Mong muốn hợp tác được nêu trong cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Chủ tịch Trung Quốc tại điện Elysée tối 26/3, song không khí hoài nghi và lo ngại vẫn bao phủ.
Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đón nhận nhiều “tin tốt”. Bắt đầu là việc Chính phủ Italy đầu tháng 3 tuyên bố tham gia dự án “Vành đai và con đường”, bất chấp sự phản đối của nhiều nước châu Âu và Mỹ. Trước đó, công quốc Monaco đã tuyên bố tiếp nhận mạng 5G của Huawei, trở thành lãnh thổ nước ngoài đầu tiên triển khai công nghệ này của Trung Quốc. Những diễn biến này được cho có thể tạo cơ hội cho một bước “xích lại gần nhau hơn” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
EU và Trung Quốc đã thiết lập đối tác chiến lược từ năm 2003 và mối quan hệ này phát triển khá ổn định, giữa những điểm đồng luôn xen kẽ những bất đồng, giống như mối quan hệ giữa Bắc Kinh và hàng loạt đối tác khác trên thế giới.
Là hai nhân tố kinh tế - thương mại hàng đầu thế giới, lẽ tự nhiên hai bên có mối liên hệ mật thiết với nhau. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Thụy Sĩ.
Năm 2016, bất chấp sức ép từ Mỹ, 14 nước châu Âu đã tham gia và trở thành thành viên sáng lập Ngân hàng Phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.
Vài năm nay, khi những thay đổi mạnh mẽ của tình hình chính trị quốc tế, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và xu hướng chống toàn cầu hóa, tác động khá mạnh tới cả hai, giới phân tích nhận định có nhiều lý do để thúc đẩy EU và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, công khai coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược đã thúc đẩy Bắc Kinh quay sang châu Âu. Đồng thời, thái độ của ông Donald Trump phản đối hệ thống đa phương quốc tế, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, quay mặt với các đồng minh, công khai chỉ trích và cổ vũ cho các thế lực chia rẽ châu Âu, đã thôi thúc EU xem xét lại mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tình thế đó tưởng như mở ra cơ hội lớn để xuất hiện một “trục EU - Trung Quốc”, hay ít nhất, có thể phối hợp với nhau dễ dàng hơn.
Thực tế thì lãnh đạo EU đã có những nỗ lực đáng kể để tìm kiếm khả năng hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực mà hai bên có quan điểm và lợi ích tương đồng, như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ toàn cầu hóa và chống chủ nghĩa bảo hộ. Ngược lại, Bắc Kinh cũng đột nhiên có những cử chỉ hòa hoãn và tỏ ra sẵn lòng phối hợp cùng với châu Âu.
Hai bên nhất trí mở lại một số cuộc đối thoại đã bị gián đoạn. Vấn đề cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chủ đề từng được Trung Quốc gạt sang một bên, được nước này chủ động đưa vào chương trình nghị sự đối thoại với EU. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 20 tháng 7/2018, lãnh đạo EU và Trung Quốc đã ra được tuyên bố chung sau nhiều năm gián đoạn.
Tuy vậy, chính sách của Mỹ cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không đủ để kéo hai phía xích lại gần nhau hơn nữa và điều này được đánh giá chủ yếu xuất phát từ bản chất sự trỗi dậy của Trung Quốc, vốn đồng thời tạo ra cả những thách thức và cơ hội cho EU.
Cơ hội rõ ràng rất lớn vì hai bên là thị trường khổng lồ, có sức hấp thụ rất mạnh hàng hóa và thu hút nguồn vốn đầu tư của nhau. Thế nhưng, trong dòng chảy của luồng vốn và hàng hóa dịch vụ, tồn tại một sự mất cân đối mà đã tới lúc châu Âu khó có thể tiếp tục chịu đựng.
Trao đổi thương mại hai chiều không ngừng gia tăng lên các con số ấn tượng, nhưng EU đang phải chịu mức thâm hụt khổng lồ, tới 184 tỷ euro năm 2018, tăng liên tục kể từ nhiều năm trở lại đây. Trong khi EU cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc được tự do tiếp cận gần như toàn bộ thị trường mua sắm công châu Âu lên tới 2.400 tỷ euro, thì doanh nghiệp châu Âu chỉ được tham gia vào các gói thầu trị giá vẻn vẹn 10 tỷ euro, một “hạt cát” so với thị trường này của Trung Quốc ước tính lên tới 8 000 tỷ.
Các ngân hàng Trung Quốc được phép tham gia vào thị trường tài chính châu Âu, trong khi theo công bố của báo giới Trung Quốc, trong thời gian tới, tập đoàn tài chính Internationale Nederlanden Groep của Hà Lan lần đầu tiên được phép trở thành cổ đông chi phối một ngân hàng cổ phần Trung Quốc.
Từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn Trung Quốc chảy ồ ạt, các tập đoàn nước này đầu tư trực tiếp ít nhất 145 tỷ euro vào EU, trong đó riêng năm 2016 lên đến 37,2 tỷ, mức cao kỷ lục trước khi giảm dần vào năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, nguồn vốn này gây lo ngại sâu sắc cho một số nước, nhất là Pháp và Đức, vì các doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là tập đoàn nhà nước, thường nhằm vào các tài sản có tính chất chiến lược. Một số “bông hoa” của nền công nghiệp Tây Âu lần lượt rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có hãng sản xuất robot hàng đầu thế giới Kuka lọt vào tay tập đoàn điện máy Midea.
Tính đến nay, Trung Quốc đã rót vốn vào 14 cảng biển châu Âu nằm rải rác từ Hy Lạp cho tới Italy, Hà Lan, Bỉ, Pháp..., trong đó có 6 cảng công ty Trung Quốc nắm cổ phần chi phối.
Sở dĩ Trung Quốc mạnh dạn đầu tư vào nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển, vì Bắc Kinh coi châu Âu là điểm quan trọng trên “con đường tơ lụa mới”. Nhưng đây cũng là chủ đề gây tranh cãi, EU về cơ bản không phản đối dự án “Vành đai và con đường”, một số nước thành viên thậm chí đã chủ động tham gia, song Ủy ban châu Âu nói chung và một số nước thành viên nói riêng đòi hỏi Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu “có đi có lại”, đồng thời chứng tỏ sự minh bạch trong các dự án đầu tư.
Đó mới chỉ là một vài khía cạnh của vấn đề. Những khác biệt về tư tưởng, quan điểm và hệ giá trị thường khiến quan hệ hai bên gặp sóng gió. Bắc Kinh cũng bất bình trước việc EU, cùng với Mỹ, từ cuối năm 2016 vẫn tiếp tục trì hoãn công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ theo đúng quy định của WTO.
Về phần EU, nhiều nước lo ngại nguồn vốn Trung Quốc chảy vào, nhất là Đông Âu, có thể trao cho Bắc Kinh công cụ để gây ảnh hưởng tới chính sách của khối. Tiếp đến là khả năng tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, vốn đang gây ra nghi ngại trong các nước EU về vấn đề an ninh thông tin, thậm chí an ninh quốc gia.
Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 22/3, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ sớm đưa ra khuyến cáo chung để xây dựng cách tiếp cận thống nhất đối với Huawei, trong lúc giữa các nước thành viên vẫn đang có quan điểm khác nhau.
Chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới châu Âu diễn ra trùng khớp thời điểm EU bắt đầu có những bước đi điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối với Trung Quốc. Hội đồng châu Âu đã thông qua bản thông cáo chung, đưa ra 10 biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực hai bên có lợi ích chung, như củng cố chủ nghĩa đa phương và chống biến đổi khí hậu, giải quyết một số thách thức toàn cầu và phát triển bền vững, đồng thời chỉ trích một loạt hành động đơn phương của Trung Quốc mà EU coi là ảnh hưởng tới trật tự luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, văn kiện mới của EU lần đầu tiên coi Trung Quốc là “đối thủ trực tiếp” và “cạnh tranh chiến lược”. Đặc biệt, EU nhấn mạnh sẽ xây dựng cách tiếp cận tập thể, thay vì từng nước riêng rẽ với Trung Quốc, để tăng sức mạnh của khối.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đi đầu thúc đẩy chính sách cứng rắn và thận trọng của EU đối với Bắc Kinh, đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng đón Chủ tịch Trung Quốc tại điện Elysée ngày 26/3, như hành động cụ thể của chiến lược mới.
Một loạt hợp đồng lớn lên tới hàng chục tỷ euro được ký, cùng tuyên bố của ông Tập Cận Bình về “con đường hai chiều có đi có lại” trong quan hệ EU - Trung Quốc, không thể khỏa lấp một thực tế rằng hai bên có quá nhiều bất đồng mang tính chiến lược. Mối quan hệ dù “đồng sàng” song “dị mộng” khiến EU và Trung Quốc khó có thể trở thành cặp đôi phối hợp được với nhau trên trường quốc tế.
Độc giả đọc tin gốc tại đây