Trong bài phân tích trên tạp chí Diplomat, tác giả Wang Jin từ Trường khoa học chính trị, Đại học Haifa, Israel đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội hiếm có cho Trung Quốc để thể hiện "thiện chí tốt" của một cường quốc có trách nhiệm.
Để tạo thuận lợi cho năm đầu tiên đăng cai Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tuần trước và có cuộc đối thoại chiến lược với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj.
Theo những gì ông Vương tuyên bố, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được những đồng thuận quan trọng liên quan đến việc hai nước cam kết ủng hộ lẫn nhau khi mà năm nay song phương đều đăng cai tổ chức những sự kiện lớn: Hội nghị G20 sắp tới ở Hàng Châu, Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức ở Goa, Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (phải) tiếp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/8. (Ảnh: Flickr)
Vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung-Ấn
Trung Quốc xem Ấn Độ, cũng là một thành viên của G20, như một đối thủ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cả về kinh tế lẫn chính trị.
Theo Wang Jin, vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Hội nghị G20 lần này có lẽ là về biển Đông.
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narenda Modi luôn nhấn mạnh tôn trọng nguyên tắc "tự do hàng hải và thương mại" ở biển Đông, một quan điểm đồng thuận vói Mỹ.
Bắc Kinh tin rằng một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ tìm cách để đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của G20 để "làm mất mặt" Trung Quốc, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện biển Đông hôm 12/7.
Để tránh kịch bản này xảy ra, lựa chọn cần thiết cho Bắc Kinh là bằng mọi cách thỏa hiệp để Ấn Độ phải "im lặng" về vấn đề biển Đông ở Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Và đúng như dự đoán, Trung Quốc đã dùng công cụ ngoại giao quen thuộc "cây gậy và củ cà rốt" trong đàm phán với Ấn Độ.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm Ấn Độ ít nhiều có hàm ý đe dọa.
Ông Vương đề cập G20 cùng với Hội nghị BRICS ở Goa, Ấn Độ để cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ "để mắt" tới Ấn Độ: Nếu New Delhi đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc sẽ "trả thù" ở Hội nghị BRICS Goa.
Đồng thời, ông Vương cũng hứa mang "củ cà rốt" cho New Delhi thông qua việc ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG), để đổi lại lời hứa "không nêu vấn đề biển Đông" tại G20.
Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc - Địa điểm tổ chức Hội nghị G20 năm nay. (Ảnh: Xinhua)
Chiến thuật của Trung Quốc vô hiệu?
Tuy nhiên, chiến thuật "cây gậy và củ cà rốt" của Trung Quốc nhiều khả năng không thể bảo đảm rằng Ấn Độ sẽ "im lặng".
Thứ nhất, "cây gậy" mà Trung đưa ra dường như không có nhiều tác dụng. Mặc dù Vương Nghị ám chỉ rằng sẽ "để mắt" đến Ấn Độ, song Trung Quốc lại không thể "một mình che phủ bầu trời" ở Hội nghị BRICS, vốn là diễn đàn mà Bắc Kinh xem như một cơ hội quan trọng để nâng cao "hình ảnh quốc tế tích cực" của mình ra thế giới.
Trung Quốc thực sự thiếu một công cụ hiệu quả để kiềm soát được lợi ích cốt lõi của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc xung đột ở Kashmir với Pakistan, nhưng Trung Quốc có lẽ cần nhiều sự hợp tác hơn từ Ấn Độ trong nhiều vấn đề từ Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đến chống khủng bố.
Mặt khác, "củ cà rốt" của Bắc Kinh lại không đủ sức hấp dẫn với Ấn Độ. Gia nhập vào NSG là quan trọng với tham vọng cường quốc của Ấn Độ, nhưng trong bối cảnh mà Trung Quốc bị xã hội quốc tế chỉ trích vì hành vi bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo Ấn Độ sẽ nêu vấn đề biển Đông trong cuộc Hội nghị G20 một khi Mỹ hay nước khác đề cập chủ đề này.
Với Ấn Độ, vấn đề biển Đông là cơ hội quan trọng để đoàn kết với các đồng minh khu vực chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc với chính sách "Một vành đai, một con đường".
Trong khi đó, nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc ngày càng hiện hữu đang thúc đẩy New Delhi tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và các đối tác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo các chuyên gia, Biển Đông là một chủ đề nóng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, do đó vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập và thảo luận trong Hội nghị G20.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực, nhưng họ thiếu công cụ hiệu quả để ngăn Ấn Độ lên tiếng. Do đó, vấn đề biển Đông rất có thể là một chủ đề trọng tâm tại Hàng Châu vào tháng sau./.