Tập Cận Bình đạt thỏa thuận lịch sử, mở toang "cánh cửa" cho 2 nhân vật quyền lực nhất TQ

Lưu Bình - Thủy Thu |

Vương Kỳ Sơn ủng hộ xác lập "lãnh đạo hạt nhân" Tập Cận Bình, đổi lại ông Tập phá quy tắc "7 lên 8 xuống" để giữ Vương ở lại ban lãnh đạo Trung Quốc, học giả người Hoa nhận định.

Phủ định quy tắc bất thành văn

Tại Hội nghị trung ương VI Khóa XVIII đảng cộng sản Trung Quốc (24 - 27/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" thế hệ thứ tư.

Điều đặc biệt, ngay sau hội nghị, một thành viên nhóm soạn thảo văn kiện cho các hội nghị trung ương khóa XVIII đã tiết lộ thêm về quy tắc ngầm "7 lên 8 xuống" được cho là đang tồn tại trên chính trường Trung Quốc.

Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".

Cụ thể, Financial Times (Anh) dẫn nguồn truyền thông Hồng Kông cho biết, tại cuộc họp báo hôm 31/10, Cục trưởng Cục Điều tra nghiên cứu Văn phòng trung ương Đặng Mậu Sinh đã trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề Ủy ban thường vụ Bộ chính trị sẽ có thành viên hơn 68 tuổi.

Đặng cho biết, tuổi nghỉ hưu của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc không mang tính áp đặt.

Đồng thời, ông cho biết, nội bộ ĐCSTQ không tồn tại quy tắc "7 lên 8 xuống". Đây chỉ là "cách nói dân gian" và "không đáng tin cậy", việc bổ nhiệm nhân sự sẽ dựa theo tình hình thực tế mà xử lý linh hoạt.

"Thỏa thuận" giúp Vương Kỳ Sơn liên nhiệm?

Theo giới quan sát, động thái trên được cho là bước "mở đường" giúp Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn tiếp tục liên nhiệm sau Đại hội XIX diễn ra vào năm 2017.

Ngoài ra, Đặng Mậu Sinh cũng cho rằng, theo điều lệ của ĐCSTQ, Ủy viên Bộ Chính trị không thể vượt quá ba khóa nhưng Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị thì có thể liên nhiệm ba khóa.

Giới phân tích cho hay, quy tắc ngầm "7 lên 8 xuống" bắt đầu được thực thi từ Đại hội khóa XVI (2002) và tuổi "nghỉ hưu" của các cán bộ cấp cao đều là 70 tuổi.

Tập Cận Bình đạt thỏa thuận lịch sử, mở toang cánh cửa cho 2 nhân vật quyền lực nhất TQ - Ảnh 2.

Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn - nhân vật gây chú ý nhất sau Hội nghị trung ương VI (24-27/10)

Trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc hiện nay, chỉ có Tổng bí thư Tập Cận Bình (sinh năm 1953) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (1955) còn đủ điều kiện trong độ tuổi tham gia Bộ chính trị khóa tới theo "quy tắc ngầm".

Còn lại, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trương Đức Giang (1946), Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh (1945), Bí thư Ban bí thư Lưu Vân Sơn (1947), Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn (1948) và Phó thủ tướng thường trực Trương Cao Lệ (1946) đều đến tuổi "nghỉ hưu".

Trong 5 ủy viên được cho là đến tuổi "về hưu" vào năm tới, ông Vương Kỳ Sơn tuy ít tuổi nhất nhưng cũng bước sang tuổi 69.

Nếu dựa theo quy tắc "7 lên 8 xuống", Vương sẽ phải về hưu sau Đại hội 19 nhưng nếu quy tắc này bị phá bỏ, ông có thể sẽ tiếp tục liên nhiệm.

Một số ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, quy tắc "bảy lên tám xuống" chưa thể hiện rõ ràng.

Ông Phùng Sùng Nghĩa - Giáo sư Trung Quốc học, Học viện nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Sydney (Australia) cho biết, thái độ rõ ràng của ĐCSTQ lần này chủ yếu nhằm chuẩn bị cho Vương Kỳ Sơn liên nhiệm sau Đại hội XIX.

"Hội nghị trung ương 6 đã xác lập 'hạt nhân Tập Cận Bình', ở một mức độ nào đó có thể được hiểu giữa Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đạt được thỏa thuận.

Vương Kỳ Sơn và thân tín của Vương đã ủng hộ xác lập 'lãnh đạo hạt nhân' Tập Cận Bình, ngược lại ông Tập sẽ phá bỏ quy tắc ngầm '7 lên 8 xuống' nhằm giúp Vương không phải về hưu", Phùng Sùng Nghĩa cho biết thêm.

Tập Cận Bình nắm quyền đến sau Đại hội XX?

Truyền thông Hồng Kông nhận định, với việc Trung Nam Hải phủ định sự tồn tại của cái gọi là quy tắc "7 lên 8 xuống", thành viên nào trong 7 Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị sẽ nghỉ hưu vào năm 2017 hiện vẫn chưa có kết luận.

Đáng chú ý, điều này càng làm dấy lên những phỏng đoán về việc Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục liên nhiệm đến Đại hội XX (năm 2022).

Phùng Sùng Nghĩa đánh giá, nhằm chuẩn bị cho việc liên nhiệm, nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên phải phá vỡ quy tắc " bảy lên tám xuống" và các quy định hạn chế nhiệm kỳ lãnh đạo trong nội bộ đảng. Từ đó, tạo ra một bước đột phá, làm bước đệm cho kế hoạch của mình.

"Nếu như Tập Cận Bình không có cách nào phá bỏ thành công quy tắc '7 lên 8 xuống' thì ông ấy cần phải hủy bỏ quy tắc hai nhiệm kỳ của Tổng bí thư. Điều này còn khó khăn hơn nhiều so với việc xóa bỏ quy tắc bất thành văn trên", Phùng nhấn mạnh.

Chỉ cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi, quy tắc "7 lên 8 xuống" bất cứ khi nào cũng có thể được phá bỏ và vấn đề Vương Kỳ Sơn liên nhiệm sẽ được dễ dàng giải quyết.

Thanh Đảo nhật báo (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia bình luận chính trị Chương Lập Phàm cho biết, quy tắc "bảy lên tám xuống" bị phá bỏ, có thể là hành động mở đường cho một số nhà lãnh đạo khác tiếp tục liên nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại