Một trong những điều đáng lưu ý của thời Tổng thống Donald Trump là thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc đã chuyển biến vô cùng kịch tính.
Vào năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng một Trung Quốc yếu ớt, không thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc mạnh mẽ và (có thể) hung hăng. Ngược lại, chính quyền ông Trump xác định Trung Quốc là nguy cơ dài hạn lớn nhất đối với các lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Mỹ.
Tóm lại, chỉ vài năm trước, Trung Quốc dù bị xem là đối tác "khó nhằn" nhưng vẫn cần thiết, đồng thời có thể hỗ trợ trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Còn bây giờ, họ thường bị mô tả là một thế lực gây bất ổn.
Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ ngày càng dè chừng các ý định của Bắc Kinh. Năm 2016, có 82% người Mỹ xem việc Trung Quốc bồi đắp năng lực quân sự là lo ngại nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Gần đây hơn, số người Mỹ đánh giá Trung Quốc là mối nguy tức thời lớn nhất đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian 2017-2018.
Trong gần 25 năm qua, lưỡng đảng ở Mỹ đồng thuận cần tích cực hợp tác với Trung Quốc. Nhưng giờ đây, sự đồng thuận này đã chuyển sang hướng phải cạnh tranh cứng rắn hơn - bắt nguồn từ việc Trung Quốc trỗi dậy gây ra mối lo ngại cho an ninh quốc gia Mỹ.
Khi ông Tập Cận Bình mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế, ý nghĩ một ngày nào đó Trung Quốc sẽ lật đổ vị thế thống trị của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương (và có thể là trên toàn cầu) ngày càng lan rộng trong giới quan sát chính sách Mỹ.
Người ta không còn tin rằng việc bắt tay với Trung Quốc về mặt kinh tế và ngoại giao có thể thay đổi hành vi cũng như hạn chế tham vọng của nước này. Thật khó để tưởng tượng vào nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, Trung Quốc sẽ bị xem là gì ngoài kẻ thách thức siêu cường bậc nhất mà Mỹ đối mặt trong nhiều thập niên qua.
Một động lực nữa khiến Mỹ thay đổi quan điểm với Trung Quốc: Đe dọa khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ. Nói rõ ra, các nghiệp đoàn luôn ngờ vực chuyện hợp tác với Trung Quốc vì lo ngại ngành sản xuất Mỹ sẽ bị "moi ruột".
Mối hoài nghi này dần trở thành vấn đề chính trị nổi bật, nhất là khi ông Trump nhiều lần nhấn mạnh nó trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình vào năm 2016, trong đó, Trung Quốc bị quy kết mọi trách nhiệm.
Mở rộng hơn, vài năm qua đã chứng minh Trung Quốc không chỉ gây ra vấn đề về việc làm mà đại diện cho một mối nguy kinh tế lớn hơn, thông qua các quy định như bắt buộc chuyển giao công nghệ, cố ý làm suy yếu nền tảng công nghệ - công nghiệp Mỹ và chiến lược "Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025" để lộ tham vọng thống trị nhiều lĩnh vực then chốt.
Dần dần, người Mỹ không còn xem Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho hàng hóa lẫn nợ của Mỹ, thay vào đó là một đối thủ đáng gờm.
Dù vậy, kinh tế là địa hạt có nhiều mâu thuẫn nhất về cách đánh giá Trung Quốc. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn chia làm hai: trong khi nhiều công ty (truyền thông, công nghệ...) chịu đựng nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ, chèn ép, kiểm duyệt và nhiều phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh của Trung Quốc thì số khác vẫn kiếm lời nhờ đặt hệ thống sản xuất ở nước này.
Những mâu thuẫn trên thỉnh thoảng thêm căng thẳng ở một vài lĩnh vực quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, cụ thể là ở thung lũng Silicon - nơi tôn vinh công nghệ thuần túy và thỉnh thoảng bỏ qua yếu tố quốc gia.
Có nhiều ví dụ về tầm quan trọng của việc bắt tay với chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc thống trị ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác trong tương lai.
Nhưng vẫn có những công ty như Google, một mặt từ chối tiếp tục hợp tác với Washington để tăng cường sức mạnh của máy bay không người lái Mỹ bằng AI, mặt khác sẵn lòng bí mật làm việc với Bắc Kinh để tạo ra một công cụ tìm kiếm phù hợp với chế độ kiểm duyệt.
Đây cũng là tầm nhìn ngắn hạn, bởi các công ty Mỹ sẽ là bên thua cuộc nếu Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ, kinh tế và địa chính trị vào thế kỷ tiếp theo. Dĩ nhiên, tầm nhìn như thế cũng làm suy yếu bất cứ chiến lược nào nhằm yêu cầu lĩnh vực tư nhân hỗ trợ tăng cường các năng lực an ninh quốc gia Mỹ.