Vì sao danh xưng của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân không còn ý nghĩa với Tập Cận Bình?

Song Phương |

Hồi đầu năm, truyền thông Trung Quốc tuyên truyền về vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của Tập Cận Bình. Nhưng dường như ông Tập không còn cần điều đó nữa.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 14/8 đưa tin, trong bài phát biểu ngay trước ngày kỷ niệm 95 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7), Chánh văn phòng trung ương Trung Quốc Lật Chiến Thư đã yêu cầu các cấp dưới kiên quyết ủng hộ Tổng Bí Thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, đồng thời sử dụng từ "cốt lõi" khi nhắc đến ông Tập.

Phát biểu ngày 30/6, Lật Chiến Thư nhấn mạnh "cần nâng cao nhận thức chính trị, ý thức về đại cục, tổng thể, nhận thức cốt lõi, nâng cao cái nhìn về đảng, cải cách và phát triển ổn định đảng, nâng cao cái nhìn về nội chính, ngoại giao, quốc phòng".

VOA cho hay, Diễn đàn Bắc Kinh - một tài khoản Wechat công cộng ở Trung Quốc - nói rằng ông Lật còn nhắc nhở "kiên quyết duy trì ủng hộ đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi của đảng".

Tuy nhiên, cụm từ này không xuất hiện trong bản toàn văn bài phát biểu dài 12.000 chữ được báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đăng tải sau đó.

Lật Chiến Thư là một trong những nhân vật thân cận nhất với Tập Cận Bình và được truyền thông quốc tế dự đoán sẽ nắm những vị trí cao hơn trong ban lãnh đạo của ông Tập sau cuộc chuyển giao quyền lực tại Đại hội XIX của ĐCSTQ vào mùa thu năm 2017.

Theo VOA, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, ông Tập trên thực tế đã nắm quyền lực chủ yếu trong đảng, chính phủ, quân đội, công an và tư pháp Trung Quốc, nên việc ông có được xác định là "lãnh đạo cốt lõi" hay không cũng không còn quan trọng.

Cho đến nay, Trung Quốc mới xác nhận 3 thế hệ lãnh đạo cốt lõi, gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu BìnhGiang Trạch Dân.

Vì sao danh xưng của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân không còn ý nghĩa với Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Ông Lật Chiến Thư (giữa). (Ảnh: VCG)

Các hãng truyền thông tiếng Hoa tại nước ngoài tin rằng, Lật Chiến Thư là Ủy viên Bộ chính trị đầu tiên tỏ thái độ về "lãnh đạo cốt lõi Tập Cận Bình", và động thái này có liên quan đến "hội nghị" giữa các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc trong kỳ nghỉ tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, diễn ra 1 tháng sau phát biểu của ông.

Hồi đầu năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin một số Bí thư các tỉnh, thành nước này có những tuyên bố tương tự khi khẳng định ủng hộ ông Tập là "cốt lõi". Tuy nhiên, cách nói này vẫn chưa được nêu chính thức trong các văn kiện của ĐCSTQ và "biến mất" sau đó không lâu trên báo chí nước này.

Nhận định về vấn đề "lãnh đạo cốt lõi", một số nhà quan sát tại Bắc Kinh cho rằng, thực chất đây chỉ là một cách gọi và không có ảnh hưởng gì đến thực quyền của ông Tập trong nội bộ Trung Nam Hải.

Lý Đại Đồng, cựu Tổng biên tập tờ "Băng điểm" - phụ san của báo Thanh niên Trung Quốc, nói với VOA rằng, "súng" - tức quyền lực - trong tay ai thì người đó nắm quyền "cốt lõi", bất chấp việc có được xác định vị thế này hay không.

Ông này bình luận: "Gọi (ông Tập là lãnh đạo cốt lõi) thì thế nào? Mà không gọi thì thế nào? Thực ra không có khác biệt... Đặng Tiểu Bình cũng chỉ là đảng viên phổ thông, nhưng ông ta vẫn là 'quyền lực số 1', cũng vẫn là 'cốt lõi'."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại