Trồng 1 cây có 3 tác dụng: Đuổi muỗi, lọc khí độc, dùng làm thuốc quý khi cần

Ngọc Minh |

Hãy cùng khám phá tác dụng tuyệt vời của loại cây cực quen thuộc này.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), hoa cúc là loại hoa không xa lạ với người Việt. Hoa cúc được trồng làm cảnh hoặc cắm trưng trong nhà. Theo phong thủy, hoa cúc tượng trưng cho phẩm chất cao đẹp, trường thọ, phúc lộc và niềm an vui. Ngoài những ý nghĩa tốt lành, hoa cúc còn có tác dụng đuổi muỗi, lọc khí độc và được dùng như một vị thuốc quý để điều trị bệnh. 

Hoa cúc - "Dũng sĩ" đuổi muỗi

Hương thơm của hoa cúc có chứa pyrethrum giúp xua đuổi côn trùng, đặc biệt là muỗi. Từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là khoảng thời gian muỗi sinh sôi mạnh nhất ở Việt Nam. Muỗi có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người trong đó có sốt xuất huyết, sốt rét… Do vậy, hãy trồng một vài chậu hoa cúc trong nhà để xua đuổi muỗi. Khi trồng cần lưu ý, cúc là loại cây ưa ánh sáng nên đặt chậu cúc ở ở vị trí gần cửa sổ.

Ngoài hoa cúc, một số loại cây cảnh khác có các dụng đuổi muỗi được bác sĩ Vũ nhắc tới là:

- Nhất mạt hương (sen đá thơm): Cây có chứa hàm lượng cineol rất cao giúp đuổi muỗi rất tốt.

- Oải hương: Có chứa tinh dầu có tác dụng đuổi ruồi và muỗi. Tinh dầu hoa oải hương bôi lên da có thể tránh muỗi.

- Hương thảo: Có thể đuổi muỗi và một số loài côn trùng gây hại. Mọi người có thể đặt chậu cây hương thảo trong nhà, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp hoặc ngoài sân vườn, dọc hàng rào. Lưu ý, nên đặt cây hương thảo ở đầu hướng gió để có tác dụng đuổi muỗi và côn trùng hiệu quả nhất. 


Trồng 1 cây có 3 tác dụng: Đuổi muỗi, lọc khí độc, dùng làm thuốc quý khi cần- Ảnh 1.

Trồng hoa cúc giúp đuổi muỗi và dùng làm thuốc khi cần (Ảnh minh họa)

Hoa cúc - "Máy" lọc khí độc

Bác sĩ Vũ cho biết, trồng hoa cúc trong nhà còn giúp lọc bỏ các độc tố có trong nhà như amoniac, benzen.

Hoa cúc - Vị thuốc quý

Trong y học cổ truyền, hoa cúc còn là vị thuốc tuyệt vời với nhiều công dụng. Hoa cúc có nhiều loại khác nhau, nhưng hai loại được dùng làm thuốc nhiều nhất là cúc hoa vàng và cúc hoa trắng.

Bác sĩ Vũ cho hay, cúc hoa trắng có tác dụng tán phong thanh nhiệt, bình can, minh mục (sáng mắt). Cúc hoa vàng vị đắng cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, minh mục, hạ áp.

Cả hai loại hoa cúc thường được sử dụng để chữa các chứng cảm lạnh, sốt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống hoa cúc lâu ngày giúp lợi huyết, có tác dụng tới nội tiết giúp trẻ lâu.

Y học hiện đại đã chứng minh hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp, chữa cảm phong hàn, tác dụng chống viêm kháng khuẩn, tăng cường thị lực và tác dụng an thần.

Trồng 1 cây có 3 tác dụng: Đuổi muỗi, lọc khí độc, dùng làm thuốc quý khi cần- Ảnh 2.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ.

Bài thuốc từ hoa cúc

- Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Bạch cúc 10g, hoa hòe 8g, lạc nhân (đậu phộng) 3g. Sắc uống ngày một thang, uống trong 10 ngày liền.

- Chữa hoa mắt chóng mặt: Bạch cúc, hoa thiên lý mỗi vị 10g, ngải cứu 12g; rau má, lá đinh lăng mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống liền 5 ngày.

- Chữa đau đầu: Bạch cúc 9g, hoa nhài 3g, rau má 10g, cúc bách nhật 5g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, uống liền 3-5 ngày.

- Chữa cảm mạo phong nhiệt: Kim cúc 20g, củ sắn dây 15g, lá dâu tằm 10g, rễ cây lau 8g; bạc hà, cam thảo mỗi vị 5g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần.

- Chữa ho gà: Hoa cúc vạn thọ 15g, đường phèn 10g. Sắc lấy 150ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3-5 ngày.

Bác sĩ Vũ lưu ý, những người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy không nên dùng hoa cúc. Ngoài ra, phụ nữ có thai, người tiêu chảy mất nước nặng, người có tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh cũng không nên dùng hoa cúc… Đặc biệt, hoa cúc các loại đều kỵ dùng chung với Bạch truật và Địa cốt bì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại