Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trúng cử đại biểu tỉnh Quý Châu tại Đại hội ĐCSTQ khóa XIX hồi tháng 4 vừa qua, thì mới đây Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI Vương Kỳ Sơn cũng trúng cử vị trí đại biểu của tỉnh Hồ Nam.
Theo đó, Hội nghị đại biểu ĐCSTQ tỉnh Hồ Nam (15-16/5) đã bầu ra 64 đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của đảng, dự kiến tổ chức vào mùa thu năm nay. Vương Kỳ Sơn cũng nằm trong danh sách trúng cử này.
Giới chuyên gia nhận định, động thái trên càng chứng tỏ nhiều khả năng "nhân vật quyền lực số hai" Trung Quốc sẽ tiếp tục liên nhiệm sau Đại hội XIX.
Tuy nhiên, Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948, hiện nay đã 69 tuổi, độ tuổi về hưu theo quy tắc "7 lên 8 xuống" thường thấy của ĐCSTQ. Do đó, dù dư luận thảo luận sôi nổi nhưng vì Bắc Kinh luôn giữ thái độ "im lặng" trước thông tin trên nên sự đi hay ở của ông đến nay vẫn là một nghi vấn lớn.
Vương Kỳ Sơn luôn là một trong những nhân vật thu hút sự chú ý của dư luận truyền thông trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Ảnh: Sina
Vương Kỳ Sơn khó về hưu?
Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm khác, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
Thực tế, thông tin về vấn đề liên nhiệm của Vương bắt đầu dấy lên từ vài năm trở lại đây. Hồi tháng 2/2015, tờ Sohu (Trung Quốc) từng dẫn lời Vương Kỳ Sơn tiết lộ, ông có thể đã về hưu nếu không vì nhiệm vụ chống tham nhũng. Thông tin này sau đó đã bị báo Trung Quốc xóa bỏ.
Đến tháng 10/2016, vấn đề lại được bàn luận sôi nổi hơn trước phát biểu của Cục trưởng Cục Điều tra nghiên cứu Văn phòng trung ương Đặng Mậu Sinh. Đặng Mậu Sinh là một thành viên trong nhóm soạn thảo văn kiện cho các hội nghị trung ương khóa XVIII.
Sau Hội nghị trung ương VI Khóa XVIII đảng cộng sản Trung Quốc (24 - 27/10), trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề Ủy ban thường vụ Bộ chính trị sẽ có thành viên hơn 68 tuổi, Đặng Mậu Sinh cho biết, tuổi nghỉ hưu của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không mang tính áp đặt.
Đồng thời khẳng định, nội bộ ĐCSTQ không tồn tại quy tắc "7 lên 8 xuống". Đây chỉ là "cách nói dân gian" và "không đáng tin cậy", việc bổ nhiệm nhân sự sẽ dựa theo tình hình thực tế mà xử lý linh hoạt.
Ngoài ra, ông này cũng tiết lộ, theo điều lệ của ĐCSTQ, Ủy viên Bộ Chính trị không thể vượt quá ba khóa nhưng Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị thì có thể liên nhiệm ba khóa.
Hiện nay, chống tham nhũng là chiến dịch then chốt trong nhiệm kỳ đầu của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Kể từ năm 2012, Vương Kỳ Sơn được coi là cộng sự ăn ý của ông Tập trong các chiến dịch liên quan đến chống tham nhũng.
Vai trò của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương CCDI cũng được nâng cao dưới sự quản lý của nhân vật quyền lực số hai này.
Một số ý kiến cho rằng, muốn thuận lợi bước tiếp, ông Tập Cận Bình cần một đội ngũ thân tín tài giỏi. Bởi hiện nay, tình hình chống tham nhũng dù đã ổn định nhưng cơ chế chống tham nhũng vẫn chưa được xác lập chắc chắn, mạo hiểm chính trị vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn.
Có ý kiến khác nhận định, từ sau Hội nghị trung ương 6, làn sóng chống tham nhũng vẫn tiếp tục duy trì mạnh mẽ trên chính trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, "tướng tài" trong cuộc chiến chống tham nhũng như Vương Kỳ Sơn có lẽ sẽ vẫn là trợ thủ đắc lực trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Điều đó, đồng nghĩa với việc, người đứng đầu Trung Nam Hải sẽ có những động thái phá bỏ "quy tắc ngầm" để giúp cấp dưới tiếp tục giữ vững vị trí trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao.