Trung-Ấn có thể lấy lại niềm tin đổ vỡ khi những căng thẳng biên giới vẫn còn tiếp diễn?

Việt Hương |

Ngoại trưởng Vương Nghị - quan chức Trung Quốc cấp cao đầu tiên đã tới thăm Ấn Độ nhằm giải quyết những khúc mắc sau cuộc đối đầu biên giới trong mùa hè vừa qua.

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có các cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj sau khi đến New Delhi tham dự hội nghị ngoại trưởng ba nước Nga - Ấn – Trung (RIC) lần thứ 15.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc kể từ khi hai nước cùng tăng cường lực lượng quân đội đối đầu trên cao nguyên Doklam nằm gần tam giác biên giới Ấn Độ - Bhutan – Trung Quốc ở dãy Himalayas kéo dài hơn 10 tuần vào mùa hè vừa qua.

Bà Swaraj nói sau cuộc gặp: “Ngoại trưởng Vương Nghị và tôi đều cho rằng chúng tôi nên thắt chặt sự tin tưởng hơn nữa để có thể tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên. Và những cuộc gặp thêm ngoài lề Hội nghị sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn”.

Ông Vương Nghị nói tại một cuộc họp báo rằng, hai bên đã đồng ý về việc cần phải tìm những giải pháp chính trị để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Ông nói: “Chúng tôi tôn trọng việc trao đổi và tham vấn giữa các bên liên quan… và phản đối việc sử dụng vũ lực”.

Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (Hồng Kông) dẫn The Times of India cho biết, Trung Quốc hiện nay có khoảng 1.600 – 1.800 binh lính, cũng như nhiều khu căn cứ và hai sân bay trực thăng ở khu vực Doklam. Truyền thông Ấn Độ đã làm dấy lên căng thẳng khi tiết lộ, Trung Quốc có khả năng xây dựng một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở khu vực tranh chấp.

Trong khi đó, tuần trước Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ xâm phạm không phận nước này sau khi một máy bay không người lái của Ấn rơi trong lãnh thổ Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, ông Vương và bà Swaraj đã không có bất cứ đột phá nào trong những vấn đề song phương thì cuộc gặp hôm 11/12 vừa qua chứng minh tầm quan trọng nhất định.

Wang Dehua, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói rằng, chuyến thăm cho thấy hai cường quốc châu Á ít nhất đã cố gắng đặt những vấn đề xung đột biên giới sang một bên và thiết lập lại mối quan hệ.

Ông nói: “Đó là một động thái mang tính biểu trưng cao, cho thấy hai quốc gia láng giềng này có thể gạt sang một bên những tranh chấp biên giới, cái bóng đen suốt lịch sử quan hệ Trung - Ấn, và hạn chế sự thù địch và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Ít nhất, tôi nghĩ quan hệ song phương đang đi đúng hướng”.

Tuy nhiên, Mohan Guruswamy, người đứng đầu Trung tâm Chính sách thay thế - một tổ chức tư vấn chính sách của Ấn Độ, cho biết ông không đặt quá nhiều hy vọng vào một giải pháp sớm cho vấn đề tranh chấp biên giới khi vẫn tồn tại những nghi ngờ lẫn nhau của cả hai bên và những phản đối từ dư luận.

Ông nói: “Ấn Độ và Trung Quốc sẽ luôn là đối thủ của nhau. Nhưng sự ganh đua này không phải là hận thù. Bạn bè có thể cũng là đối thủ. Điều quan trọng là tiếp tục nỗ lực để tình hình tốt hơn. Việc chiến đấu tranh giành một vùng đất hẻo lánh hoang vu thật không đáng”.

Rajeswari Rajagopalan, thành viên của Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại Delhi, cho rằng những cuộc gặp này khó có thể mang lại những thay đổi của vấn đề. “Nhưng cả hai bên đang cho thấy mong muốn vượt qua những mâu thuẫn gần đây và ổn định lại mối quan hệ”, bà nói.

Ông Vương và bà Swaraj cũng thảo luận về những bất đồng khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bao gồm việc Trung Quốc nhiều lần bác bỏ đề xuất của Ấn Độ đưa thủ lĩnh Masood Azhar của nhóm phiến quân có căn cứ tại Pakistan vào danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng RIC, ba ngoại trưởng đã cùng thảo luận về nhiều vấn đề lo ngại chung, bao gồm khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể diễn biến nguy hiểm hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại