2023.

Trong đợt "xuân vận" dịp Tết Nguyên đán vào đầu năm tới, dự kiến số lượng lớn người sẽ từ các thành phố đổ về nông thôn ở Trung Quốc. Các biện pháp chuẩn bị cho đỉnh dịch cũng đang được đẩy mạnh trên khắp Trung Quốc.

Tại tỉnh Sơn Đông, một số bệnh viện tạm thời đã được chuyển thành bệnh viện được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng bình thường hoặc nghiêm trọng nhằm ngăn hệ thống y tế quá tải.

Còn huyện Thương Nam ở tỉnh Chiết Giang đang tăng cường bổ sung và phân phối mọi nguồn lực y tế để chuẩn bị đầy đủ.

Huyện này đã quyết định tuyển 200 y tá vào tuần trước để đảm bảo hơn nữa năng lực của các bệnh viện được chỉ định. Hiện tại, số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Nhân dân huyện Thương Nam chiếm hơn 8% tổng số giường bệnh.

Ổn định nền kinh tế

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở Bắc Kinh đã bắt đầu nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng y tế trước mắt và tập trung vào việc ổn định nền kinh tế trong năm 2023, theo báo Financial Times.

Hôm 16-12, Hội nghị Công tác kinh tế trung ương - cuộc họp thiết lập chương trình nghị sự hằng năm cho các chính sách kinh tế trong năm tới của Trung Quốc - đã kết thúc.

Theo Tân Hoa xã, cuộc họp yêu cầu đưa vấn đề ổn định kinh tế lên làm ưu tiên hàng đầu, đồng thời chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại