Tổn thương gan thận do dùng thuốc
TS.BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng phòng khám Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay trong quá trình khám bệnh bác sĩ cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị suy gan thận do dùng thuốc hạ sốt quá liều. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân có chỉ định phải ghép gan.
Đa phần các trường hợp bệnh nhi bị suy gan còn suy thận thường là tiến triển bệnh của suy gan.
Ttrường hợp bị suy thận mãn tính do thuốc hạ sốt Paracetamol thường ở người lớn. Và thường gặp ở người có bệnh khớp, đau nhức thường xuyên dùng Paracetamol để giảm đau. Khi uống Paracetamol lâu dài gây ra suy thận
Theo bác sĩ Luân, hiện nay, trên thị trường có 3 loại thuốc hạ sốt chính: Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin.
- Thuốc Aspirin: Khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye (hội chứng gây tổn thương não và gan cấp tính) khi trẻ sốt siêu vi. Hội chứng Reye có thể gây ra tổn thương gan và não cùng một lúc và gây tử vong.
Dùng thuốc hạ sốt không đúng cách có thể gây hỏng gan, thận cho trẻ.
- Paracetamol là dòng thuốc được dùng khá phổ biến cho trẻ nhỏ. Nhưng nếu dùng quá liều nó có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng cho gan: suy gan, ngộ độc gan.
Nếu trong lần sử dụng thuốc đầu tiên khi trẻ sốt dùng liều quá cao (liều tiêu chuẩn cho trẻ 10-15mg/kg cân nặng) có thể khiến trẻ hạ nhiệt độ nhanh và dẫn tới ngộ độc thuốc.
Trẻ sau khi uống quá liều sẽ xuất hiện các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn…
"Trẻ tiếp tục được uống thuốc quá liều sẽ dẫn tới các triệu chứng của viêm gan như vàng dan, hôn mê… Diễn biến bệnh của trẻ nặng sẽ dẫn tới suy thận, viêm cơ tim, suy tim", bác sĩ Luân nói.
Ibuprofen: Hạ sốt, thuốc ít gây tổn thương gan hơn so với paracetamol. Thuốc hạ sốt Ibuprofen không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; Ibuprofen không được dùng trong cách trường hợp: trẻ sốt cao nghi ngờ do sốt xuất huyết gây ra rối loại đông máu, giảm tiểu cầu
Bác sĩ Luân cảnh báo, trẻ bị tổn thương gan, tổn thương thận ngoài việc dùng quá liều thuốc hạ sốt còn rơi vào một số trường hợp trẻ đã có bệnh lý, gan thận, tim mạch có sẵn…
Hoặc trường hợp cha mẹ dùng một số loại thuốc hạ sốt bằng Đông y không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc này có thể được trộn thêm thành phần dược tây y vào giúp hạ sốt nhanh dẫn tới tình trạng quá liều và ngộ độc.
Theo một số chuyên gia nhi khoa, tình trạng tùy tiện dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ tăng cường thể lực không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng khiến cho lá gan của trẻ nhỏ hỏng nhanh hơn.
Bảo vệ gan, thận cho trẻ bằng cách
Bác sĩ Luân cho biết, khi trẻ bị sốt phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng cần phải biết cách sử dụng đúng:
- Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ. Trong trường hợp trẻ sốt 38,5 độ nếu trẻ chơi, ăn uống bình thường cha mẹ có thể theo dõi thêm trước khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
Với trẻ sốt 38,5 độ nhưng có bứt dứt khó chịu hoặc có bệnh lý đi kèm (ho, tiêu chảy, viêm phổi…) thì phải dùng thuốc hạ sốt sớm hơn.
- Uống đúng liều lượng với thuốc Paracetamol từ 10-15mg/kg cân nặng, một liều cách nhau từ 4-6 tiếng; Ibuprofen liều dùng 10mg/kg cân nặng, liều cách nhau từ 8-10 giờ. Chỉ dùng Ibuprofen khi biết nguyên nhân sốt của trẻ
- Không nên sử dụng kết hợp 2 loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Cha mẹ cần biết thêm thuốc hạ sốt có nhiều dạng: viêm nén, dạng dán, đút hậu môn… chỉ dùng duy nhất 1 dạng vì tác dụng tương đương nhau.