Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo giới chuyên gia, động thái của Trung Quốc là nhằm phô trương sức mạnh quân sự trước các nước có cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cụ thể, các phiên bản xuất khẩu của hệ thống radar tình báo 609 và tên lửa chống hạm CM-40 hiện nằm trong lực lượng vũ khí phòng vệ bờ biển và biên giới của quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông.
Hệ thống radar tình báo 609 được Trung Quốc trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.
Viện 14 thuộc Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) cho hay, radar tình báo 609 có khả năng phát hiện sớm các máy bay tàng hình như F-35 của Mỹ cùng các tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Chuyên gia quân sự Hong Kong Song Zhongping nhận định, radar 609 là một phần quan trọng trong các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và chống tàng hình của Trung Quốc. Radar 609 còn có thể tích hợp với các hệ thống chiến đấu trên biển và trên không của Trung Quốc để tạo ra một mạng lưới phòng thủ không đối biển và không đối không hùng mạnh.
"Hệ thống CM-401 thực chất là tên lửa đạn đạo chống hạm được cải tiến từ một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật. Hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu cố định trên mặt đất hoặc các mục tiêu di động trên biển như chiến hạm từ cỡ vừa tới cỡ lớn", ông Song nói.
Cũng theo ông Song, hoạt động của hệ thống radar 609 và tên lửa CM-401 đều cần tới sự hỗ trợ của nhiều hệ thống radar đa chức năng khác với khả năng hoạt động ở các độ cao và phạm vi khác nhau.
"Quân đội Trung Quốc đang sử dụng các phiên bản tối tân nhất của hệ thống radar 609 và tên lửa CM-401. Phần lớn những hệ thống vũ khí này đã được triển khai tới khu vực Đông Bắc Á và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc lo ngại trước sức mạnh từ vũ khí hạt nhân và máy bay tàng hình của đối phương", ông Song nói thêm.
Mối đe dọa hạt nhân lâu nay là vấn đề an ninh nhức nhối ở khu vực Đông Bắc Á kể từ khi Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân vào thập niên 90. Đây cũng là lý do khiến Mỹ triển khai loạt tiêm kích tàng hình F-35 tới các căn cứ quân sự của nước này ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm nay.
Theo chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh Zhou Chenming, việc Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt radar 609 và tên lửa CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải là nhằm phô trương năng lực quân sự trước các quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển chiến lược ở khu vực cũng như với Mỹ.
"Radar 609 chính là mối đe dọa lớn nhất mà Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy. Một số loại vũ khí hiện đại mà Bắc Kinh phô diễn trong Triển lãm Hàng không Chu Hải là để cho các phái đoàn quân sự nước ngoài xem bởi họ là những người quan tâm nhất tới thông tin tình báo liên quan tới quân đội Trung Quốc chứ không phải để cho những khán giả thông thường hay những người quan tâm tới quân sự chiêm ngưỡng", ông Zhou nhận định.
Tên lửa chống hạm CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.
Một quan chức cấp cao tại Viện 38 thuộc CETC cho hay, một số hệ thống radar 609 cũng đã được Trung Quốc triển khai tới các khu vực bờ biển ở biển Hoa Đông cũng như một số hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông.
"Các hệ thống radar được triển khai tới những hòn đảo nhân tạo nằm trên Biển Đông đòi hỏi cần được bảo vệ tốt hơn dưới tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, độ ẩm lớn và nước biển mặn. Chi phí bảo vệ các vũ khí này là khá lớn", vị quan chức chia sẻ.
Hiện giá bán của tên lửa chống hạm CM-401 và hệ thống radar 609 vẫn chưa rõ. Nhưng theo ông Zhu Xinfeng, nhà thiết kế radar tại Viện 14, giá bán của phiên bản xuất khẩu SLC-7, hệ thống radar đa chức năng có thể phát hiện máy bay tàng hình từ khoảng cách 450 km, là khoảng 200 triệu nhân dân tệ (28,9 triệu USD).
Nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong cho biết, mức giá 200 triệu nhân dân tệ tương đương với giá bán chiến đấu cơ J-11. Điều này đồng nghĩa với việc các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc không còn được bán với mức giá thấp như trước đây bởi Bắc Kinh đang dần thu hẹp khoảng cách công nghệ với đối thủ phương Tây.
"Công nghệ radar Trung Quốc đã vượt qua Nga và đang dần đuổi kịp Mỹ. Triển lãm Hàng không Chu Hải là cơ hội để quân đội Trung Quốc cho ra mắt hàng loạt vũ khí hiện đại trước các phái đoàn quân sự nước ngoài cũng như các khách hàng tiềm năng", ông Wong bình luận.