Căng thẳng đã dâng cao trong suốt mùa hè khi 2 cường quốc đông dân nhất thế giới triển khai quân đội và đối đầu với nhau sau khi Trung Quốc dự định xây một con đường ở khu vực tranh chấp giữa nước này và Bhutan. Cuộc đối đầu đã kết thúc vào tháng 9, chóng vánh như khi bắt đầu.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Sputnik, một nhóm quân của Trung Quốc vẫn ở lại khu vực biên giới, cách nơi lực lượng quân đội Trung Quốc PLA vạch ranh giới chưa đầy 300m. Có thể sự hiện diện của quân đội Trung Quốc sẽ không gây ra một cuộc đối đầu khác mặc dù nhiều khả năng, các binh lính này ở lại để hỗ trợ công tác xây đường.
"Căn cứ của PLA không xa khu vực xảy ra đối đầu là mấy", chuyên gia quân sự Zhou Chenming nhận định với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, "Binh lính thường là có những nhiệm vụ phải làm trong khu vực, xây đường chẳng hạn. Thế nên đó có thể là việc họ làm trước khi tuyết rơi".
Một tuần sau khi vụ đối đầu kết thúc, bên lề hội nghị BRICS ở Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi về vụ việc suốt 1 giờ đồng hồ. Cả hai lãnh đạo đều cam kết sẽ nỗ lực đảm bảo những vụ việc tương tự như Doklam không tái diễn.
Thỏa thuận mà hai bên đạt được là: Bắc Kinh phải chấm dứt xây đường và rút quân.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, Financial Times của Ấn Độ đưa tin: Binh lính Trung Quốc vẫn ở trong doanh trại và các công sự tạm, chỉ cách khu vực tranh chấp hơn 100m.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về vấn đề. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói: "Chẳng có tranh chấp nào cả. Lực lượng biên phòng Trung Quốc đang tuần tra khu vực, thực thi quyền chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ".
Trong khi đó, New Delhi nói: Không có gì sai sót xảy ra. "Chúng tôi đã xem các báo cáo gần đây về Doklam", phát ngôn viên Bộ Ngoại vụ Ấn Độ Raveesh Kumar nói, "Chẳng có diễn biến mới nào ở khu vực tranh chấp kể từ khi hai bên đạt thỏa thuận hôm 28/8. Hiện trạng được bảo lưu ở khu vực này. Tất cả những thông tin trái ngược đều không đúng".