Chuyến thăm của ông Putin: Nhìn lại 5 năm "quyết liệt" của Nga đối với bán đảo Crimea

Tất Đạt |

Cuộc sáp nhập đã giúp Nga có thêm hàng trăm km đường bờ biển dọc Biển Đen. Đây là vùng biển mang tính địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với giao thương và quân sự.

Những chuyển biến mới

Hôm 18/3, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới bán đảo Crimea để dự lễ kỉ niệm 5 năm ngày Nga sáp nhập vùng đất này.

Ông Putin đã bắt đầu chuyến thăm bằng cách tham gia buổi khánh thành 2 nhà máy điện ở Crimea. Đây là một phần trong nỗ lực của Moskva trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực.

Trong khi đó, Ukraine đã cắt điện tới bán đảo và ngăn chặn những chuyến hàng vận tải biển đi qua vùng biển Ukraine để tới Crimea sau sự kiện sáp nhập vào năm 2014.

"Tình hình ngày nay đã thay đổi rất nhiều," ông Putin nói, và khẳng định rằng các nhà máy điện mới sẽ đáp ứng được nhu cầu của Crimea.

Nga đã nỗ lực hiện đại hóa bán đảo Crimea bằng cách xây dựng cây cầu dài 19km, vắt ngang qua eo biển Kerch - nơi nối vùng Biển Đen với biển Azov.

Dự án 3,6 tỉ USD nói trên đã giúp kết nối Crimea và Nga. Trước đó, việc di chuyển giữa hai vùng này phụ thuộc nhiều vào những chuyến phà và hay bị ảnh hưởng bởi gió lốc.

Việc Nga sáp nhập Crimea đã khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tăng cường áp đặt các cấm vận nhằm vào Nga. Hôm 18/3, NATO và EU tiếp tục lên án mạnh mẽ việc Nga chiếm Crimea.

Trong tuyên bố chung, các nước đồng minh NATO nói: "Chúng tôi lên án hành động này, chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận Crimea là của Nga."

Chuyến thăm của ông Putin: Nhìn lại 5 năm quyết liệt của Nga đối với bán đảo Crimea - Ảnh 1.

"Tình hình ngày nay đã thay đổi rất nhiều," ông Putin nói. Ảnh: AFP

Khối NATO cũng chỉ trích việc Nga tăng cường quân sự tại Crimea.

Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini nói: "Chúng tôi luôn đứng về phía Ukraine, ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này."

NATO và EU cũng kêu gọi thả những công dân Ukraine bị Nga bắt giữ trong vụ đụng độ ở Biển Đen vào tháng 11 năm ngoái.

Sau khi cựu tổng thống thân Nga của Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ, ông Putin khẳng định Nga sáp nhập Crimea để bảo vệ những người dân nước này khỏi sự đe dọa từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine.

Điện Kremlin cũng lo ngại rằng chính phủ mới của Ukraine có thể sẽ hủy bỏ hợp đồng thuê căn cứ hải quân quan trọng của Nga ở Biển Đen và cho quân đội của NATO tới đây thay thế.

Củng cố vị thế

Nga lần đầu tiên sở hữu Crimea vào thế kỉ 18, dưới thời Catherine Đại đế. Vùng lãnh thổ rộng 27.000 km2 này trở thành một phần lãnh thổ Ukraine vào năm 1954 khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cắt chuyển Crimea từ Nga sang Ukraine nhằm củng cố sự thống nhất giữa hai quốc gia.

Đây được cho là chuyển giao mang tính hình thức cho tới khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và đồng nghĩa với việc Crimea thuộc về nước Ukraine độc lập.

Chuyến thăm của ông Putin: Nhìn lại 5 năm quyết liệt của Nga đối với bán đảo Crimea - Ảnh 2.

Người dân Crimea kỉ niệm ngày sáp nhập với Nga. Ảnh: AFP

Điện Kremlin đã phản đối và cho rằng quyết định của ông Khrushchev đã vi phạm luật pháp của Liên Xô khi ấy, do đó việc cắt chuyển lãnh thổ là phạm pháp và vô hiệu.

Quân đội Nga đã nhanh chóng có mặt tại Crimea chỉ vài ngày sau khi tổng thống Yanukovych bị lật đổ. Động thái này đã khiến phương Tây bất ngờ.

Quân đội Nga sau đó tạo điều kiện cho cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Phương Tây đã phủ nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu này.

Khi ấy, ông Putin tuyên bố các lực lượng hạt nhân của Nga luôn ở trong tình thế "sẵn sàng chiến đấu" và cảnh báo phương Tây rằng Moskva sẽ làm mọi thứ để bảo vệ lãnh thổ Crimea.

Cuộc sáp nhập đã giúp Nga có thêm hàng trăm km đường bờ biển dọc Biển Đen. Đây là vùng biển mang tính địa chính trị quan trọng đối với giao thương, quân sự và đem lại nguồn tài nguyên, năng lượng dồi dào.

Mỹ và EU đã ban nhiều lệnh trừng phạt để hạn chế Nga trên thị trường tài chính toàn cầu và khả năng tiếp cận của Moskva đối với các công nghệ năng lượng, quốc phòng. Kremlin đáp trả bằng việc cắt giảm nhập khẩu phần lớn lương thực, thực phẩm phương Tây.

Việc sáp nhập bán đảo Crimea đã giúp ông Putin nhận được thêm nhiều sự ủng hộ trong nước và củng cố vị thế của Moskva tại Biển Đen.

Tuy nhiên, sự quan tâm của người dân Nga về Crimea đã giảm đi sau nhiều năm kinh tế gặp nhiều khó khăn và đời sống người dân chưa được cải thiện đúng mức.

Một cuộc bỏ phiếu được thực hiện bởi Quỹ Ý kiến Cộng đồng cho thấy hầu hết người dân Nga vẫn ủng hộ việc sáp nhập, nhưng cũng cho thấy những nhận thức nhất định về "cái giá phải trả".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại