Nước G7 đầu tiên ráo riết vào "Vành đai, Con đường", chiến thắng giòn giã của TQ làm Mỹ, EU lạnh gáy

Hải Võ |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy, Pháp và Monaco trong thời gian 21-26/3 tới.

Thời gian qua, việc Italy đã bày tỏ ý định tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận quốc tế.

6 năm kể từ khi được ông Tập Cận Bình khởi xướng, BRI đã trở thành diễn đàn hợp tác quy mô lớn nhất thế giới. Tính đến nay, có 123 nước và 29 tổ chức quốc tế ký kết văn kiện hợp tác BRI với Bắc Kinh.

Tờ báo đảng Guangming Daily (Trung Quốc) tuyên bố, BRI không phải là "bẫy nợ" hay "công cụ địa chính trị", mà là một chiếc "bánh nhân thịt" mang lại cơ hội phát triển chung.

Chuyến tàu không cho phép bỏ lỡ?

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây xác nhận ông sẽ tham dự hội nghị cấp cao BRI lần thứ 2, tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 4. Lý giải về quyết định gia nhập BRI, ông gọi đây là "một cơ hội đối với đất nước" và là "lựa chọn chiến lược".

Kể từ tháng 3, thông tin về việc hai nước có kế hoạch ký bản ghi nhớ liên quan đến xây dựng BRI trong chuyến thăm của ông Tập đã nhận được sự quan tâm lớn. Tờ Financial Times bình luận, Italy đã sẵn sàng nhảy lên "chuyến tàu Vành đai, Con đường", trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 chính thức ủng hộ sáng kiến toàn cầu này của Bắc Kinh.

Báo Corriere Della Sera (Italy) đánh giá, Rome có thể nhận được những lợi ích thiết thực khi tham gia BRI, bao gồm lợi ích về tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. "Hy vọng chúng ta không bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời mà chuyến tàu tốc hành 'Vành đai, Con đường' mang tới" - tờ báo viết.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Giovanni Tria nhận xét, "'Vành đai, Con đường' là một chuyến tàu mà Italy không được phép bỏ lỡ".

Tờ Asia Times phân tích, đối với Italy thì sáng kiến của Trung Quốc là một vấn đề lợi ích quốc gia, có thể mang lại lợi ích cho đôi bên. BRI mang tới những cơ hội hợp tác thương mại rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và từ đó mở ra cơ hội mới cho ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng của Italy.

Báo cáo của Hiệp hội nông dân Italy cho thấy, nông sản "Made in Italy" xuất khẩu sang Trung Quốc đã lập kỷ lục mới, đạt 450 triệu euro, tăng trưởng 260% trong vòng 10 năm.

EU lo ngại trước "làn sóng" Trung Quốc

Hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) gọi Bắc Kinh là "đối thủ hệ thống" và kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ ý tưởng hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Sự bất mãn của EU đang gia tăng trước thực trạng Trung Quốc trì hoãn mở cửa nền kinh tế, cũng như làn sóng thu mua, sáp nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực quan trọng của EU, và cáo buộc Bắc Kinh đang làm biến tướng thị trường châu Âu.

Đáp lại, Rome cho rằng những quan ngại đó sẽ không ngăn họ củng cố liên hệ với Trung Quốc. Italy chỉ ra thực tế rằng đã có 13 nước châu Âu ký kết các bản ghi nhớ với Bắc Kinh, bao gồm Hungary, Ba Lan, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, những nhà xuất khẩu lớn nhất của châu Âu vẫn chưa ký ghi nhớ với Trung Quốc.

Lucrezia Poggetti, chuyên viên tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, nói với Reuters: "Họ bất mãn bởi những lời hứa hẹn mơ hồ của Trung Quốc về cơ hội kinh tế phần lớn đã không được thực hiện."

"Gia nhập BRI mà không cân nhắc vấn đề địa chính trị và không đưa ra những yêu sách cụ thể, rồi hy vọng một ngày bạn sẽ nhận được hồi báo nào đó về mặt kinh tế, là hết sức ngây thơ," bà Poggetti nói.

Nước G7 đầu tiên ráo riết vào Vành đai, Con đường, chiến thắng giòn giã của TQ làm Mỹ, EU lạnh gáy - Ảnh 2.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trình bày trước Nghị viện châu Âu trong phiên tranh luận về tương lai EU, tổ chức tại Strasbourg, Pháp, ngày 12/2/2019. (Ảnh: REUTERS/Vincent Kessler)

Trung Quốc đả thông cửa ngõ châu Âu

Cảng Trieste ở vùng đông bắc Italy đang được mô tả là cửa ngõ để Con đường tơ lụa thế kỷ 21 - một phần trong BRI - đưa Trung Quốc tiến vào châu Âu. Đây là một trong những giao điểm hàng hải lớn nhất ở Địa Trung Hải.

Trieste đã trung chuyển 62.7 triệu tấn hàng hóa trong năm 2018 và hứa hẹn trở thành trung tâm kết nối cho khu vực Âu-Á theo thỏa thuận sắp được thông qua giữa Công ty kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) - nhà thầu xây dựng chủ chốt trong các dự án BRI, và Cảng vụ Trieste.

Một mục tiêu quan trọng khác của Bắc Kinh là thành phố Palermo trên đảo Sicily, với vị trí gần lục địa châu Phi. Ngoài ra, một công ty liên danh đang được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa phía Italy với Công ty Vận tải Đại dương Trung Quốc (COSCO) - đơn vị quốc doanh Trung Quốc - để điều hành cảng Genoa.

Cảng biển là ưu tiên hàng đầu trong sáng kiến Vành đai, Con đường, bởi nó bao gồm và tiếp nối các tuyến đường bộ và hàng hải. Châu Âu đang lo ngại về khả năng các điều khoản thỏa thuận liên quan đến các cảng của Italy sẽ được đề cập trong những bản ghi nhớ sắp được ký kết trong vài tuần tiếp theo.

Trong quá khứ, chi tiết về những hợp đồng như vậy giữa Bắc Kinh với các thành viên tham gia BRI khác cũng không được tiết lộ rõ - theo Asia Times. COSCO hiện còn đang vận hành cảng biển Piraeus lớn nhất của Hy Lạp.

Hệ quả của quan điểm chống lại ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc là nhiều nước châu Âu đang đưa ra các biện pháp sàng lọc để hạn chế các khoản đầu tư Trung Quốc vào EU.

Theo Asia Times, Italy có thể đối mặt với phản ứng quyết liệt từ phương Tây, bởi BRI vướng phải những nghi ngờ về tham vọng chính trị của Bắc Kinh. Không cần phải nghi ngờ, việc thành viên G7 trao cho Trung Quốc cơ hội hiện diện dài hạn ở Tây Âu là một thắng lợi then chốt với nước này, bởi BRI cho đến nay chưa nhận được thái độ tích cực bên ngoài châu Á.

Là nền kinh tế lớn thứ 8 toàn cầu và là một nước châu Âu, quan hệ đối tác của Rome với BRI sẽ nâng cấp sáng kiến của ông Tập Cận Bình thành một dự án toàn cầu thực thụ.

Một báo cáo khác vào tuần trước đề cập Italy đang tìm kiếm nguồn vốn từ Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - do Trung Quốc đứng đầu. Theo một nhà ngoại giao EU, "Khả năng tham dự của AIIB trong sáng kiến 'Vành đai, Con đường' ở Italy sẽ làm thay đổi cuộc chơi. Nếu không có AIIB cấp vốn cho các dự án [ở Italy], sẽ rất khó để BRI có thể thâm nhập vào một nước thành viên chủ chốt của EU".

Italy buộc phải tập trung hết sức để hồi sinh nền kinh tế bấp bênh, khi nước này rơi vào tình trạng suy thoái hồi năm ngoái - lần thứ ba trong vòng một thập kỷ. Để trở thành một "thành viên BRI", Rome đòi hỏi những khoản đầu tư tốt và thúc đẩy xuất khẩu để cải thiện nền tảng tài chính.

Một số nước châu Âu khác đang có liên kết thương mại tốt với Bắc Kinh, như Đức với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc riêng trong năm ngoái đạt 93.8 tỉ euro, trong khi Italy chỉ ở mức 13.17 tỉ euro và trở nên lạc lõng.

Nước G7 đầu tiên ráo riết vào Vành đai, Con đường, chiến thắng giòn giã của TQ làm Mỹ, EU lạnh gáy - Ảnh 3.

Thương cảng Trieste của Italy có khả năng trở thành một phần trong sáng kiến Vành đai, Con đường. (Ảnh: FABRIZIO GIRALDI)

Michele Geraci, quan chức Bộ phát triển kinh tế Italy, nhấn mạnh nước này vẫn là một phần của EU và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như Rome "không bao giờ làm nghiêng trục địa chính trị". Tuy nhiên, nước này vẫn bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của EU tháng này nhằm kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn đầu tư nước ngoài vào châu Âu.

BRI hiện được coi là trọng tâm chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đã được thể hiện trong Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2017. Sáng kiến phản ánh mục tiêu tham vọng của ông Tập nhằm đưa Trung Quốc đến vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Mỹ, quốc gia đang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, quan ngại sáng kiến của ông Tập sẽ đẩy mạnh tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự của Bắc Kinh, và được lợi dụng nhằm lan truyền các công nghệ gián điệp nhằm vào lợi ích phương Tây.

"Chính phủ Italy không cần thiết phải trao quyền hợp thức cho dự án hạ tầng mơ hồ của Trung Quốc," phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis nói hôm 9/3.

Dù không nghe theo Mỹ, Italy vẫn cố gắng trấn an Washington bằng cách công bố bản thảo ghi nhớ sẽ ký với Trung Quốc, cho thấy họ không đưa ra cam kết chắc chắn nào mà không đề cập đến những chuyển giao công nghệ mà Mỹ lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại