"Thảm kịch" PD-50
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, tàu sân bay duy nhất của Nga, Admiral Kuznetsov, vừa gặp phải một rủi ro khác trong quá trình đại tu tại một xưởng đóng tàu ở Roslyakovo, gần Murmansk.
Chiếc Kuznetsov được đưa vào trong ụ nổi PD-50 để sửa chữa. Đây là ụ nổi lớn nhất tại Nga và cũng thuộc hàng lớn nhất trên thế giới. Nó có kích cỡ lớn hơn nhiều so với tàu Kuznetsov và được thiết kế để phục vụ cho các tàu chiến có trọng tải lên tới 80.000 tấn.
Hôm 30/10, PD-50 bất ngờ bị nghiêng sang một góc nguy hiểm khi nước tràn vào các bể chứa. Một trong hai chiếc cần cẩu 70 tấn trên ụ PD-50 rơi xuống boong tàu Kuznetsov, khiến con tàu bị hư hại. Chiếc cần cẩu thứ hai rơi xuống nước rồi chìm nghỉm.
Ụ PD-50 không bị lật úp, còn chiếc Kuznetsov đã được kéo ra ngoài, tới cầu tàu gần đó của một nhà máy đóng tàu quân sự.
Trong khoảng 4 tiếng sau khi vụ tai nạn được báo cáo với ban quản lý cảng, PD-50 tiếp tục bị nước tràn vào cho tới khi bị chìm. Theo tờ Kommersant, một công nhân mất tích và được cho là đã thiệt mạng, bốn công nhân khác bị thương, trong đó có một trường hợp khá nghiêm trọng.
Cần cẩu của ụ nổi PD-50 nằm trên sàn cất hạ cánh của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: Sputnik.
Tập đoàn đóng tàu thống nhất ((Obyedinenaya Sudostroitelnaya Kampanya, viết tắt là OSK) của Nga lập tức giải quyết khủng hoảng bằng cách công bố với báo giới rằng hư hại trên tàu Kuznetsov có thể khắc phục được, và OSK sẽ "không làm chậm kế hoạch đưa tàu quay trở lại hoạt động vào năm 2021".
Chủ tịch OSK Alexei Rakhmanov khẳng định, công tác nâng cấp tàu sân bay duy nhất của Nga vẫn tiếp tục như dự kiến, nhưng sẽ được tiến hành tại một cầu tàu. Các quan chức OSK cho rằng PD-50 chìm là do sự cố mất điện, khiến cho các máy bơm nước của ụ nổi này không hoạt động.
Trong khi đó, ban quản lý nhà máy điện địa phương tại vùng Murmansk bác bỏ cáo buộc trên, họ khẳng định rằng trong ngày 30/10, không xảy ra sự cố mất/cắt điện nào tại nhà máy nơi tàu Kuznetsov được sửa chữa. Hơn nữa, ụ PD-50 có các máy phát điện riêng, đáng ra chúng nên phát huy tác dụng và cứu con tàu.
Hiện ủy ban điều tra của Nga đã bắt đầu quy trình điều tra chính thức để tìm ra nguyên nhân vụ việc.
Jamestown Foundation nhận định, ban quản lý của OSK dường như đang hoảng sợ trước cơn giận dữ của Điện Kremlin nên đang tìm cách để đổ vấy trách nhiệm.
Đòn giáng mạnh mẽ vào Hải quân Nga
Theo Jamestown Foundation, "thảm kịch" PD-50 có thể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin là khôi phục lại sức mạnh quân sự nói chung, và sức mạnh hải quân của Nga nói riêng một lần nữa.
Kuznetsov có thể thực sự chỉ bị hư hại nhỏ, nhưng thiệt hại với ụ nổi PD-50 là một đòn giáng mạnh mẽ vào kế hoạch nâng cấp hải quân của Nga. Phần lớn các tàu chiến cỡ lớn của Nga, trong đó có Kuznetsov, đều được chế tạo từ thời Xô Viết tại cảng Mykolaiv ở Biển Đen, nay thuộc Ukraine.
Giờ đây, Nga không thể sử dụng các ụ khô cỡ lớn của Mykolaiv do xung đột quan hệ với Ukraine. PD-50 là ụ nổi cỡ lớn duy nhất tại miền bắc nước Nga có đủ khả năng để nâng lên khỏi mặt nước tàu Kuznetsov hoặc tuần dương hạm hạt nhân Pyotr Veliki (cũng đang dự kiến đưa vào nâng cấp sớm).
Theo OSK, tàu Kuznetsov cần có một ụ mới vào tháng 6/2019 và nếu điều này không thể thực hiện được thì quá trình nâng cấp con tàu sẽ tiếp tục bị trì hoãn.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov neo đậu tại xưởng sửa chữa khác ở thành phố Murmansk sau sự cố chìm ụ nổi PD-50. Ảnh: Sputnik.
Tàu tuần dương hạt nhân Admiral Nakhimov – chị em của tàu Pyotr Veliki – hiện đang được sửa chữa tại nhà máy Sevmash ở Severodvinsk. Phải mất gần 1 năm để nâng và kéo tàu Nakhimov vào ụ khô ở Sevmash, trong khi ụ này vốn được thiết kế dành cho tàu ngầm hạt nhân.
Tàu Nakhimov đã được đưa ra khỏi biên chế Hải quân Nga từ năm 1999 và dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong giai đoạn 2021-2022 cùng với tàu Kuznetsov và Pyotr Veliki. Hạm đội hải quân Nga có kế hoạch tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu lên mức tối đa trong giai đoạn đó, khi cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây và Mỹ tiếp tục leo thang.
PD-50 được xây dựng vào cuối những năm 1970 tại Thụy Điển, và được bàn giao cho Hải quân Liên Xô từ năm 1980, tuy nhiên, cho tới hiện tại, Nga dường như chưa có ụ nổi phù hợp để thay thế nó.
Nga có một ụ nổi khác ở Viễn Đông, được chế tạo tại Nhật Bản sớm hoặc muộn hơn một chút so với thời điểm PD-50 được thi công. Ngoài ra, nước này còn có một ụ cỡ nhỏ hơn ở Biển Đen. Song, cả hai ụ này đều đã cũ kĩ và gỉ sét nên sẽ là một canh bạc nguy hiểm nếu kéo chúng vượt qua những vùng biển giông bão trong mùa đông để về Murmansk.
Cho dù việc này có thành công đi chăng nữa thì nó cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Một ủy ban đặc biệt của chính phủ Nga sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn với PD-50 và cân nhắc khả năng trục vớt chiếc ụ bị chìm.
PD-50 có thể đã bị hư hại nặng và biến dạng. Thậm chí sau nỗ lực cứu hộ đầy nguy hiểm và tốn kém, có thể kéo dài tời hàng tháng trời thì ụ nổi gỉ sét này có lẽ cũng sẽ bị tháo dỡ.
Trước năm 2014 và trước khi Nga sáp nhập Crimea, sự cố xảy ra với PD-50 có thể không quá nghiêm trọng, bởi các nhà máy đóng tàu ở Scandinavia gần đó có thể nhận đóng một ụ nổi mới cho Nga.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng quân sự tại vùng biển Baltic đang gia tăng rất cao, chính phủ các nước trong khu vực có lẽ sẽ không sẵn lòng giúp Nga đóng ụ nổi để nước này tăng cường sức mạnh hải quân.
Các nhà máy đóng tàu tại Trung Quốc và Hàn Quốc có thể tiến hành việc này nhanh hơn và với chi phí khá rẻ nhưng kéo một chiếc ụ khổng lồ từ Thái Bình Dương tới Murmansk sẽ là một "cơn ác mộng" hậu cần.
Hiện Nga chưa có ụ nổi phù hợp để thay thế cho PD-50. Ảnh: Wiki
Theo Jamestown Foundation, lý do chính khiến PD-50 gặp sự cố dường như là do trình độ quản lý kém và sai sót của con người. Điều này tương tự như vụ rocket Soyuz chở theo phi hành gia Mỹ và Nga lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) gặp sự cố hôm 11/10.
Ngành công nghiệp không gian Nga, tương tự như ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đều sử dụng công nghệ và thiết bị từ những năm 1970, 1980 và thậm chí là từ 1960. Điều này có lẽ có thể lý giải số vụ thảm họa công nghệ ngày càng gia tăng tại Nga.
Tuy nhiên, ngoài công nghệ và trang thiết bị lạc hậu, Nga còn rơi vào tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo bài bản từ những năm 1970, đây là những người biết cách vận hành và xử lý các công nghệ chưa số hóa từ thời Chiến tranh Lạnh.
Thế hệ từ thời Liên Xô cũ đang dần mai một, trong khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang cản trở các nỗ lực nhằm đưa toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng và quân đội của Nga đi lên nền tảng kỹ thuật số mới.