Trời nồm ẩm, chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào để phòng bệnh hô hấp?

TN |

Trời nồm, lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh?

Trời nồm ẩm, chăm sóc trẻ sơ sinh thế nào để phòng bệnh hô hấp? - Ảnh 1.

Bệnh nhi nhập viện do bệnh về hô hấp. Ảnh: BV

Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương, trời nồm, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, thường gặp, dễ điều trị nhưng dễ tái phát, vì vậy các bậc phụ huynh cần có kiến thức đúng đắn để chăm sóc trẻ, nhất là trẻ sơ sinh.

Theo đó, đường hô hấp trên bao gồm: Mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản; là cơ quan đầu trên đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên. Ban đầu có thể trẻ bị cảm lạnh sau đó có thể viêm mũi họng, viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa ….

Nguyên nhân của viêm đường hô hấp thường do các yếu tố như:

Do virus Rhino, Corona, Adeno,virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV…

Do vi khuẩn thường gặp là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm… Nhất là ở môi trường nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), vệ sinh kém… dễ khiến trẻ mắc bệnh.

Các bệnh này thường xuất hiện theo mùa, khi thời tiết lạnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa đông - xuân. Với các trẻ ở độ tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, nhất là trẻ dưới 1 tuổi; nhất là với các trẻ non yếu (trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, trẻ có suy giảm miễn dịch như: mắc bệnh HIV, điều trị corticoit kéo dài…)

Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng của viêm đường hô hấp trên chủ yếu là: Sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ có một trong các triệu chứng sau cần báo cho bác sĩ hoặc cho trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời: Trẻ không uống được hoặc bỏ bú; các dấu hiệu của trẻ nặng hơn, trẻ khó thở, thở nhanh hơn (trên 50 lần/1 phút), rút lõm lồng ngực… là những biểu hiện của viêm phổi một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên; trẻ sốt cao liên tục 3-5 ngày…

Theo đó, với các bệnh viêm đường hô hấp trên, cha mẹ cần chú ý các biện pháp dự phòng. Cụ thể:

- Các bệnh viêm đường hô hấp trên thường lây lan nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với những người có triệu chứng bệnh; tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc…

- Tránh cho trẻ nằm phòng điều hòa quá lạnh, tránh cho trẻ sinh hoạt ngoài trời lâu đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.

- Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ vào mùa đông là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại phòng bệnh rất hiệu quả.

- Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, duy trì môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người.

- Đặc biệt, cha mẹ cần giữ vệ sinh và bảo quản sữa mẹ, tránh nhiễm khuẩn khi cho trẻ bú…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại