Trao cho đồng minh 2 sự lựa chọn, ông Trump chờ hái "quả ngọt" về thỏa thuận Iran

An Sơn |

Nhà Trắng khéo léo lôi kéo sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu trong vấn đề hạt nhân Iran, những nước ban đầu chống lại bất cứ điều gì có thể dẫn đến căng thẳng quan hệ với Tehran.

Kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào cuối tuần qua, Anh và Đức đã trở nên quyết đoán hơn trong việc chỉ trích Iran.

Trong khi vẫn cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân này, London và Berlin đã chắc chắn hơn về sự can thiệp của Iran trong các sự vụ ở Trung Đông. Hai nước cho rằng cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hợp tác ngăn "hoạt động làm mất ổn định khu vực" của Iran và tìm cách giải quyết những lo ngại về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. 

Nói cách khác, Anh và Đức đang ủng hộ cho mục tiêu của tổng thống Trump nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Ông Abdulrahman Al-Rashed, cựu tổng giám đốc hãng Al Arabiya và cựu tổng biên tập tờ Asharq Al-Awsat (Anh), khẳng định vấn đề không nằm ở thỏa thuận hạt nhân, mà là ở chính các cuộc chiến trong khu vực mà Iran đang có sức ảnh hưởng lớn. 

Mỹ không muốn vai trò và tầm ảnh hưởng của Tehran mở rộng trong các chiến sự ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen - như là một phần thưởng cho việc Iran giảm trữ lượng uranium làm giàu của mình theo thỏa thuận hạt nhân.

Anh và Đức đã chỉ trích các hành động của Iran và tuyên bố rằng họ đang đồng hành cùng với Mỹ để đối phó với "chính sách hiếu chiến" của Tehran.

Quan điểm của Anh, Đức đã cản trở nỗ lực của Iran nhằm đưa thỏa thuận hạt nhân năm 2015 thành một "thỏa thuận khung" cho tất cả các nước, và không phân định rạch ròi giữa việc từ bỏ hạt nhân với việc lợi dụng thỏa thuận.

Trao cho đồng minh 2 sự lựa chọn, ông Trump chờ hái quả ngọt về thỏa thuận Iran - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump bắt tay với bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU trong một buổi gặp gỡ các quan chức EU tại trụ sở EU (Ảnh: Reuters)

Hai lựa chọn cho đồng minh của Mỹ

Theo ông Al-Rashed, Nhà Trắng đã xoay xở khéo léo trong cuộc chơi với các đồng minh châu Âu, những nước mà ban đầu chống lại bất cứ điều gì có thể dẫn đến căng thẳng quan hệ với Tehran. 

Tuy nhiên, ông Trump đã cho các đồng minh của Mỹ  hai lựa chọn: Hoặc là phải sửa chữa các "sai lầm" tồn tại trong những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, hoặc là phải hủy bỏ thỏa thuận hoàn toàn. 

Tổng thống Mỹ kiên quyết từ chối để tình hình như trước đây tiếp diễn. Quan điểm ông Trump đồng thuận với quan điểm của đảng Cộng hòa, và chắc chắn sẽ được ủng hộ bởi chính phủ của ông.

Theo lập trường của chính quyền Trump, Tehran phải tự chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sắp tới ở Iran, nếu nước này từ chối thay đổi hành động trong khu vực.

Mỹ và đồng minh không phản đối quyền xây dựng dự án hạt nhân dân sự của Iran, nhưng họ muốn ngăn chặn Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) và mạng lưới tình báo của Tehran được triển khai mở rộng.

Tổng thống Mỹ đã cho các đồng minh của mình một lựa chọn - đối đầu với sự hỗn loạn mà thỏa thuận hạt nhân cho phép Tehran lợi dụng, hoặc là tự loại bỏ thỏa thuận.

Abdulrahman Al-Rashed

Mỹ đòi Iran rút các nhóm vũ trang được tuyển chọn và huấn luyện bởi IRGC, bao gồm người Afghanistan, Pakistan, những người tị nạn Iraq và những người khác, khỏi các điểm nóng Trung Đông.

Washington tố Iran lợi dụng mạng lưới hải quân để cung cấp vũ khí vào các khu vực nguy hiểm ở Yemen, Syria và Lebanon. 

Mạng lưới này bị cáo buộc tài trợ và tiến hành cuộc chiến ở Yemen chống liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, thậm chí lực lượng còn cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động đến các cảng của Syria trên Địa Trung Hải. 

Iran cũng đang hoạt động ở Afghanistan, hỗ trợ cho các nhóm vũ trang tại đây kể từ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ năm 2003...

Ông Al-Rashed lý giải, Iran không thể trở thành một lực lượng đáng gờm như thế nếu các bên ký kết thoả thuận hạt nhân không chấp nhận các điều khoản của Tehran và tự mình đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Trump cho rằng ảnh hưởng của Iran trên thực địa ở Syria không thể đạt được nếu không nhờ "sự khoan dung" của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, vốn lo ngại rằng Tehran sẽ từ chối ký vào thỏa thuận.

Và hai lựa chọn cho Iran

Thách thức đặt ra hiện nay là đưa ra một kế hoạch mới cho phép dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran, nếu Iran quyết định tiếp tục thỏa thuận, nhưng thêm vào yêu cầu ràng buộc nước này rút lực lượng khỏi các khu vực chiến sự và cam kết ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang đồng minh địa phương, như Asa'ib Ahl Al-Haq, lực lượng Hezbollah tại Iraq và những phe nhóm khác.

Trao cho đồng minh 2 sự lựa chọn, ông Trump chờ hái quả ngọt về thỏa thuận Iran - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama, ông John Kerry (trái) gặp đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 22/4/2016 (Ảnh: REUTERS/Brendan McDermid)

Washington nói sẽ khôi phục sự ủng hộ đối với phe đối lập Iran, nhằm gây sức ép lên chính quyền của tổng thống Hassan Rouhani. 

Phe đối lập Iran đã hoạt động nhằm chống lại ông Rouhani, trước khi bị chính quyền Obama ngăn trở bằng cách trì hoãn viện trợ cho các hoạt động học thuật, báo chí và chính trị chống chính phủ.

Abdulrahman Al-Rashed nhận định, sự trở lại của các cuộc đối đầu chính trị, cục diện mới đã đưa đến cho Iran hai lựa chọn: Ngừng can thiệp ở các điểm nóng chiến sự, hoặc trở lại với các lệnh trừng phạt. 

Một khuôn khổ mới sẽ được hình thành để gây áp lực lên Iran và đảm bảo việc thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại