* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Will Saetren, một nhà nghiên cứu về lĩnh vực chính sách vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ.
---
Mỹ dùng chiến lược từng dành cho Liên Xô để đối trọng Trung Quốc?
Trong thời gian qua, hai nước Mỹ-Trung liên tục xung đột và căng thẳng trong vấn đề thương mại, và tình hình ấy chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.
Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nhằm vào một số mặt hàng của Trung Quốc, nhưng sau đó cuộc chiến thuế quan ngày càng leo thang nhanh chóng, và hiện nay con số các mặt hàng của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao đã lên tới hàng nghìn.
Thậm chí ông Trump còn từng tuyên bố sẽ đánh thuế cao nhằm vào toàn bộ 500 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng 7 vừa qua.
Cuộc chiến không hồi kết giữa hai cường quốc kinh tế này đã khiến toàn bộ hệ thống tài chính thế giới hết sức lo ngại.
Ngân hàng Thế giới (WB) từng đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại có thể làm giao dịch thương mại toàn cầu giảm đến 9%, tương đương với mức giảm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009.
Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ rằng cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào có thể sẽ vượt xa hơn lĩnh vực kinh tế.
Các quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong chiến lược lớn của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược ấy được cho là có nhiều điểm tương đồng với chính sách ngăn chặn Mỹ từng áp dụng với Liên Xô trong thời kì Chiến tranh Lạnh.
Đây có thể là diễn biến rất nguy hiểm và có nguy cơ ảnh hưởng sâu sắc đến ổn định an ninh và chính trị của các bên liên quan.
Chính sách ngăn chặn được đề ra không lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, với mục tiêu nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Xô viết. Chính sách này đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ hoàn toàn của Liên bang Xô viết năm 1991.
Mặc dù chính sách ngăn chặn đã có hiệu quả trong trường hợp của Liên Xô, nhưng nó vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro. Khi bị dồn vào chân tường, đối thủ [của Mỹ] có thể vùng lên và làm tất cả để đạt được mục đích và tránh bị mất mặt. Đó chính xác là điều Liên Xô đã làm, dù họ không đạt được thành công.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev đã cố gắng giành lại thế tương quan về lực lượng với Mỹ bằng cách chuyển tới Cuba các tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Tuy nhiên kế hoạch của ông Khrushchev đã bị Mỹ 'bắt quả tang' trước khi kịp hoàn thành, và sau đó một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện suýt chút nữa đã nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ.
Lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung. Ảnh: Kyodo.
Nước cờ sai lầm của Mỹ
Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô năm xưa.
Kể từ sau khi mở cửa đất nước 40 năm trước, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và trở thành một nền kinh tế năng động. Nếu xét về sức mua tương đương, thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc còn lớn hơn của Mỹ, và nước này hiện đã sẵn sàng trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới.
Hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh gấp đôi nền kinh tế toàn cầu, và đến năm 2028, Trung Quốc có khả năng chiếm lĩnh ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay của Mỹ nếu xét về GDP. Tóm lại, nền kinh tế của Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu suy thoái như kinh tế Liên Xô năm xưa.
Vậy mà chính quyền ông Trump lại chọn đúng chiến lược từng áp dụng với Liên Xô để đối trọng Trung Quốc. Hồi tháng 1 năm nay, trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Mỹ đã tuyên bố Trung Quốc là một trong những đối thủ chiến lược của nước này.
Bên cạnh đó, những động thái xích lại gần hơn với Đài Loan trong thời gian gần đây của Mỹ càng khiến xung đột với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Tháng trước, chính quyền ông Trump vừa thông qua đạo luật gây khó dễ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc trong việc tiếp cận với các sản phẩm công nghệ cao. Shi Yinhong, cố vấn đối ngoại của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, đã gọi động thái này là "chiến lược ngăn chặn công nghệ cao".
Nhân dân Nhật báo cũng đã cáo buộc Mỹ có tham vọng bá chủ toàn cầu, và khẳng định Trung Quốc quyết tâm chiến đấu đến cùng nếu Mỹ muốn gây hấn. Và Trung Quốc không hề đùa. Họ không hề kém cạnh Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế.
Khi áp dụng chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc và coi Bắc Kinh là kẻ thù (không chính thức), chính quyền ông Trump đang đổ thêm dầu vào lửa, khiến căng thẳng giữa hai nước càng leo thang, cùng với đó là rủi ro cuộc "Chiến tranh Lạnh" sẽ vượt quá tầm kiểm soát và trở thành "Chiến tranh Nóng".
Mặc dù hai nước Mỹ-Trung có mối quan hệ phụ thuộc để cùng phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là chiến tranh không thể nổ ra giữa hai cường quốc này. Lịch sử đã cho thấy khi một (hoặc cả hai) bên bị đè nén quá mức, thì những xung đột âm ỉ hoàn toàn có thể bùng nổ thành một cuộc chiến lớn.