Theo một nghiên cứu của tổ chức RAND, nếu NATO không có đủ lực lượng hỗ trợ cho việc bảo vệ Đông Âu, Nga có thể "tràn vào" các nước vùng Baltic chỉ trong vòng 60 tiếng đồng hồ.
"Hiện tại, NATO không thể bảo vệ thành công lãnh thổ của các thành viên dễ bị tổn thương nhất… Thời gian tối đa để Nga có thể tiến tới vùng ngoại ô của các thủ đô thuộc Estonia và/hoặc Latvia, là 60 giờ," nghiên cứu nhận định. Khả năng "vỡ trận" nhanh chóng như vậy, sẽ khiến NATO không có nhiều lựa chọn để đáp trả.
Lực lượng NATO hiện tại sẽ không đủ năng lực để ngăn chặn một cuộc tấn công nhanh vào các nước Baltic?
Theo nghiên cứu, một trong những lựa chọn giới hạn đầu tiên cho NATO là giành thời gian để điều động và triển khai một lực lượng phản công quy mô lớn. Kết quả gần như chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu khốc liệt trên chiến trường.
Một khả năng khác là đe dọa hạt nhân; tuy nhiên, kịch bản này có phần không tưởng vì chiến lược của Mỹ là giảm kho hạt nhân, và không khuyến khích sử dụng vũ khí hạt nhân.
Lựa chọn thứ ba cũng là cuối cùng được nhắc tới trong nghiên cứu trên, đơn giản là "nhường" các nước Baltic cho Nga, đồng thời mở ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới, căng thẳng hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Lựa chọn này tất nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người từ chính các nước Baltic, và khiến NATO suy giảm sức mạnh rõ ràng.
RAND cũng tính toán những chuẩn bị mà NATO nên tiến hành, để có thể đối phó thành công với sức mạnh của Nga.
"Khoảng 7 lữ đoàn, bao gồm ba lữ đoàn thiết giáp hạng nặng – được hỗ trợ bởi không lực, hỏa lực trên mặt đất và các nhân lực khác trên chiến trường, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù – có thể đủ để ngăn cản một chiến dịch tấn công nhanh vào các nước Baltic", nghiên cứu chỉ ra.
Dựa vào nhiều tình huống chiến đấu giả định khác nhau, các chuyên gia cho rằng, nếu thiếu một lực lượng phòng thủ cơ khí hóa ở quy mô lớn hơn hiện tại, sự chống trả của NATO sẽ phải nhanh chóng đối đầu với thất bại.
Latvia, Lithuania và Estonia gần như chắc chắn là trở thành mục tiêu đầu tiên, bởi vì cả ba nước đều có khoảng cách địa lý gần gũi nhất với Nga. Ngoài ra, "Estonia và Latvia đều có số lượng dân số nói tiếng Nga đóng vai trò đáng kể trong đời sống chính trị và xã hội", nghiên cứu cho hay.
Trong khi Sáng kiến Tái đảm bảo châu Âu (ERI) của Lầu Năm góc kêu gọi rót thêm tiền, mở rộng quân sự và gia tăng triển khai quân tại châu Âu trong những năm tới, hiện chưa rõ liệu những động thái này có tương xứng với những gì mà RAND đề xuất hay không.
Tuy nhiên, ERI cũng có đề cập tới việc tăng cường "hỏa lực", "các kho dự trữ đạn dược" và "trụ sở chỉ huy" hỗ trợ cho các lực lượng NATO.
"Chúng tôi đang hoạch định việc triển khai luân phiên trên toàn châu Âu trong tương lai. Tần suất triển khai quân lính cho các sứ mệnh sẽ thường xuyên hơn, nhưng số lượng binh lính sẽ không được gia tăng ngay lập tức, mà sẽ từng bước một," Cathy Brown Vandermaarel, phát ngôn viên của quân đội Mỹ tại châu Âu cho biết.
Bà Vandermaarel còn bổ sung, các cuộc tập trận chung cũng sẽ được tăng cường hướng tới mục tiêu ngăn chặn Nga; thông qua việc thể hiện sự hợp tác của NATO, cùng với khả năng triển khai nhanh chóng và điều chuyển các lực lượng cơ khí hóa trên khắp châu Âu.
Nghiên cứu của RAND khẳng định, mặc dù đòi hỏi chi phí cao, việc gia tăng quân số sẽ là một điều đáng giá cho NATO.
Tranh cãi xung quanh sức mạnh quân sự Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết tâm hiện đại hóa quân đội Nga
Trong khi Nga thể hiện khả năng trở thành một lực lượng đủ sức đối chọi lại NATO, một số chuyên gia lại cho rằng, Moscow chưa phải là một thử thách cho liên minh quân sự, nếu tính đến một quá trình dài hơi.
Các áp lực kinh tế mà Nga phải gánh chịu không làm giảm cam kết của nước này với những nỗ lực hiện đại hóa quân đội, và gia tăng ngân sách quân sự. Moscow không ngừng mở rộng. đưa các lực lượng trên mặt đất, trên không và trên biển – tiến vào kỷ nguyên công nghệ thông tin cao hơn và hướng tới các nền tàng thế hệ tiếp theo.
Mặc dù kho vũ khí thông thường và hạt nhân của Nga hiện tại chỉ là một phần nhỏ so với quy mô hồi Chiến tranh Lạnh, nhưng Moscow vẫn lên kế hoạch chế tạo tàu ngầm lớp mới không phụ thuộc không khí, mẫu máy bay tàng hình T-50, các tên lửa thế hệ mới và trang thiết bị hiện đại cho lính bộ binh.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngân sách quốc phòng của Nga chiếm gần một nửa tổng ngân sách quốc gia; còn giờ đây, chi tiêu quốc phòng không còn là khoản chi lớn nhất của Nga. Mặc dù vậy, ngân sách quốc phòng của Nga đang bắt đầu tái gia tăng.
Theo Business Insider, từ năm 2006 – 2009, chi tiêu quốc phòng Nga tăng từ 25 tỷ lên 50 tỷ USD; thậm chí năm 2013, con số còn lên tới 90 tỷ USD.
Năm 2013, quân đội Nga có khoảng 766.000 quân lính thường trực và khoảng 2,4 triệu quân dự bị. Trong thời Chiến tranh Lanh, số thành viên thuộc quân đội Nga lên tới 3 hoặc 4 triệu thành viên.
Trang web globalfirepower.com cho hay, tính đến năm 2013, Nga có hơn 3.000 máy bay và 973 trực thăng, 15.000 xe tăng, 27.000 xe chiến đấu bọc thép và gần 6.000 pháo tự hành…
Giới phân tích cho rằng, trong những năm 80, Nga đã sản xuất một số lượng lớn các vũ khí thông thường và hạt nhân, từ hỏa tiễn, tên lửa hành trình cho tới hệ thống phòng không...; trong đó, hai hệ thống chống máy bay S-300 và S-400 của Nga được đánh giá là hoạt động đặc biệt hiệu quả.