Hôm 21/10, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Theo ông Trump và Quốc hội Mỹ, trong nhiều năm qua, Nga đã vi phạm nhiều điều khoản của hiệp ước này khi chế tạo các hệ thống tên lửa phóng từ trên bộ với tầm bắn từ 500-5.500km.
Theo tờ Russia Beyond, Washington đã dẫn "dữ liệu tình báo bí mật", mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng trực tiếp nào để chứng minh cho các cáo buộc nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, ông Trump đã đưa ra quyết định. Việc còn lại giờ đây là ký kết các loại giấy tờ và đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận từng đóng vai trò răn đe cơ bản nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Âu.
Trong thập kỷ tới, khu vực Schengen (gồm 26 quốc gia cho phép công dân tự do di chuyển trong khu vực này như một quốc gia thống nhất) có thể sẽ trở thành căn cứ cho các hệ thống tên lửa phóng từ trên bộ của Mỹ, với tầm bắn từ 500 – 1.000km (tầm ngắn) và 1.000 – 5.500km (tầm trung).
Trong trường hợp đó, Nga sẽ phải đáp trả và chế tạo ra các hệ thống tên lửa của riêng mình với tầm bắn tương tự. Vậy những tên lửa này trông sẽ như thế nào?
Các tên lửa "cỡ nhỏ" mới trong kho vũ khí Nga
Trong nhiều năm, Mỹ lo ngại rằng Nga đang phát triển một phiên bản tầm xa của loại tên lửa dành cho tổ hợp chiến thuật-chiến dịch Iskander-M mà Moskva đã triển khai tại Kaliningrad, sát châu Âu.
"Các tên lửa hiện nay dành cho hệ thống này có tầm bắn dưới 500km, nhưng quả thực vẫn có khả năng kỹ thuật để phát triển phiên bản với tầm bắn xa hơn" – chuyên gia phân tích quân sự Viktor Litovkin của hãng TASS cho hay.
Do đó, theo tờ Russia Beyond, ứng viên đầu tiên được "nâng cấp" trong số các tên lửa "cỡ nhỏ" này có thể là tên lửa đang được trang bị cho tổ hợp Iskander-M.
Các binh sĩ thuộc lực lượng tên lửa - Quân khu miền Tây phóng thành công tên lửa Iskander-M tại trường bắn Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Ảnh: Global Look Press
Hiệp ước INF chỉ loại trừ các hệ thống tên lửa phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 1.000 – 5.500km. Do đó, các tên lửa với tầm bắn tương tự nhưng triển khai từ trên biển và trên không vẫn được Mỹ duy trì, sau đó cũng được Nga triển khai.
Từ đây, ông Litovkin dự đoán, tên lửa Tomahawk và Kalibr sẽ là các hệ thống tên lửa tiếp theo lần lượt được Mỹ và Nga "nâng cấp", điều chỉnh sau khi hiệp ước INF chấm dứt.
Chúng có tầm bắn hiệu quả khác nhau, nằm trong khoảng 300 – 2.600km. Ngoài ra, chúng sẽ bay tới mục tiêu theo quỹ đạo bám sát địa hình, khiến đối phương khó phát hiện.
Một yếu tố quan trọng là đầu đạn của tên lửa. Trong thập kỷ tới, những tiến bộ trong công nghệ có thể sẽ cho phép các tên lửa này được trang bị đầu đạn mạnh mẽ hơn, từ đó cho ra đời một loại vũ khí cơ động và có độ chính xác cao.
Hệ thống tên lửa nào sẽ được mang xuống mặt đất?
Một ứng viên quan trọng khác có thể được Nga phát triển phiên bản phóng từ trên bộ là tên lửa Kinzhal mới.
Năm ngoái, các tiêm kích đánh chặn MiG-31 đã được trang bị tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal. Quân đội Nga tuyên bố vũ khí này hiện chưa có "đối thủ" trên thế giới.
Tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa Kinzhal. Ảnh: Sputnik.
Theo Tham mưu trưởng lực lượng không quân vũ trụ Nga - Thượng tướng Sergei Surovikin, tên lửa Kinzhal có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 2.000km mà không cần thâm nhập vào vùng phòng không của đối phương.
Ông Surovikin cho biết, trong chưa đầy 1 giây sau khi được thả từ máy bay, tên lửa Kinzhal sẽ tăng tốc lên tốc độ siêu vượt âm (gấp 8 lần tốc độ âm thanh) và lao về phía mục tiêu.
"Khả năng cơ động với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh cho phép tên lửa vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ/phòng không hiện nay, cũng như các hệ thống đang được phát triển" – ông Surovikin nhấn mạnh.
Tên lửa Kinzhal được trang bị đầu đạn thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, vì thế nó vẫn duy trì được hiệu quả dù tình hình thời tiết có chuyển biến như thế nào đi chăng nữa.
Khám phá sức mạnh tổ hợp tên lửa Kinzhal mới của Nga (Anh Tú-Hà Linh)