1. Chưa đầy 12 tiếng trước giờ bóng lăn trên sân Thường Thục ở trận đấu quyết định chiếc vé đi lịch sử đưa U23 Việt Nam vào vòng tứ kết U23 châu Á, ông bầu HAGL đã lên tiếng khen HLV Park Hang-seo, nhưng đằng sau lời khen ấy, người ta nhanh chóng đọc ra bài "dìm hàng" cựu HLV của đội tuyển U23 Việt Nam - Miura.
Ông Đức nhận xét: "Thắng thua là chuyện bình thường, quan trọng là lối đá. Nhìn lối chơi là biết có tài hay không. Không giống như ông Miura, ông Park có đẳng cấp World Cup, vì từng làm trợ lý ở đội bóng vào bán kết World Cup, cả châu Á chưa có mấy ai được như thế".
Bầu Đức có thể nói không sai về HLV Park Hang-seo, người mà ông từng tham gia đưa về ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng, nhưng đem HLV Miura ra so sánh, có vẻ ông đã đi quá giới hạn, và quan trọng hơn là nó cho thấy sự cay cú ở một người mà với cương vị của mình không nên để cảm nhận chủ quan chi phối đến nhường ấy.
Hôm nay, đích thực U23 của HLV Park Hang-seo đã tạo nên kỳ tích, một kỳ tích thực sự, nhưng gần 4 năm trước, ở ASIAD 2014, HLV Miura cũng đã từng tạo nên kỳ tích với ngôi đầu bảng, đưa Olympic Việt Nam vào đến tứ kết. Hãy nhớ, ngày ấy trong tay HLV người Nhật không có lứa U19 HAGL, cũng như lứa U20 từng dự World Cup như hôm nay.
Trong kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang-seo, dĩ nhiên đóng góp của HLV người Hàn Quốc là lớn nhất, nhưng không thể phủ nhận rằng HLV Hoàng Anh Tuấn đã để lại cho bóng đá Việt Nam một lứa U20 cực kỳ xuất sắc, với sự lĩnh hội sâu sắc triết lý bóng đá và lối chơi hiện đại, khoa học và kinh nghiệm chinh chiến dày dặn từ HLV người thầy gốc Khánh Hòa.
Trước khi khen HLV Park Hang-seo, bầu Đức cũng đã từng hết lời chê bai HLV Hoàng Anh Tuấn, cũng như không tiếc lời "dìm" HLV có trình độ và bằng cấp cao nhất Việt Nam trước HLV Hữu Thắng - người được ông chủ của HAGL lựa chọn vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG và U23 Việt Nam.
Trình độ và sự đóng góp cho bóng đá Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn là điều không ai có thể phủ nhận.
Thành công của HLV Hoàng Anh Tuấn và thất bại của Hữu Thắng, chắc hẳn chẳng ai còn lạ lẫm. Và nếu để so sánh với HLV Miura hay Park Hang-seo, Hữu Thắng lọt thỏm ở giữa, là đại diện cho sự xấu hổ của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực, chứ đừng nói đến việc vươn ra châu lục.
Bầu Đức say đắm bóng đá đẹp. Cổ động viên Việt Nam hẳn cũng yêu bóng đá đẹp. Nhưng đẹp mà không hiệu quả thì "cạp đất mà ăn". U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo ở VCK U23 châu Á đang diễn ra có đá đẹp hay không? Dĩ nhiên là không. Nhưng họ thành công.
Ông Đức có yêu bóng đá Việt Nam, có trong mình khát vọng cháy bỏng đưa bóng đá Việt Nam lên tầm châu lục hay không? Hẳn nhiên là có. Nhưng hãy nhớ, ông là một ông bầu, là ông chủ, là cổ động viên lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng tuyệt đối không phải là một nhà chuyên môn.
Sự lựa chọn mang tên Hữu Thắng của bầu Đức khiến bóng đá Việt Nam "lùi lại" mất 2 năm.
Bầu Đức có thể yêu mến, có thể khen ngợi, có thể vỡ òa cùng thành công của đội tuyển, nhưng hoạch định chiến lược, chuyên môn, xin hãy để cho những người tài năng hơn ông ở lĩnh vực chuyên sâu của họ, như HLV Miura, nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn và như HLV Park Hang-seo.
Lần cuối cùng bầu Đức chọn cho bóng đá Việt Nam một HLV đồng quan điểm với ông về lối chơi, đường đi cho bóng đá Việt Nam - HLV Hữu Thắng, bóng đá Việt Nam phải chịu 2 năm liền bết bát đến thảm thương.
2. Kỳ tích trên đấu trường châu Á này cần rất nhiều đóng góp của các cầu thủ HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn hay Văn Thanh, nhưng họ thành công trong một tập thể với lối chơi khác hẳn những gì HAGL của bầu Đức chọn, khác hẳn với lối chơi mà Hữu Thắng từng chọn.
Ở đó, sự chắc chắn, tuân thủ chiến thuật của các cầu thủ thuộc lứa U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn làm bàn đạp cho các cầu thủ HAGL phô diễn được kỹ năng, tư duy của mình, và sự thành công của ông Park Hang-seo còn nằm ở chỗ kết hợp được nhuần nhuyễn giữa hai lứa cầu thủ tưởng chừng như chơi hai lối bóng đá khác biệt.
Bầu Đức ích kỷ, chẳng phải chỉ từ những phát biểu chĩa mũi dùi từng hướng về HLV Miura hay Hoàng Anh Tuấn. Hãy nhớ, những Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh... thành công "vượt tuổi" như ngày hôm nay một phần là do họ được chơi trong một đội bóng mạnh như CLB Hà Nội.
Ở đó, họ được chơi bóng cạnh những "đàn anh" xuất sắc như Văn Quyết, Thành Lương hay Hoàng Vũ Samson... Sự chỉ bảo, đồng thời là tính cạnh tranh đã khiến những cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh hơn bằng sự va chạm đậm chất bóng đá chuyên nghiệp.
Ở phía bên kia, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... còn phải "kéo" các đồng đội U19 của mình trong một đội bóng luôn ngấp nghé ở bờ vực trụ hạng, hay ngồi dự bị gần như suốt cả mùa bóng ở xứ Hàn, xứ Nhật.
Chẳng phải chấn thương đang lấy đi những ngày tháng đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Tuấn Anh, một phần nguyên nhân là do mật độ thi đấu dày đặc ở mùa bóng phải căng mình ra giúp HAGL trụ hạng tại V-League.
Không ai có thể phủ nhận tình yêu bóng đá của bầu Đức. Không ai có thể phủ nhận đóng góp của ông với bóng đá nước nhà, cũng như đóng góp vào kỳ tích mà U23 Việt Nam vừa tạo nên trên đất Trung Quốc, nhưng hãy để người hâm mộ nhớ về ông như một người đứng sau những thành công của "tụi trẻ", đừng can thiệp quá sâu vào chuyên môn.
Và một điều chẳng kém phần quan trọng, xin ông đừng vì thỏa mãn bản thân mà thiếu kiềm chế ở những phát biểu của mình, dù là trên cương vị nào đi nữa, khiến những người làm chuyên môn đã, đang và sẽ giúp bóng đá Việt Nam tiến lên phải "ngậm đắng nuốt cay", đừng để các cầu thủ trẻ phải nằm giữa "làn đạn" của những người "rất lớn" mà mình yêu quý, nể trọng.
Vòng bảng U23 châu Á 2018: U23 Việt Nam 0-0 U23 Syria